Bayern của Pep Guardiola: Khủng hoảng bản sắc hay… thế thời phải thế?
Đặt chân đến Đức mùa Hè 2013, cựu chiến lược gia Barca nhanh chóng biến Bayern trở thành một đội bóng hoàn toàn mới. Chấp nhận loại bỏ những “di sản” dưới triều đại Jupp Heynckes vừa giành được cú ăn ba lịch sử, Pep đã quyết định gây dựng "Hùm xám" vận hành dựa trên nền tảng “tiki-taka” vô cùng khác biệt, mang đậm cá tính cũng như dấu ấn cá nhân của mình.
Thế nhưng, lần lượt những thất bại trước Real Madrid và chính đội bóng cũ Barca ở hai vòng bán kết Champions League gần nhất khiến cho nhà cầm quân người Tây Ban Nha phải chịu nhiều chỉ trích hơn bao giờ hết. Trong mắt phần lớn các CĐV Bayern bây giờ, Pep chẳng khác gì một “kẻ ngoại đạo”, một tên… khủng bố văn hóa theo đúng nghĩa đã khiến đội bóng xứ Bavaria rơi vào cuộc khủng hoảng bản sắc trầm trọng.
Thực tế cũng cho thấy, phiên bản Bayern Munich dưới thời Pep trong vài năm trở lại đây là một "Hùm xám" cực kỳ… anti chất Đức. Đội bóng xứ Bavaria đã không còn chơi pressing mạnh mẽ giống như giai đoạn Jupp Heynckes nắm quyền. Thay vào đó là một hệ thống chiến thuật kiểm soát bóng theo kiểu tuyệt đối, sẵn sàng chuyền bóng “đến chết” trước khi dứt điểm. Mặc dù rất dễ dàng duy trì sự thống trị ở mặt trận quốc nội nhưng Bayern vô hình chung cũng trở nên “mong manh và dễ vỡ” hơn khi phải chạm trán các đối thủ rắn mặt tại đấu trường châu Âu.
Hệ quả, khi mà "Hùm xám" liên tục gây thất vọng tràn trề, Pep nghiễm nhiên cũng trở thành nguồn gốc của quá trình suy thoái những giá trị truyền thống Đức trong màu áo CLB chủ sân Allianz Arena. Chẳng còn mấy ai dám đặt niềm tin vào Pep và tất cả đều đang nghĩ rằng vị chiến lược gia người Tây Ban Nha chính là nguyên nhân tiên quyết khiến cho Bayern tự đánh mất đi thứ tinh thần chiến đấu mạnh mẽ ngày nào.
Mặc dù vậy, trong trường hợp phải đánh giá mọi chuyện ở một góc độ công bằng và khách quan hơn, người ta có lẽ nên tôn trọng thay vì tiếp tục “nguyền rủa” nhà cầm quân 44 tuổi.
Trên thực tế, xã hội đương đại đã bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa từ khá lâu rồi. Và bóng đá, tất nhiên cũng phải chịu những ảnh hưởng nhất định đến từ xu thế này.
Trong bối cảnh cuộc sống đang ngày càng trở nên đa diện và phức tạp, người Đức nói chung hay những người Munich nói riêng cần phải chấp nhận một sự thật rằng, thứ bóng đá truyền thống Deutschland của họ không ít thì nhiều, không sớm thì muộn, chắc chắn sẽ bị “lai tạp” bởi những giá trị văn hóa khác, đơn cử như lối chơi “tiki-taka” chẳng hạn.
Do đó, thay vì chỉ trích HLV Pep Guardiola như một kẻ thách thức lịch sử thì giới mộ điệu cũng nên nghĩ rằng, Bayern Munich dưới triều đại của vị chiến lược gia người Tây Ban Nha chính là bằng chứng sinh động và cụ thể nhất về một thế giới bóng đá phẳng…