"Chuyện tình" Milan - Berlusconi sắp đi đến đoạn kết
Sau khi không thể lôi kéo được những đại gia đến từ Thái Lan và Nga, mới đây Milan và ông chủ Silvio Berlusconi đã nhận được những lời đề nghị rất nặng ký đến từ thị trường Trung Quốc và Hong Kong. Nhà môi giới Salvatore Galatioto đã tìm được hai ứng viên rất tiềm năng sẵn sàng đầu tư vào Milan, đó là Jack Ma - ông chủ của Alibaba và Chủ tịch của tập đoàn Hutchinson Whampoa, Li Ka Shing.
Trước tình trạng làm ăn thua lỗ trong những năm qua, nhà Berlusconi mà đứng đầu là ông Silvio đã buộc phải tính đến phương án bán quyền sở hữu Milan dù chẳng đặng đừng. Theo tính toán, để sở hữu được ít nhất 51% cổ phần của Milan, số tiền mà các nhà đầu tư cần trả cho Fininvest, công ty mẹ của Milan sẽ rơi vào khoảng 616 triệu euro.
Tình trạng của Milan hiện tại có thể nói là đang hết sức khó khăn. Tại Serie A, cơ hội để họ có được một vị trí dự cúp châu Âu mùa tới không còn lại bao nhiêu. Thành tích trên sân cỏ của Milan trong những năm gần đây cũng cho thấy sự sa sút không có điểm dừng. Tính từ thời điểm ông Berlusconi mua lại Milan từ tay của Giussy Marina vào năm 1986, trong phòng truyền thống của đội bóng đã được bổ sung thêm 28 danh hiệu lớn nhỏ các loại, trong đó có tới 8 Scudetto cùng 5 chức vô địch C1/Champions League. Thế nhưng, kể từ thời điểm Milan vô địch quốc nội mùa 2010/11, họ bắt đầu đà sa sút và đã trắng tay suốt 5 năm qua.
Thành tích của Milan tính từ mùa 2011/12 - 2014/15
Serie A: 2 - 3 - 8 - 10
Coppa Italia: Bán kết - Tứ kết - Tứ kết - Tứ kết
Champions League: Tứ kết - Vòng 1/8 - Vòng 1/8 - Không được tham dự
Không được tham dự Champions League rõ ràng là một đòn giáng mạnh vào nguồn thu của Milan vì theo ước tính, mỗi đội bóng góp mặt sẽ thu về số tiền tối thiểu là 21 triệu euro mỗi mùa. Mùa Hè vừa qua, BLĐ đội bóng đã quyết tâm cải tổ mạnh mẽ với việc mạnh tay trở lại trên thị trường chuyển nhượng khi chi ra tới 122,6 triệu euro để mua cầu thủ trong khi thu về chỉ có 7 triệu euro. Đặt quyết tâm cao là thế, nhưng rút cuộc khi mùa giải chưa đi hết Milan đã buộc phải cắn răng chấm dứt hợp đồng sớm với HLV Sinisa Mihajlovic.
Thành tích sân cỏ bết bát cũng đồng nghĩa với việc Milan phải chịu cảnh sân San Siro ngày càng đìu hiu khán giả, bằng chứng là việc doanh thu từ bán vé giảm mạnh từ 25,6 triệu euro năm 2014 xuống chỉ còn 16,7 triệu euro năm 2015. Milan có thể biện minh rằng doanh thu thương mai của họ vẫn là số 1 tại Serie A với 82,8 triệu euro, và tăng 4 triệu euro so với chính họ trong năm 2014. Nhưng điều đó có được là do những hợp đồng tài trợ với Emirates và Adidas.
Có thể so sánh doanh thu của Milan với Juventus để thấy sự sa sút của họ là ghê gớm như thế nào. Trong năm 2015, Milan thu về số tiền 217,9 triệu euro và con số này chỉ xứng đáng "xách dép" cho Juventus với 328 triệu euro đồng thời mất luôn vị thế đội bóng làm ăn có lãi nhất Italia về tay "Bà đầm già". Milan đã rất nỗ lực cải thiện tình hình tài chính ảm đạm bằng việc kêu gọi các nhà tài trợ, ký hợp đồng bán bản quyền truyền hình cũng như chờ đợi Fininvest rót vốn vào. Thực tế điều này đã giúp Rossoneri giảm được gánh nặng về nợ xuống còn 188,5 triệu euro (so với 246,8 triệu euro năm 2014), nhưng khi phải gánh quỹ lương lên tới 163,9 triệu euro thì điều đó có nghĩa những nỗ lực của Milan dường như không có nhiều ý nghĩa.
Và việc chuyển giao quyền sở hữu đội bóng cho một nhà đầu tư khác cũng chỉ là điều sớm hay muộn với ông Berlusconi mà thôi. Đó có thể là Jack Ma, ông chủ của Alibaba - công ty được mệnh danh là Amazon của Trung Quốc - người giàu thứ hai tại đất nước tỷ dân với khối tài sản ước tính lên tới 20,3 tỷ euro, và cũng là người đồng sở hữu của CLB Guangzhou Evergrande. Hoặc đó có thể là Li Ka Shing, Chủ tịch của Tập đoàn Hutchison Whampoa, đế chế thống trị trong ngành vận tải, năng lượng, bất động sản, viễn thông và bán lẻ tại Hong Kong, người giàu nhất Hong Kong và xếp thứ 20 trong danh sách những người giàu nhất thế giới với tài sản ước tính 25 tỷ euro.