MU có thể trục xuất Cristiano Ronaldo mà không cần bồi thường?
Thứ Hai tuần này, Cristiano Ronaldo đã vắng mặt trong buổi tập đầu tiên của MU. Sự vắng mặt được biện minh bởi lý do gia đình, nhưng điều đó cho thấy đó là một động thái rõ ràng về ý định rời CLB. CR7 vẫn còn một năm hợp đồng ký kết vào mùa hè năm ngoái với mức lương khoảng 23 triệu euro mỗi mùa.
Như vậy, liệu có cách nào để Ronaldo ra đi một cách hợp lệ trong mùa hè này khi hợp đồng của anh nằm ngoài khoảng thời gian “được bảo vệ”?
Điều 17 Quy chế chuyển nhượng cầu thủ của FIFA cho phép một cầu thủ hoặc câu lạc bộ phá vỡ hợp đồng mà không có lý do.
“Trong mọi trường hợp, bên chấm dứt hợp đồng có nghĩa vụ bồi thường và sẽ được tính toán dựa trên luật pháp quốc gia, đặc điểm của môn thể thao và các tiêu chí khách quan khác.
Các tiêu chí này bao gồm, tiền thù lao và các lợi ích khác mà cầu thủ có được theo hợp đồng hiện tại hoặc hợp đồng mới, thời gian hợp đồng còn lại, tối đa là 5 năm, các khoản phí và chi phí mà câu lạc bộ trước đó đã trả (khấu hao quá thời hạn của hợp đồng), cũng như câu hỏi liệu việc chấm dứt hợp đồng có xảy ra trong thời hạn được bảo vệ hay không”.
Xét tất cả những điều trên, có hai kịch bản để tính toán khoản bồi thường cho cầu thủ.
Trong trường hợp cầu thủ không ký hợp đồng mới sau khi chấm dứt hợp đồng trước đó, theo nguyên tắc chung, “khoản bồi thường sẽ tương đương với phần còn lại giá trị của hợp đồng đã được chấm dứt trước hạn”.
Trong trường hợp cầu thủ đã ký hợp đồng mới trước khi có quyết định thì “giá trị của hợp đồng mới trong thời gian tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bị chấm dứt trước hạn sẽ được trừ vào giá trị còn lại của hợp đồng đã bị chấm dứt trước hạn”.
Chìa khóa của mọi thứ nằm ở điều mà FIFA coi là thời hạn được bảo vệ. Điều này theo quy định bao gồm 3 năm đầu tiên của hợp đồng, khi cầu thủ ký hợp đồng dưới 28 tuổi, hoặc 2 năm khi 28 tuổi trở lên. Và đây là trường hợp của Ronaldo, hiện đã 37 tuổi và mới hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong 2 năm của thời gian được bảo vệ.
Về trường hợp này, FIFA thiết lập các biện pháp trừng phạt rất nghiêm khắc đối với cầu thủ có hành vi rời bỏ đội bóng trong thời hạn được bảo vệ, đó là “hạn chế 4 tháng về tư cách thi đấu ở bất kỳ trận đấu chính thức nào. Trong trường hợp có tình tiết tăng nặng, hạn chế sẽ là 6 tháng. Các biện pháp trừng phạt thể thao này có hiệu lực ngay sau khi quyết định được thông báo cho cầu thủ.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt thể thao như vậy sẽ không áp dụng nếu cầu thủ là thành viên thường xuyên của đội tuyển đại diện tham gia vòng chung kết của một giải đấu quốc tế trong khoảng thời gian giữa trận đấu cuối cùng và đầu tiên của mùa giải”.
Như vậy, nếu Ronaldo đơn phương phá vỡ hợp đồng với MU, anh sẽ không thể chơi cho đội bóng tương lai của mình đến tháng 11. Điều này có nghĩa CR7 bỏ lỡ toàn bộ vòng bảng Champions League, hoặc bất kỳ giải đấu nào khác do UEFA tổ chức. Tuy nhiên, anh luôn được đảm bảo tham dự World Cup ở Qatar bắt đầu vào ngày 21/11.
Kịch bản thứ hai là ngôi sao người Bồ Đào Nha giữ nguyên quan điểm không xuất hiện trong các buổi tập của MU. Nếu hành động này kéo dài, bị CLB coi là lạm dụng và được FIFA xác nhận, nó có thể dẫn đến việc anh bị trục xuất khỏi MU.
Cụ thể, Ronaldo chấm dứt hợp đồng nhưng không có bất kỳ khoản bồi thường nào cho năm hợp đồng còn lại. Điều này được phản ánh trong điều 14 điểm 2 của cùng một quy chế, rằng “bất kỳ hành vi lạm dụng nào của một bên với mục đích buộc đối tác chấm dứt hợp đồng hoặc sửa đổi các điều khoản của nó đều là lý do chính đáng để đối tác chấm dứt hợp đồng (cầu thủ hoặc câu lạc bộ)”.