Premier League: Chỉ mất cọng lông, sao không hưởng ứng?

chủ nhật 25-10-2015 23:50:47 +07:00 0 bình luận
Ngay trước derby Manchester tối qua, cả chủ tịch Man City là Khaldoon al-Mubarak lẫn PCT điều hành Man Utd là Ed Woodward đều nhận được lá thư có 65.000 chữ ký vận động họ hưởng ứng chiến dịch tăng lương đủ sống cho những người làm việc vặt ở các đội bóng.

Kiến nghị tăng lương đủ sống cho “cổ cồn xanh”

Những người tham gia ký tên thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, từ giám mục, nghị sĩ, thị trưởng, ủy viên hội đồng địa phương, lãnh đạo các tổ chức cộng đồng và từ thiện, cũng như NHM. Tất cả đều có chung quan điểm: mong muốn giới chủ CLB quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống của giới “cổ cồn xanh”, thành phần làm những phần việc vặt vãnh cho đội bóng trong những ngày thi đấu như nhân viên an ninh, quét dọn, bếp núc, khuân vác, thu ngân, phục vụ quầy bar… Vì cho tới nay, các CLB ở Premier League thường chỉ trả công cho những người này vỏn vẹn 5,25 bảng/giờ cho 4 giờ làm việc trong ngày thi đấu.

Đấy rõ ràng là đồng lương “chết đói”, vì chỉ khoảng 200 bảng/tuần. Do đó, chiến dịch đòi trả lương đủ sống cho người lao động (Living Wage Foundation) kêu gọi giới chủ CLB hãy trả cho những người lao động từ 25 tuổi trở lên số tiền tối thiểu 7,20 bảng cho mỗi giờ lao động, giảm xuống còn 6,70 bảng/giờ cho lứa tuổi 21-24 và 5,30 bảng/giờ cho những người chưa tới 21 tuổi. Bởi theo họ, các CLB Premier League không khó giải quyết vấn đề này với thu nhập 60 triệu bảng/mùa từ bản quyền truyền hình, thậm chí còn tăng lên tới ít nhất 90 triệu bảng/mùa kể từ mùa sau.

Nhà nghèo làm được, sao nhà giàu lại không?

Nào ngờ, điều tưởng chừng đơn giản này lại vấp phải phản ứng của nhiều CLB. Cuộc khảo sát cuối tuần qua của Independent cho biết thoạt đầu, 8/20 CLB Premier League đã không trả lời được câu hỏi đơn giản của tờ báo này là họ có chủ trương trả lương đủ sống cho mọi nhân viên hay không. Sau đó 1 ngày, Leicester mới cho biết họ có trả lương đủ sống cho các nhân viên chính thức và đang có kế hoạch làm điều tương tự với những người còn lại. Trong khi ấy, Southampton, Aston Villa, Crystal Palace, Newcastle, Stoke, Sunderland và Swansea chơi bài “im lặng là vàng”, nghĩa là sắp tới chỉ có 9 đội như Leicester, Arsenal, Bournemouth, Chelsea, Everton, Man City, Man Utd, Tottenham và West Ham hưởng ứng lời kêu gọi của Living Wage Foundation.

Điều thú vị là những CLB đứng ngoài cuộc chơi như Southampton chắc chắn thừa hiểu bản thân hành xử không đẹp, nên tìm cách chống chế. Đại diện của Southampton biện hộ: “Chúng tôi đang xem xét nghiêm túc về việc trả mức lương đủ sống, vì CLB luôn cố gắng đem lại điều tốt đẹp nhất cho người lao động. Tuy nhiên, chúng tôi không thể công khai việc này, vì đây là chính sách riêng tư”. Ngặt nỗi, tờ Independent có yêu cầu các CLB phải cho biết chi tiết mức lương chi trả như thế nào đâu, mà chỉ cần trả lời “có” hay “không” mà thôi. Bên cạnh đó, nếu các CLB bé xíu như FC United of Manchester do NHM Man Utd lập ra nhằm phản đối gia đình Glazer còn có khả năng trả lương đủ sống, lẽ nào các “đại gia” còn ít tiền hơn thành viên của National League North (giải Hạng Sáu Anh)?

Đừng để người lao động thấy tủi thân

Tất nhiên, khi bàn về mức lương đủ sống, cần khẳng định rằng bản thân các thành viên của Living Wage Foundation cùng NHM đều không phản đối những ưu đãi dành cho các siêu sao như Sergio Aguero hoặc Wayne Rooney đang hưởng khoảng 250.000 bảng/tuần. Thế nhưng, người lao động ắt hẳn phải chạnh lòng nếu biết rằng thu nhập bình quân của các cầu thủ ở Premier League hiện lên tới khoảng 50.000 bảng/tuần. Bên cạnh đó, GĐĐH Premier League là Richard Scudamore được hưởng lương hơn 900.000 bảng/năm kèm 2,5 triệu bảng tiền thưởng, và lại vừa được hoa hồng 3 triệu bảng nhờ thương thảo thành công hợp đồng bán bản quyền truyền hình mới. Một tiết lộ khác cho biết GĐĐH Ivan Gazidis được Arsenal trả cho 2 triệu bảng/năm, kém chút xíu so với chủ tịch Tottenham là Daniel Levy.

So với họ, Agnes - một nhân viên phục vụ quầy bar ở Premier League xin dùng tên giả do sợ bị đuổi việc - chỉ được nhận 7,1 bảng/giờ. Mức lương đó có nghĩa là hàng năm, Agnes kiếm được tối đa 1.500 bảng. Trong khi đó, tiền đạo Alexis Sanchez được Arsenal trả cho 7,8 triệu bảng/năm, nghĩa là cao gấp… 5.200 lần so với Agnes. Và nếu so với thu nhập bình quân của người lao động ở Anh, mức lương 4,36 triệu bảng/năm mà Premier League từng trả cho cựu GĐĐH John Varley cao gấp 169 lần. Vì thế, với hơn 40.000 lao động ở Premier League đang nhận lương không đủ sống (bình quân mỗi đội cần 2.000 người trong ngày thi đấu), giới chủ CLB rõ ràng không tới mức phải thắt lưng buộc bụng để cải thiện đời sống cho nhân viên. Nếu vậy, tại sao không cố gắng thực hiện để người làm công đỡ tủi thân, chưa kể đóng góp của họ để đem lại cảm giác thoải mái cho CĐV nhà chưa hẳn không bằng các ngôi sao sân cỏ. 

 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội