02h45 (01/02), Milan - Inter: Mồi câu “bóng ít”, thít cổ Inter?
1. Khi ông chủ Berlusconi chi ra xấp xỉ 90 triệu euro tăng cường lực lượng hồi Hè thì nó đồng nghĩa áp lực trút lên vai tân HLV Mihajlovic thật kinh khủng. Thực tế, bước chạy đà của Rossoneri đã trở thành thảm họa. Thất bại 0-2 tại Firenze cho thấy nhiệm vụ của Mihajlovic khó nhằn nhường nào khi ông phải dựng một đội hình mới gần như hoàn toàn so với mùa trước. Và khó nữa là phải làm vui lòng Berlusconi - người luôn thích “bóng đá đẹp” và thích tự tay sắp xếp 3 hoặc thậm chí 4 mũi tấn công cho Milan.
Trong những ngày ấy Mihajlovic loay hoay với các sơ đồ (4-3-1-2, 4-3-3, 4-2-3-1), phải chiều lòng Berlusconi khi cố tạo ra cặp tiền đạo Bacca - Adriano còn phía sau những Bonaventura, Bertolacci, Honda đều lao lên tham gia tấn công và nó tạo ra sự mất cân đối trầm trọng. Milan kiểm soát bóng nhiều hơn, nhưng nó không đồng nghĩa với việc họ nắm thế chủ động. Và những ý tưởng tấn công cũng không vì thế mà đến nhiều hơn, một cách bài bản, mà Milan rối rắm khi triển khai bóng ở phần sân đối phương và việc ghi bàn phụ thuộc hoàn toàn vào Carlos Bacca. Đương nhiên, hệ quả là thành tích sa sút, tỷ lệ nghịch với số tiền tấn Berlusconi chi ra và ông chủ của Milan đã nghĩ đến việc sa thải Mihajlovic, đó là sau thất bại 0-1 trước Bologna ngay tại San Siro trong trận mở màn năm mới 2016.
Tuy nhiên, khi hứng chịu áp lực sa thải đếm bằng ngày, Mihajlovic rốt cuộc đã chọn điều đúng đắn khi phớt lờ sở thích của ông chủ để dựng nên một Milan chơi đúng theo triết lý, cá tính, phong cách của vị HLV người Serbia. Milan chú trọng tới sự cân bằng đội hình, đặc biệt ở tuyến giữa, tập trung nhiều hơn cho khâu phòng thủ, sẵn sàng chơi phản công chủ động và đặc biệt, giờ Milan chấp nhận nhường bóng nhiều hơn cho đối thủ. Đấy không phải Milan mà Berlusconi muốn thấy. Và như thế Mihajlovic đang đặt cược chính chiếc ghế của ông. Nhưng bởi Milan đã lột xác, sau trận thua Bologna, mà thành tích 5 trận bất bại gần nhất ở mọi đấu trường là minh chứng, có thể khẳng định rằng Mihajlovic đang đi đúng hướng.
2. Phải! Triết lý hay có thể gọi là “Sinisa Style - Phong cách Sinisa” chưa bao giờ rõ rệt và hiệu quả đến thế với Milan. Điều thay đổi đầu tiên chính là cách tiếp cận từng trận đấu và từng đối thủ. Trong chuỗi trận hồi sinh vừa qua, dù bị thủng lưới sớm khi gặp Roma hay dẫn bàn sớm trước Fiorentina thì Milan vẫn luôn chơi với ý nghĩ: “Tỷ số vẫn là 0-0”. Nó khiến các cầu thủ tập trung cao độ. Milan vẫn sẵn sàng dâng cao đội hình giành quyền kiểm soát bóng nhiều hơn (56%) và tạo ra nhiều cơ hội ghi bàn trước một Roma đang khủng hoảng, hay chẳng ngại co cụm tập trung phòng thủ chắc với tỷ lệ cầm bóng chỉ còn là 31% nhưng số pha phản công tăng gấp đôi trước Fiorentina. Hai trận đó Milan đã có 4 điểm. Và ở vòng gần nhất giành 1 điểm trên sân đối thủ khó chịu Empoli cũng chẳng phải quá tồi, khi Milan cũng sẵn sàng nhường phần lớn thời lượng giữ bóng cho chủ nhà (62% - 38%) và các học trò của Mihajlovic thậm chí ghi 2 bàn.
Nhìn lại, không phải đến giờ mới thấy sự đổi thay mạnh mẽ ở Mihajlovic khi ông quyết tâm xây dựng đội bóng của chính mình, không phải xếp 11 cái tên vì sở thích của “Bố già” Berlusconi. Hồi cuối tháng 10/2015, Mihajlovic từng gây sốc khi ném cậu nhóc 16 tuổi Donnarumma vào sân và niềm tin ấy được đền đáp xứng đáng, bởi giờ người ta gọi TM trẻ này là “phát hiện của mùa giải” hay “Buffon tương lai của Italia”. Và lần đầu tiên Mihajlovic nhận ra rằng không phải cứ cố cầm nhiều bóng, nhập trận với tư thế kẻ bề trên, chủ động tấn công, mà việc cầm bóng ít nhưng chủ động phản công hóa ra lại khiến Milan lợi hại, nguy hiểm hơn. Chính xác thì đó là trận gặp Lazio đầu tháng 11 năm ngoái. Khi ấy Milan xuất sắc hạ Lazio 3-1 dù chỉ kiểm soát bóng với tỷ lệ thấp 39,8%. 3 vòng đấu kế tiếp Milan cũng lần lượt có tỷ lệ giữ bóng là 40,92%, 45% và 49,44, tức đều dưới ngưỡng ngang bằng. Và nếu trận thứ 2, thua 0-1 trước ĐKVĐ Juventus bắt đầu hồi sinh mạnh mẽ chẳng có gì xấu hổ, thì 4 điểm giành ở 2 trận còn lại trước Atalanta và Sampdoria là rất khả quan.
Giờ có lẽ không cần đặt câu hỏi rằng Milan và Mihajlovic sẽ bước vào trận derby với tâm thế và sự chuẩn bị như thế. Việc Inter đang xếp trên 2 bậc, vừa vung tiền chiêu mộ chân sút Eder (12 bàn mùa này), hay thực tế đội bóng của Mancini mới bị Juventus nghiền nát ở bán kết lượt đi Cúp Ý và thua-hòa ở 4/5 trận gần nhất, tất cả đều không ảnh hưởng tới lựa chọn của Milanjlovic. Ở lượt đi, Milan đã nếm trải một trong những thất bại cay đắng trong lịch sử derby, bởi đã tạo ra nhiều hơn cơ hội ăn bàn, Balotelli sút dội cột và đương nhiên ngày ấy Rossoneri kiểm soát bóng vượt trội (54%). Đêm nay trái bóng sẽ không dính chặt vào đôi chân các cầu thủ Milan nhiều như thế nữa. Nhưng hãy dè chừng, dù ít bóng Milan có thể sẽ cho Inter quay chỏng gọng!
Thầy-trò, HLV-trợ lý và giờ họ đối mặt như những đồng nghiệp. Roberto Mancini và Sinisa Mihajlovic đã đối đầu ở 5 trận derby Milano lớn nhỏ. Bắt đầu bằng chiến thắng cho Mihajlovic ở giải giao hữu ICC tháng 7/2015. Milan sau đó thắng tiếp 2-1 ở trận đấu 45 phút ở TIM Cup. Nhưng Mancini và Inter đáp lễ khi thắng 1-0 ở lượt đi Serie A và hôm 21/10 đánh bại Milan 1-0 để ẵm chiếc Cúp thường niên Luigi Berlusconi. Ở trận derby mini 45 phút tại giải giao hữu Cúp San Nicola hồi cuối tháng 11, Milan hạ Inter 3-2 và hiện học trò Mihajlovic đang tạm dẫn thầy Mancini 3-2. Giờ sẽ là trận derby quyết định, quan trọng nhất mùa giải.