Từ những đêm huyền ảo
Cho đến chết, tôi cũng sẽ không thể quên những ánh mắt ấy: đôi mắt rực sáng của Salvatore Schillaci sau mỗi bàn thắng làm bùng nổ những cầu trường, đôi mắt ướt lệ trong tiếng khóc tấm tức của Maradona khi trận chung kết Argentina thua Đức kết thúc, và đôi mắt buồn nhòa nước tức tưởi của một cô gái Brazil có mái tóc vàng rất đẹp khi đội bóng của cô bị Caniggia nhấn chìm trong một đợt phản công. Bao nhiêu năm qua, tôi đã sống cùng với những hình ảnh ấy, cùng tiếng hát văng vẳng trong tâm trí của bản “Un’estate italiana” (Mùa hè nước Ý) qua giọng hát khàn khàn của Eduardo Bennato và Gianna Nannini.
Salvatore Schillaci.
Dưới bầu trời mùa hè Italia…
… là những sân bóng đông nghẹt người từ Milano đến Bari; là những trận đấu căng thẳng từ vòng knock-out cho đến một trận chung kết phủ đầy màu đỏ và vàng của những chiếc thẻ và nước mắt trên mặt Maradona, cô độc và bất lực giữa những người Đức chiến thắng, thắng trên sân bóng, thắng cả trong chính trị khi đang đi trên con đường thống nhất; là những hình ảnh mà đến giờ bao người đã sống qua thời kì ấy không thể quên.
Đấy là World Cup của một thế giới mới, theo một trật tự mới. Chiến tranh Lạnh đã kết thúc. Bức tường Berlin đã sụp đổ. Liên Xô dự World Cup cuối cùng của họ trước khi đến EURO 1992 với một tên khác (SNG). Nước Đức đang háo hức trên con đường thống nhất (đội tuyển Đông Đức đá trận cuối cùng của mình hai tháng sau trận chung kết Italia 90, với cú đúp của Sammer, người đoạt Quả bóng Vàng sau đó 6 năm). Nam Tư hát bản tình ca lần chót trước khi họ cùng với chính liên bang của mình tan rã trong một cuộc nội chiến đẫm máu. Thế giới bước ra từ những cuộc đối đầu, những tấm màn sắt và tên lửa chĩa vào nhau. World Cup phản ánh những gì mà thế giới đang có, đang trăn trở, đau khổ và oằn mình trong những biến đổi không ngừng.
Nhà báo Trương Anh Ngọc.
Italia 90 sẽ mãi đi vào sử sách với tư cách là một trong những giải đấu có tỉ lệ bàn thắng thấp nhất và chất lượng chuyên môn trung bình, khi lối đá phòng ngự lên ngôi. Thứ tư duy ấy đã đẩy Brazil vào một cuộc tự sát và làm cho cô gái xinh đẹp có mái tóc vàng của tôi khóc mãi khi camera chĩa đến cô, trong trận thua Caniggia và Maradona. Nhưng tư duy ấy phản bóng đá cũng đã khiến chính Maradona ôm hận khóc trong một suy nghĩ rằng, FIFA và Italia muốn trả thù anh bằng một quả penalty ở chung kết. Nhưng đối với nhiều người, đấy là một World Cup đặc biệt. Truyền hình lần đầu tiên vượt qua mọi ranh giới để phủ bóng đá đi khắp hành tinh bằng công nghệ đột phá. Và với những người đã sống qua thời bao cấp, lần đầu tiên được xem gần như trọn vẹn một giải World Cup qua tivi, nhiều trong số đó vẫn còn đen-trắng, sẽ nhớ mãi những cú ngoáy mông của Roger Milla, những cú lên bóng điên rồ của thủ môn Higuita, cái lắc đầu thẫn thờ của Van Basten, cú đánh đầu của Caniggia xé nát trái tim của những người Italia trong trận bán kết, và nước mắt, rất nhiều nước mắt. Như của Gascoigne khi Anh thua Đức…
Italia 90 đã đi cùng một thế hệ, đã đồng hành cùng thế hệ ấy trong cả cuộc đời với hình ảnh về những con người ấy, những giọt nước mắt, và giọng hát của Nannini.
25 năm cho một giấc mơ
Bây giờ, sau 1/4 thế kỉ, nước Ý nhớ lại những đêm huyền ảo trong câu hát của Nannini. Bản “Mùa hè nước Ý” giờ chỉ còn được phát lại trên kênh sóng của những đài phát thanh có xu hướng hoài niệm. Hôm rồi, nhân kỉ niệm 25 năm ngày khai mạc World Cup năm ấy (8/6/1990), trên Radio Ti Ricordi, kênh chuyên phát những bản tình ca của quá khứ, người dẫn chương trình nổi tiếng Fabio Martini đã dành một thời lượng lớn để nói về nó. Ông bảo, nước Ý bây giờ chỉ còn sống bằng những hoài niệm về Italia 90, và khi mà nhạc Ý vốn rất lãng mạn về cả giai điệu lẫn câu từ dần bị rap hóa theo kiểu Mỹ, thì cái chất sống động và bốc lửa của “Mùa hè nước Ý” dễ tạo một cảm giác tiếc nuối nào đó.
Năm 1990, nước Ý vẫn còn trong tốp đầu của thế giới. Những sân cỏ Serie A bùng nổ thứ bóng đá đẹp nhất, với những ngôi sao sáng nhất của thế giới. Liên hoan âm nhạc San Remo vẫn sản sinh ra những bài hát lãng mạn nhất. Xe Vespa vẫn chạy trên những nẻo đường và đấu trường cổ La Mã vẫn kiêu hãnh in hình trên nền trời xanh thẳm. Nước Ý tự hào về một trong những World Cup lãng mạn nhất, để rồi bị Maradona và Argentina đánh bại ở bán kết. Ánh mắt rực sáng của Schillaci, những cú đi bóng của Roberto Baggio, lúc ấy còn trẻ lắm, là những gì còn đọng lại từ đội Thiên thanh ngày ấy và mãi mãi in đậm trong tâm trí của những ai đã từng đi theo những bước chân của họ. Và sau đó, là một thế giới khác với nước Ý, một nước Ý khủng hoảng và dần đánh mất mình trước thế giới. Hai năm sau là vụ bê bối “Bàn tay sạch” quét gọn cả một hệ thống chính trị, là những cái chết của các thẩm phán Falcone và Borsellino trong các cuộc ám sát của mafia, khiến người ta hoảng hốt tin rằng, mafia mới là những ông chủ của nước Ý, và rồi Berlusconi xuất hiện như một hiện tượng, đưa Italia vào một cơn cuồng phong kéo dài gần ba thập kỉ của những lời hứa hẹn, những chiến dịch tranh cử, các chính phủ lên rồi lại xuống cùng những bê bối không bao giờ dứt.
25 năm sau, Berlusconi vẫn tồn tại một cách mạnh mẽ trên bầu trời chính trị nước Ý, chống cự lại tất cả, dù đang trên con đường thoái trào không cưỡng được; chính trường Italia vẫn luôn dậy sóng như thuở ấy với bao scandal; mafia đang trỗi dậy; nhưng calcio đã chìm xuống đáy biển và từ lâu không còn là số 1; nước Ý đang vùng vẫy trong một cuộc đi tìm một cách tuyệt vọng vị trí của nó trên thế giới. Một phần nào đó của nước Ý vẫn trong những giấc mơ và lề thói, một phần nào đó tiếp tục sống với thực tại tàn nhẫn vì đã thức tỉnh. Di sản của Italia 90 là di sản hình ảnh của một quốc gia vật vã với hiện tại để sống với quá khứ. Những người trung niên thỉnh thoảng lại nhắc đến giải đấu mà nước Ý từng đăng cai. Những người trẻ còn quá nhỏ hoặc chưa được sinh ra vào thời điểm ấy chỉ hướng đến những chân trời khác để hy vọng và sống, khi họ luôn đứng trước nguy cơ hoặc đã trải qua tình trạng thất nghiệp. Quá khứ là một gánh nặng ghê người.
Năm ngoái, khi được một ê kíp làm phim của Ý đề nghị hát một bản tình ca Italia để họ ghi hình, tôi đã hát một đoạn của “Mùa hè nước Ý”. Bài hát ấy đến một cách hoàn toàn tự nhiên, bật ra trong cổ họng mà tôi không hề suy nghĩ, bởi đã thuộc làu từng chữ một từ 25 năm nay. Hóa ra, bản thân tôi cũng vẫn sống trong những hình ảnh của quá khứ, với những hình ảnh về những đôi mắt và giọt lệ ấy, như thể đấy là một phần của những kỉ niệm đã tạo nên chính con người mình. Và chính những hình ảnh ấy đã là nhịp cầu đưa tôi đến nước Ý, trong một hành trình đời kéo dài nhiều năm, không phải của một du khách, mà là một người sống trong lòng nó, vui buồn cùng nó.
Trên loa của kênh Radio Ti Ricordi, Nannini đang hát những câu ca bốc lửa của “Mùa hè nước Ý”. Cùng lúc, trong tôi vang lên những câu thơ của một thi sĩ quân đội viết cho riêng cô ca sĩ ấy sau khi Italia 90 kết thúc (nay, Nannini sắp bước vào tuổi 60): “Em đã hát như một thời thơ dại/Giọng khàn đi vì tiếng hát câu cười/Ru giấc mơ của những nhà vô địch/Ru nỗi buồn, ru cả những niềm vui”…
Câu đầu trong đoạn điệp khúc của bài “Mùa hè nước Ý” có đoạn: “Những đêm huyền ảo/Dõi theo những bàn thắng/Dưới bầu trời mùa hè nước Ý/Và trong đôi mắt em/Ánh lên khát khao chiến thắng/Mùa hè, một cuộc phiêu”. Cho đến nay, “Mùa hè nước Ý” (nhạc sĩ Giorgio Moroder sáng tác năm 1990) được coi là bài hát về World Cup hay nhất mọi thời đại.
TRƯƠNG ANH NGỌC (từ Roma, Italia)