Nghi án Leicester gian lận để tạo dựng thành công
Leicester lại gặp rắc rối
Đúng là ở đời, giỏi quá thường bị người ganh ghét. Đấy là cảm giác về những chuyện gần đây liên quan đến Leicester, từ vụ bác sĩ doping Mark Bonar cho tới gần nhất là việc Football League đang điều tra “Bầy cáo” do bị các đối thủ tố cáo vi phạm luật tài chính ở mùa 2013/14 lúc giành quyền chơi ở Premier League. Vụ này cũng dính líu tới ông chủ Vichai Srivaddhanaprabha, doanh nhân tỷ phú người Thái từng “bơm” hơn 100 triệu bảng cho chủ sân King Power thăng hạng kể từ lúc tiếp quản CLB năm 2010.
Đấy là nghi án xảy ra vào tháng 01/2014 xoay quanh Trestellar Ltd – công ty hỗ trợ Leicester tiếp thị thị trường ở Vương quốc Anh và Đông Nam Á. Vụ hợp tác này ngay lập tức giúp “Bầy cáo” tăng thu nhập từ tài trợ và thương mại lên 11 triệu bảng để giảm thua lỗ 34 triệu bảng từ năm trước. Tuy nhiên, các đối thủ chỉ phản ứng dữ dội từ mùa 2014/15, khi Leicester thông báo việc Trestellar vừa bán các quyền tài trợ chính như sở hữu tên trên áo đấu cầu thủ và tên sân CLB cho công ty King Power của ông chủ Srivaddhanaprabha.
Trestellar đem lại lợi nhuận bất ngờ
Cơ sở cho nghi vấn chủ yếu vì trước khi Leicester hợp tác với Trestellar, gia đình Srivaddhanaprabha đã nắm quyền tài trợ áo đấu và sở hữu tên sân của CLB từ mùa 2012/13, giúp “Bầy cáo” kiếm được 5,2 triệu bảng từ tài trợ và kinh doanh. Còn sau vụ giao dịch với Trestellar khi công ty King Power vẫn giữ quyền tài trợ chính áo đấu y như cũ, thu nhập của Leicester bỗng tăng vọt lên con số 16 triệu bảng.
Điều này giảm bớt thua lỗ trên sổ sách cho Leicester, nhưng rất có thể phải chịu khoản phạt nặng từ Football League do lách luật vì có quy định buộc mọi đội bóng thua lỗ thêm từ 8 triệu bảng trở lên phải giảm lương cầu thủ. Luật cạnh tranh công bằng tài chính (FFP) của Football League không chấp nhận giảm lỗ bằng nguồn tiền hỗ trợ của ban lãnh đạo hoặc nhà đầu tư cho CLB.
Điều kiện để Leicester trả lương thoải mái
Phía Leicester giải thích Trestellar trả cho CLB quyền sở hữu thương hiệu, rồi bán các quyền tài trợ lại cho chủ đầu tư “Bầy cáo”. Nhờ vậy mà sau khi gộp cả các chi phí, Leicester rốt cuộc chỉ lỗ 21 triệu bảng ở mùa 2013/14 nên tránh được FFP và chẳng phải giảm quỹ lương. Đấy là nguyên nhân khiến các đối thủ nổi giận khi cho rằng vì tuân thủ luật chơi, họ phải giảm lương cầu thủ thì Leicester vẫn thoải mái chi quá tay để giành quyền thăng hạng mà không bị trừng trị.
Hệ quả là ở mùa 2013/14, Leicester chi cho quỹ lương tới 36 triệu bảng, cao hơn toàn bộ thu nhập đến 5 triệu bảng. Trong số này, hưởng lợi có thủ môn Kasper Schmeichel, thủ quân Wes Morgan và tiền đạo Jamie Vardy – những công thần ở Premier League mùa này, dù BLĐ sân King Power giải thích 9,4 triệu bảng trong số đó là tiền thưởng cho thăng hạng. Cũng nhờ lách luật như vậy mà hồi tháng 01/2014, Leicester mới chèo kéo được Riyad Mahrez rời Le Havre để trở thành “nhạc trưởng” trong chiến dịch thăng hạng cũng như thành “sao” ở Premier League 2015/16.
Trestellar trông giống “công ty ma”
Các đối thủ của Leicester hoài nghi Trestellar còn do công ty này chỉ vừa mới thành lập liền đem về lợi nhuận quá lớn từ thương mại và tài trợ cho một CLB ở Championship. Điều hành công ty này là các con của Sir Dave Richards, cựu chủ tịch Premier League có quan hệ mật thiết với các ông chủ Thái Lan ở Leicester, cũng như từng hợp tác với cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Được biết hồi tháng 06/2013, có bài báo tiết lộ Sir Dave Richards từng khuyên Leicester cần làm thế nào để lách luật FFP.
Sự tồn tại mờ ám của Trestellar còn ở chỗ: Công ty này không có trang web, thậm chí số điện thoại liên lạc cũng chẳng có nốt. Mọi người chỉ biết trụ sở của Trestellar đặt tại số 6 Shepcote Office Village, đường chính ở Sheffield, nhưng tới đó chẳng thấy dấu vết của công ty này. Có lần khi tờ Guardian yêu cầu giải thích, Richards Jr – con trai của Sir Dave Richards hiện điều hành một công ty tiếp thị, thiết kế và in ấn ở cùng địa điểm ấy đáp trả: “Tại sao chúng tôi phải cần số điện thoại khi chúng tôi rất bận và biết rõ hệ thống cần quan hệ, biết rõ những người mình muốn quan hệ?”.
Thu nhập của Leicester thật sự không bình thường
Trước chất vấn của báo giới Anh, Leicester đang cố lảng tránh mọi câu hỏi về Trestellar, trong lúc Football League khẳng định từ hơn 1 năm qua rằng họ vẫn chưa rõ về tình hình tài chính của “Bầy cáo” mùa 2013/14 và sự việc vẫn trong vòng điều tra. Tuy nhiên, lãnh đạo các CLB ở Championship cho biết ở đẳng cấp này, họ chỉ thu được từ 250.000-500.000 bảng nhờ tiền tài trợ áo đấu và Derby County sở hữu sân có sức chứa hơn hẳn King Power chỉ vừa bán được tên sân cho hãng nước thể thao iPro với giá 700.000 bảng/năm.
Vì vậy, một ông chủ của CLB từng dự Championship 2013-14 xin giấu tên nhận định: “Điều mà Leicester làm ở mùa ấy có vẻ như các ông chủ tìm cách ‘doping’ tài chính cho CLB, trong khi các CLB khác đều tuân thủ luật chơi mà tất cả từng thỏa thuận”. Một quan chức cao cấp ở một CLB khác từng dự Championship 2013-14 cũng cho rằng vụ giao dịch của Trestellar chỉ là biện pháp lách qua FFP.