U20 Anh vô địch thế giới và... làm "vật trang trí" ở Premier League?
U20 Anh vừa lần đầu tiên lên ngôi vô địch thế giới, nhưng điều đó chưa chắc mở ra tương lai tươi sáng cho dàn cầu thủ trẻ tài năng này khi họ trở về CLB chủ quản ở Premier League.
Cựu tuyển thủ Anh, thần đồng một thời của bóng đá xứ sương mù, Lee Hendrie là người mới nhất lên tiếng ủng hộ các cầu thủ U20 Anh cần được tạo nhiều điều kiện ra sân tại Premier League hơn nữa, sau khi đăng quang tại giải U20 World Cup 2017.
“Đội hình này chỉ có tổng cộng 72 lần ra sân ở Premier League. Con số này quá khiêm tốn. Rõ ràng, những cầu thủ này có tài năng, nhưng họ sẽ bị dẹp sang một bên khi các đội bóng mang về những bản hợp đồng đắt tiền”, Hendrie chia sẻ.
Thực tế, những chú “Sư tử trẻ” của đội tuyển Anh xứng đáng nhận được những lời khen ngợi sau chiến công mang về chức vô địch thế giới đầu tiên cho Tam Sư, kể từ năm 1966.
Tại Hàn Quốc, tiền đạo Dominic Calvert-Lewin của Everton vừa đi vào lịch sử khi trở thành cầu thủ Anh thứ 3 ghi bàn ở một trận chung kết World Cup. Ý nghĩa của pha lập công này càng lớn hơn nữa khi nó mang về chức vô địch U20 World Cup đầu tiên cho “Tam Sư”.
Thủ môn Freddie Woodman cũng xứng đáng nhận được những lời khen sau khi cản phá thành công một cú sút phạt đền của U20 Venezuela và chỉ thủng lưới tổng cộng 3 bàn, giữ sạch lưới 4 trận trong tổng số 7 trận ở giải.
Cá nhân tiền đạo Dominic Solanke còn được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất giải, nhận Quả bóng vàng sau khi đóng góp 4 bàn trong hành trình lên ngôi của Tam Sư.
Video U20 Anh đánh bại U20 Venezuela ở trận chung kết U20 World Cup 2017
Đáng chú ý, phần thưởng cao quý trên đã giúp Dominic Solanke sánh ngang thành tích trong quá khứ của Diego Maradona, Luis Figo, Lionel Messi, Sergio Aguero hay Paul Pogba, những ngôi sao trưởng thành sau từ U20 World Cup. Giờ liệu Solanke - và nhiều đồng đội - có thể tiếp bước các đàn anh?
Thực tế, Solanke vừa quyết định gia nhập Liverpool để tìm kiếm cơ hội ra sân nhiều hơn ở Premier League, thay vì mài đũng quần trên băng ghế dự bị Chelsea ngay cả khi đã chứng minh được tài năng sau thời gian thi đấu ở Vitesse (Hà Lan) dưới dạng cho mượn và đoạt vô số danh hiệu ở cấp độ trẻ cùng Chelsea.
Câu chuyện của Solanke vốn không có gì lạ, nếu biết rằng chỉ có 4 CLB ở Premier League mùa qua trao hơn 50% thời gian thi đấu ở giải Ngoại hạng cho các cầu thủ “Home-grown” (những cầu thủ do chính đội bóng đào tạo từ nhỏ). Đó là Bournemouth (81%), Burnley (62%), Crystal Palace (53%) và Everton (52%).
Kết quả này xuất phát từ việc các đội bóng Anh ngày càng ưa chuộng việc tìm kiếm thành công nhanh chóng bằng cách mua các ngôi sao thành danh, thay vì chú trọng phát triển công tác đào tạo trẻ.
Mặt khác, nhiều tài năng trẻ người Anh cũng tự đánh mất bản thân quá sớm vì lóa mắt trước danh vọng và tiền bạc. Thay vì tập trung phát triển sự nghiệp, nhiều cầu thủ lại kiêu căng tự mãn khi được truyền thông tung hê và sớm sa đà vào những thói hư tật xấu bên ngoài sân cỏ.
Một số cầu thủ không dính vào tệ nạn, nhưng cũng tự hạn chế cơ hội phát triển của bản thân khi tìm cách chuyển đến những câu lạc bộ lớn để hưởng mức lương cao ngất ngưởng, dù phải trả giá bằng việc không thể cạnh tranh một suất đá chính và cứ thế thui chột dần.
Không nói đâu xa, chính Dominic Solanke cũng từng vòi vĩnh Chelsea phải tăng lương và cho anh ra sân nhiều hơn, nếu không sẽ dứt áo ra đi.
Bây giờ điều này đã trở thành sự thật. Nhưng liệu Solanke có thể tìm thấy con đường phát triển mới ở Liverpool, hay sẽ tiếp tục mài đũng quần trên băng ghế dự bị và một thời gian sau thì cũng chẳng còn ai nhớ đến anh từng đoạt danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất thế giới, cột mốc mà những Diego Maradona hay Lionel Messi cũng từng chạm đến?