Nỗi buồn mùa Giáng sinh của các HLV
Mourinho từng tâm sự về việc người cha của mình bị sa thải vào đúng ngày Giáng sinh. Đó cũng là nỗi buồn mà nhiều chiến lược gia tại Premier League trải qua.
Hơn 20 năm theo đuổi nghề huấn luyện, Mourinho đã học được sự khắc nghiệt và cay đắng của nó. Thậm chí, nó còn ám ảnh ông từ khi còn là một đứa trẻ: “Lúc tôi 9-10 tuổi và cha tôi bị sa thải vào ngày Giáng sinh. Ông là một HLV, kết quả đã không được tốt, ông để thua một trận đấu vào ngày 22 hoặc 23/12. Đúng ngày Giáng sinh, điện thoại reo lên và ông bị sa thải vào giữa bữa trưa của chúng tôi”, Mourinho nhớ lại trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi năm 2004.
Bản thân Mourinho cũng có một Giáng sinh buồn, ngay vào thời điểm này năm ngoái. Ngày 17/12/2015, sau khi Chelsea thua 9 trong 16 vòng đầu tiên và tụt xuống khu vực nguy hiểm, “Người đặc biệt” nhận quyết định sa thải từ CLB thành London. Đó là những ngày đen tối bậc nhất trong sự nghiệp của ông và cũng là Giáng sinh buồn bã nhất mà chiến lược gia người Bồ Đào Nha trải qua.
Những ngày lễ Giáng sinh và Năm mới tại Premier League là thời điểm nhạy cảm để quyết định sa thải HLV. Thế nhưng, vẫn có nhiều CLB đủ dũng cảm thực hiện công việc này mà Crystal Palace là trường hợp mới nhất.
Alan Pardew vừa trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc chiến khốc liệt trên băng ghế huấn luyện. Kết quả nghèo nàn là lý do chính dẫn đến kết cục cựu HLV Newcastle phải ra đi ngay trước thềm Giáng sinh. Trên thực tế, tỷ lệ giành trung bình 0,72 điểm mỗi trận của Crystal Palace trong năm 2016 là con số tồi tệ thứ hai trong lịch sử Premier League. Phong độ đó cũng ở mức tồi tệ nhất trong tất cả 92 CLB thuộc các hạng đấu chuyên nghiệp của bóng đá Anh.
Thật trớ trêu, chính Pardew từng được bổ nhiệm cách đây 2 năm thay thế cho Neil Warnock, người bị sa thải ngay sau lễ Giáng sinh. Bây giờ, ông không có cơ hội được hưởng một kỳ Boxing Day vui vẻ sau khi đã cùng Crystal Palace trải qua chuỗi 14 trận không thắng.
Cùng thời điểm Warnock bị sa thải, Alan Irvine cũng mất việc tại West Brom sau khi chơi xong trận đấu vào ngày Boxing Day để nhường chỗ cho Tony Pulis.
Một năm trước đó, một trong những sự thay đổi đáng chú ý nhất trên băng ghế huấn luyện đã xảy ra tại Tottenham, nơi Andre Villas-Boas bị “ép” phải ra đi, nhường chỗ cho Tim Sherwood, chỉ hơn một tuần trước Giáng sinh.
Điều đáng nói, việc miễn nhiệm Villas-Boas là điều khó hiểu khi Spurs thắng toàn bộ 6 trận vòng bảng Europa League và đang đứng thứ 7 tại giải Ngoại hạng Anh. Và mặc dù quyết định này xảy ra sau một loạt kết quả thất vọng tại Premier League, trong đó có trận thua Man City 0-6 và thua Liverpool 0-5 trên sân nhà, Villas-Boas rời CLB với tỷ lệ thắng cao nhất của một HLV Tottenham trong kỷ nguyên Premier League.
Nếu như dịp lễ từ năm 2010 đến 2013 là khoảng thời gian an toàn cho các HLV tại Premier League thì ở mùa 2009/10 đã chứng kiến sự xáo trộn mạnh trên băng ghế huấn luyện. Kể từ vòng đấu sát Giáng sinh cho đến những ngày đầu năm mới, có tới 3 nhà cầm quân bị mất việc, từ Mark Hughes (Man City), Gary Megson (Bolton) cho tới Owen Coyle (Burnley). Trong số này, Hughes đón Giáng sinh và Năm mới trong nỗi buồn bị Man City sa thải khi đội bóng đứng thứ 6, kết cục của việc chỉ thắng được 2 trong 11 trận tại Premier League.
Một chi tiết đáng chú ý là trong kỷ nguyên Premier League, cho đến mùa 2007/08, chỉ có 8 HLV bị sa thải hoặc từ chức trong tháng 12, tương đương với một nửa chặng đường. Nhưng từ đó đến nay (9 năm), con số này là 15, chưa kể số lượng đáng kể mất việc vào tháng 1.
Rõ ràng, áp lực thành công trong thời đại kim tiền tại Premier League càng dễ khiến các ông chủ mất kiên nhẫn hơn và càng có nhiều HLV sớm trở thành nạn nhân bị sa thải hơn.