Siêu Cúp Anh sẽ được "xuất khẩu"?
Lịch sử chưa từng chứng kiến một trận tranh Siêu Cúp Anh được tổ chức bên ngoài Vương quốc Anh. Tuy nhiên, đối với bóng đá Italia, điều này đã trở nên quen thuộc. Đã có 8 trận tranh Siêu Cúp Italia diễn ra ở nước ngoài.
Lần đầu tiên Siêu Cúp Italia được đem tới một quốc gia nước ngoài vào năm 1993, khi Milan Torino đụng độ tại Washington ngày 21/8. Chín năm sau đó, đến lượt Tripoli, Tunisia là địa điểm tổ chức trận đấu giữa Juventus và Parma. Năm tiếp theo, Juventus và Milan đem cuộc so tài sang Mỹ một lần nữa trên sân Giants ở New Jersey.
Trong 7 năm gần đây, có tới 5 lần các trận tranh Siêu Cúp được tổ chức bên ngoài biên giới xứ sở mỳ ống, gồm 4 tại Bắc Kinh và Thượng Hải, Trung Quốc.
Năm 2014, Juventus và Napoli chạm trán tại Doha, Qatar mà doanh thu truyền hình được đảm bảo 800.000 euro cho hai đội.
Một năm sau, khi Juventus và Lazio đụng độ ở Thượng Hải, doanh thu truyền hình tăng lên tới 3 triệu euro, nghĩa là mỗi đội bỏ túi 1,5 triệu. Về phần mình, LĐBĐ Italia cũng nhận được 300.000 euro nhờ phí “tổ chức sự kiện”.
Thông qua công ty MP & Silva, trong 3 năm từ 2015 đến 2018, các giải đấu hàng đầu của bóng đá Italia thu về trung bình 186 triệu euro mỗi mùa giải tiền bản quyền truyền hình từ nước ngoài. Trong giai đoạn 2012-2015, con số này chỉ là 69 triệu euro.
Tuy nhiên, số tiền nói trên chẳng thấm vào đâu so với mức 1 tỷ euro mà bóng đá Anh thu được từ bản quyền truyền hình nước ngoài. Tất nhiên, nếu đem trận Community Shield ra nước ngoài, các bên liên quan sẽ bỏ túi thêm không ít từ tiền bản quyền truyền hình.
Trong tương lai, khả năng Community Shield được đem ra nước ngoài tổ chức không nằm ngoài khả năng. Đơn giản bởi nguồn lợi béo bở mà cả FA và các đội bóng tham dự nhận được từ “miếng bánh” này.
Dĩ nhiên, so với Serie A thì danh tiếng của Premier League lớn hơn rất nhiều. Sức hút từ các CLB giải Ngoại hạng Anh cũng lấn át mọi đối thủ khác, nhất là ở những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Bắc Mỹ và cả thị trường mới Australia. Đây cũng chính là những nơi có đủ tiềm lực tài chính và thu hút khán giả tới sân để tổ chức một trận tranh Siêu Cúp Anh.
Các CLB Premier League đều nhận thức được rằng, họ vừa bỏ túi một số tiền lớn, vừa có cơ hội mở rộng thị phần ở nước ngoài thông qua các chuyến du đấu mùa Hè. Đấy là lý do mà bóng đá Anh có lẽ sẽ không chỉ dừng lại ở du đấu mà còn tính đến việc tổ chức một trận đấu mang tính trình diễn như Community Shield đến một miền đất nào đó.
Một câu hỏi được đặt ra có sự khác biệt như thế nào giữa việc tiến hành một trại huấn luyện tập trung ở châu Âu và tổ chức du đấu trước mùa giải? Sự giải đáp nằm ở chính lợi ích thương mại. Theo được hiểu thì lệ phí mà mỗi đội tham dự giải International Champions Cup nhận từ 5 đến 15 triệu bảng.
Cho dù mỗi thứ hạng tại Premier League trị giá 1,5 triệu bảng và các đội bóng có thể tập huấn gần nhà để giữ sức, nhưng tất cả đều không ngại bắt tay vào một “điệp vụ toàn cầu” mà ở đó có những lợi ích thương mại dài hạn. Họ đã ký hợp đồng với nhiều chuyến du đấu mùa hè trước đó vài năm.
Tất cả đã giải thích tại sao, không chỉ các ông lớn mà những đội bóng nhỏ và trung bình như Crystal Palace, Southampton, Bournemouth, Leicester, West Ham, Stoke và Swansea cũng đã chơi ít nhất một trận đấu ở Mỹ vào mùa Hè này.
Vì thế, sự “dịch chuyển” ra nước ngoài của bóng đá Anh vẫn sẽ là xu hướng chủ đạo trong tương lai, kể cả việc đem Community Shield tới một quốc gia nào đó.