Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 2)
“Khi người đội trưởng Franco Baresi chỉ huy Milan, trật tự được thiết lập. Khi người hậu vệ vĩ đại của bóng đá Italia hét lên, không gian trên sân được hợp lý hóa. Anh ấy sở hữu trí thông minh tuyệt vời, đầy táo bạo và kỷ luật, để biến catenaccio trở thành thứ nghệ thuật đàn áp các đối thủ” - Jorge Valdano, nhà VĐTG 1986 với ĐT Argentina nhận xét.
“Chàng lùn” và bước ngoặt với Nils Liedholm
Nils Liedholm là huyền thoại tấn công của Milan (1949-1961) và đội tuyển Thụy Điển. Ông có 3 nhiệm kỳ làm HLV ở San Siro, không tính thời gian trợ lý. Sinh thời, Liedholm thường nhắc đến việc ông tự hào khi là người đưa hai biểu tượng của Milan ra ánh sáng. Trong nhiệm kỳ hai (1977-1979, ông giới thiệu cho cả thế giới biết về Baresi. Ở nhiệm kỳ ba (1984-1987), ông cho ra mắt Paolo Maldini. Áo số 6 của Baresi và số 3 của Maldini đều được treo vĩnh viễn trong lịch sử CLB.
->>> Franco Baresi: Từ “Chàng lùn” đến Hoàng đế Milan (Kỳ 1)
Câu chuyện HLV Liedholm đưa Baresi từ bóng tối ra ánh sáng là một giai thoại mà người Milan tự hào kể cho nhau trong một thời gian dài. Hôm ấy, ngày 23/4/1978, Milan làm khách của Verona trong khuôn khổ Serie A mà hậu vệ Ramon Turone bị treo giò. “Cậu thi đấu!”, HLV Liedholm chỉ vào chàng trai mà đúng 15 ngày sau sẽ tròn 18 tuổi. Thủ môn kỳ cựu Enrico Albertosi bày tỏ sự lo lắng. Ông sợ mình sẽ có trận đấu vất vả vì phía trước là người đồng đội nhỏ con, và chưa một chút kinh nghiệm.
“Albertosi không tin tưởng. Anh ấy nói đi nói lại rằng tôi phải làm thế này, phải đứng chỗ nọ, rồi phải cẩn thận”, Baresi nhớ lại trong một cuộc trò chuyện trên truyền hình sau đó rất lâu. “Tôi thực sự bối rối. Tôi muốn nói rằng anh ấy chỉ làm mọi chuyện thêm tồi tệ. Nhưng làm sao tôi dám làm vậy!”. Milan đã giành chiến thắng 2-1, và Baresi chơi nổi bật.
Trong phòng thay đồ, Baresi gặp Nereo Rocco - một trong những HLV vĩ đại nhất lịch sử Milan (giành Cúp C1 1963 và 1969). Ông nghỉ hưu năm 1977, nhưng vẫn luôn theo đội. “Tuyệt vời chàng trai! Cảm giác thật khó tả, đúng không?”, Rocco khen ngợi. Phòng thay đồ vang lên tiếng cười và những lời khen. Franco ngại ngùng, chạy thẳng vào phòng tắm.
Ngày hôm sau, Baresi mở những tờ báo để đọc những bài báo nhận xét về mình. Franco đặc biệt nhớ lời nhận xét của đội trưởng Gianni Rivera, người đang ở chương cuối sự nghiệp: “Cậu bé này sẽ mở ra hành trình dài cho mình”. Rivera nhận xét đúng về “Piscinin” (chàng lùn) - biệt danh mà cả đội gọi Baresi.
Cuộc đời của Baresi mãi là một “Piscinin” với Milan, nhưng chỉ là cách gọi bề ngoài. Từ sau màn ra mắt, Baresi tiến bộ không ngừng. Người Italia gọi Baresi là “Kaiser Franz” (Hoàng đế Franz), để so sánh ông với Franz Beckenbauer vĩ đại.
Baresi tiến bộ nhanh đến mức giành vị trí chính thức ngay đầu mùa 1978-79, ít lâu sau khi dược ra mắt. Trong mùa Hè 1978, chứng kiến Baresi thi đấu các trận giao hữu, GĐTT Sandro Vitali lạc quan: “Cậu ấy là một vụ đầu tư của tương lai. Chắc chắn, trong tương lai cậu ấy sẽ trở thành libero hàng đầu”. Liedholm đồng ý. Nhưng ông khẳng định không cần đến tương lai xa.
Huyền thoại người Thụy Điển công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ với cậu học trò trẻ. “Từ bây giờ, cậu sẽ luôn luôn được thi đấu”. Đúng như lời hứa của Liedholm, Baresi đá 40 trận mùa giải thứ 2 trong sự nghiệp. Trong đó, có trọn vẹn 30 trận Serie A.
Ảnh hưởng của Liedholm với Baresi bắt đầu từ 1977. Nereo Rocco nghỉ hưu, HLV Liedholm trở lại Milan. Mùa Hè 1977, Milan tập huấn ở Vipiteno, đô thị miền Bắc Italia, gần biên giới với Đức. Liedholm đã triệu tập Baresi, khi CLB đóng quân ở khách sạn Aquila Nera. Lúc này, Baresi mới chỉ vừa được đôn lên với đội Primavera (Mùa Xuân), cách gọi đội U-20 của các CLB Italia.
Baresi là thành viên trẻ nhất, cũng là thấp bé nhất đợt tập huấn. Biệt danh “Chàng lùn” ra đời tại đây, bởi chuyên gia vật lý trị liệu Paolo Mariconti.
Thi đấu với đội Primavera, tập cùng đội một là kỷ niệm khó quên với Baresi. Cũng thời gian này, cha của ông qua đời vì tai nạn giao thông. Ông Baresi bị ô tô cuốn vào gầm phía trước một nhà thờ. Cũng từ đó, Franco chuyển vào ở hẳn trong trung tâm Milanello. Chuyên viên Paolo Mariconti, người được biết đến là nhân cách lớn, như trở thành người cha thứ hai của Baresi. Và từ mùa 1978-79, Liedholm như một người cha khác.
“Chúa mới giữ được bóng trước Baresi”
“Một phong cách độc đáo, kiêu ngạo đến mức tưởng như hách dịch, đôi khi tàn nhẫn. Anh ấy nhìn chằm chằm quả bóng như một con thú săn mồi. Trong trường hợp anh ấy thất bại, đơn giản chỉ vì Chúa đang giữ quả bóng. Baresi luôn xuất hiện với những động thái của một đấu sĩ mạnh mẽ. Cắt bóng tốt, chỉ huy xuất sắc, phát động tấn công giỏi, với những giá trị tuyệt vời. Đó là hậu vệ tốt nhất trái đất mà tôi chứng kiến”, Gianni Brera - nhà báo, tiểu thuyết gia, một người theo dõi từng bước tiến của Baresi cho đến khi ông qua đời năm 1992, ở tuổi 73.
Cố tiểu thuyết gia Brera gọi Baresi là hậu vệ tốt nhất trái đất. Truyền thông châu Âu thì ví Franco là UFO - vật thể ngoài hành tinh, sau khi chứng kiến kỷ nguyên “Immortali” thành công rực rỡ.
Suốt những năm thập niên 1980 và 1990, rồi cả sau này, bóng đá châu Âu nảy sinh tranh cãi Baresi hay Beckenbauer giỏi hơn. Cuộc tranh cãi chưa bao giò có hồi kết, để rồi xuất hiện thỏa hiệp không chính thức: cả hai cùng đẳng cấp.Những tín đồ bóng đá Đức và Beckenbauer chấp nhận ý kiến “Hoàng đế” giỏi hơn ở khả năng phát động tấn công ở vị trí libero. Trong khi đó, tifosi nói chung, và CĐV Milan nói riêng thì đồng ý Baresi phòng ngự tốt hơn.
Năm 2004, Jorge Valdano - cựu nhà báo, nhà văn, cầu thủ, HLV, nhà quản lý thể thao; một người có ảnh hưởng lớn đến bóng đá Argentina, CLB Real Madrid và cả bóng đá Tây Ban Nha - cho xuất bản cuốn sách rất thú vị “Il sogno di Futbolandia” (Giấc mơ của Futbolandia; tạm hiểu là giấc mơ về một xứ sở của bóng đá huyền ảo.
Cuốn sách là tác phẩm văn xuôi về thứ bóng đá không tồn tại, nhưng là thứ mà chúng ta hy vọng: những trận đấu đẹp, sự hào phóng, quý tộc…). Trong đó, Valdano nhắc đến Baresi như một người đến từ thế giới Futbolandia của ông, nhằm đáp lại ý kiến về việc Franco thua Beckenbauer ở khả năng tổ chức.
“Bậc thầy về khả năng tổ chức phòng ngự khu vực và vị trí. Franco như có quyền năng để quyết định đối thủ sẽ hiện diện chỗ nào, chỉ với một vài bước di chuyển thông minh. Các đồng đội tin tưởng anh ấy một cách tuyệt đối, tin vào năng lực tổ chức thế trận của Franco.
Những cầu thủ Real Madrid thừa nhận, cầu thủ Milan không hề nhìn bóng, cũng không thèm nhìn đối phương. Họ chỉ nhìn vào Baresi, rồi di chuyển. Kết quả, họ bóp nghẹt Real Madrid. Vì thế, anh ấy là một nhà lãnh đạo thực sự, toàn diện về mọi mặt, và chúng ta cần tôn trọng”.
Màn bóp nghẹt Real Madrid mà Valdano nói đến là chiến thắng 5-0 của Milan ở lượt về bán kết Cúp C1 năm 1989. Trận ấy, Baresi đá libero và tổ chức thế trận tuyệt vời. Carlo Ancelotti chơi vị trí trequartista, và ghi bàn mở tỷ số tuyệt đẹp.
Ruud Gullit giữ vai trò “số 10” cổ điển. Họ là bộ 3 chủ đạo để làm nên kỷ nguyên vàng với Arrigo Sacchi - một “HLV bị ám ảnh bởi những chiến thắng”, như lời Berlusconi. Baresi và Milan đã dạy Real Madrid - CLB vĩ đại nhất thế kỷ 20, dựa theo bầu chọn của FIFA, thế nào là bóng đá nghệ thuật.
Ở trận chung kết sau đó, Milan với thủ lĩnh Baresi lại dạy bóng đá cho Steaua Bucharest, nhà vô địch Cúp C1 năm 1986, và là thế lực từ Đông Âu.
Xuyên suốt lịch sử bóng đá, phòng ngự luôn không được đón nhận như tấn công, khi đa số tín đồ túc cầu giáo đều thích sự hào nhoáng và bàn thắng. Nhưng Franco Baresi là ngoại lệ, kể cả những người khó tính nhất.
Được xem Baresi trình diễn trên sân cỏ là một ân huệ. “Đơn giản, Franco là hậu vệ vĩ đại nhất mọi thời đại. Anh ấy luôn làm mọi thứ ở mức độ hoàn hảo, kể cả tổ chức tấn công”, cựu danh thủ Gary Lineker khen ngợi.
Không nghi ngờ gì cả, Baresi là nghệ nhân được sản sinh bởi Calcio, từ đất nước hình chiếc ủng mà mỗi mét vuông đều có thể tìm thấy những tác phẩm nghệ thuật.