Ở Premier League đừng nói chuyện nghèo!
Theo chuyên gia tài chính bóng đá Tom Markham, người đã làm việc cho rất nhiều nhà đầu tư mua bán CLB, giá trị của 20 đội bóng tại Premier League trong mùa giải 2015/16 là 8,4 tỷ bảng. Mặc dù cách tính của Markham chỉ dựa trên doanh thu, tài sản và lợi nhuận, con số trên cho thấy sự tăng trưởng 460% về giá trị của các CLB ở Premier League trong 16 năm qua kể từ khi Richard Scudamore trở thành giám đốc điều hành giải. Chẳng hạn như năm 1999, 20 CLB tại Premier League chỉ có giá trị 1,5 tỷ bảng và Man Utd dẫn đầu với 623 triệu bảng, con số hiện tại là 8,4 tỷ bảng và giá trị của Man Utd là 1,8 tỷ bảng.
Đứng sau “Quỷ Đỏ” là Arsenal với giá trị 1,1 tỷ bảng, Man City 907 triệu bảng, Chelsea 826 triệu bảng, Tottenham 710 triệu bảng… Thậm chí Bournemouth trong mùa giải đầu tiên ở Premier League cũng được định giá 104 triệu bảng.
Dĩ nhiên là trong mọi cách tính, giá trị của mỗi CLB và Premier League không thể tách rời giá trị của bản hợp đồng truyền hình nhưng bất ngờ ở đây là Liverpool lại đứng sau Tottenham và giá trị ước tính chỉ có 537 triệu bảng. Để so sánh, theo con số của tạp chí Forbes công bố hồi tháng 5, Liverpool đứng thứ ở vị trí thứ 8 trong Top 10 CLB giá trị nhất thế giới với 982 triệu USD, tương đương 634 triệu bảng và trong Top 10 hoàn toàn không có Tottenham.
Không phủ nhận những bản báo cáo đánh giá về mức độ giàu có của giải đấu, các CLB hay cầu thủ của Deloitte, Forbes hay France Football cũng luôn có sự chênh nhau, đánh giá của Markham một lần nữa cho thấy sự tăng trưởng kinh ngạc của Premier League trong vòng hơn 10 năm trở lại đây. Và chắc chắn, những con số nêu trên mới chỉ là một phần nhỏ của thương hiệu Premier League giờ đã nổi tiếng khắp thế giới.
Nền kinh tế bóng đá
Người ta không tính được chính xác toàn bộ quy mô kinh tế của Premier League nhưng chỉ tính riêng tiền thuế và bảo hiểm, giải đấu này đóng góp mỗi năm 1,3 tỷ bảng cho kinh tế Anh. Phải thừa nhận rằng, sự có mặt của những ông chủ giàu có từ Ả-rập, Nga, Mỹ… đã giúp kinh tế Anh hấp thụ một lượng tiền rất lớn và kéo dài trong 23 năm qua kể từ khi Premier League ra đời ở mùa giải 1992/93.
Mặc dù vậy, truyền hình đóng một vai trò quyết định đến tương lai của Premier League và các CLB. Chỉ cần nhìn qua giá trị hợp đồng truyền hình nội địa tăng trưởng từ mức 633.000 bảng/trận khi BskyB kí hợp đồng đầu tiên vào năm 1992 lên mức 6,53 triệu bảng/trận theo hợp đồng 3 năm đã kí từ 2013-2016 và sau đó là 10,2 triệu bảng/trận theo hợp đồng 3 năm từ 2016-2019, tất cả đều có thể thấy được giá trị của Premier League đã lớn mạnh như thế nào.
Tương tự như vậy là hợp đồng truyền hình nước ngoài. Chẳng hạn như năm 2013, kênh NBC của Mỹ đã trả 250 triệu USD, tương đương 161 triệu bảng, để giành quyền phát sóng các trận đấu tại Premier League trong 3 năm.
Nhờ vậy, Premier League giờ đã phủ sóng ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ, với số người xem gần 5 tỷ người mỗi mùa giải. Con số này có nghĩa khoảng 70% dân số thế giới theo dõi Premier League, trong đó có 1/3 là ở châu Á.
Để so sánh, mỗi trận đấu được phát sóng của Premier League thu hút 12 triệu người xem trên toàn thế giới, trong khi con số này ở Serie A chỉ là 4,5 triệu người, La Liga là 2,2 triệu người và Bundesliga là 2 triệu người. Sự nổi tiếng của Premier League do vậy đã phản ánh chính xác giá trị của bản hợp đồng truyền hình khi Premier League nhận được 3,018 tỷ bảng theo hợp đồng 3 năm từ 2013-2016, còn Serie A chỉ có 721 triệu bảng, La Liga là 511 triệu bảng và Bundesliga là 417,4 triệu bảng.
Không có gì ngạc nhiên khi ở mùa giải 2014/15, đội vô địch Premier League là Chelsea đã nhận được 99 triệu bảng tiền thưởng (con số này ở mùa giải 2016/17 có thể là 150 triệu bảng), trong lúc đội bóng đứng cuối bảng xếp hạng là Queens Park Rangers cũng bỏ túi 64,8 triệu bảng (con số này ở mùa giải 2016/17 có thể là 99 triệu bảng), tương đương với ngân sách của nhiều CLB tại Serie A, La Liga hay Bundesliga.
Tuy vậy, tiền thưởng từ Premier League chỉ là một phần trong doanh thu của một CLB. Sự nổi tiếng của thương hiệu Premier League trên toàn thế giới mang đến cho các đội bóng nhiều hợp đồng quảng cáo và tài trợ. Điều này giải thích tại sao trong Top 10 CLB giá trị nhất mùa giải 2014/15 của tạp chí Forbes, Premier League chiếm một nửa (Man Utd, Man City, Chelsea, Arsenal và Liverpool) và số còn lại là Barcelona, Real Madrid (La Liga), Bayern Munich (Bundesliga), Milan, Inter (Serie A).
Không những vậy, Premier League còn có rất nhiều đóng góp cho nền kinh tế Anh ngoài thuế và bảo hiểm. Chẳng hạn như năm 2012, Visit Britain thống kê có khoảng 900.000 khách du lịch đã xem ít nhất một trận đấu khi đến Anh và 40% trong số này chỉ đơn giản đến Anh là để xem bóng đá. Quan trọng hơn, khách du lịch bóng đá đã chi 706 triệu bảng, tương đương 785 bảng/người và nhiều hơn 200 bảng so với khách du lịch đến Anh thông thường.
Đó là chưa kể Premier League còn có những đóng góp về mặt xã hội như quyên tiền cho các bệnh viện, tổ chức từ thiện và văn hóa…
Premier League đã đạt đỉnh?
Có lẽ là chưa bởi Premier League vẫn giống như thỏi nam châm lớn không chỉ ở vương quốc Anh mà còn với cả thế giới. Nên nhớ rằng, giá trị hợp đồng truyền hình của Premier League tăng trưởng đều trong thời điểm kinh tế toàn cầu suy thoái từ năm 2008 đến nay. Vì thế, sau khi gói truyền hình nội địa trị giá 5,136 tỷ bảng cho hợp đồng 3 năm từ 2016-2019 đàm phán xong giữa Sky và BT Sport, người ta đang chờ xem các hãng truyền hình nước ngoài sẵn sàng trả bao nhiêu tiền để giành quyền phát sóng Premier League (dự kiến 2,5-3 tỷ bảng).
Khi đó, không loại trừ cả 20 CLB tại Premier League sẽ nằm trong Top 30 CLB giàu nhất thế giới – hiện họ chiếm tất cả trong Top 40 – và chẳng có gì ngạc nhiên nếu Burnley có ngân sách lớn hơn cả Ajax.
Điều thú vị là Premier League trở thành giải vô địch hấp dẫn nhất, giàu có nhất mà không cần những cầu thủ xuất sắc nhất như La Liga hay các CLB của họ vẫn thất bại ở Champions League và đội tuyển quốc gia không thành công tại Euro hay World Cup.
MẠNH HÀO