Chuyện tài chính trên sân phủi
Thú chơi tốn kém của các ông bầu
Đa số các ông bầu phủi từ trước tới nay đều là các đại gia. Bầu Hồng của FC Trà Dilmah từng mời cả thầy dạy futsal từ Thái Lan về đào tạo quân. Ông cũng chi rất nhiều tiền tài trợ cho vô số sân chơi phủi Hà thành và thường yêu cầu không nhắc tên. Nhắc đến phủi Hà thành là phải nhắc đến những đóng góp cực lớn của bầu Hồng.
Bầu Cường của FC Cường Quốc cũng rất giàu có, là chủ nhà hàng bia Cường "hói" nổi tiếng luôn đông nghịt khách, từng tài trợ 200 triệu đồng cho một buổi biểu diễn nhạc Jazz của nghệ sĩ Quyền Văn Minh và cũng yêu cầu MC không nhắc tên.
Bầu Văn của FC Văn Minh mỗi mùa giải cho đội đi từ Vinh ra Hà Nội dự HPL tiêu tốn hơn 300 triệu đồng, chưa kể tiền thưởng và lương trả cho cầu thủ hàng tháng. Doanh nghiệp nhà xe Văn Minh của ông bầu sinh năm 1976 này vài năm nay đều vinh dự nhận nhiều giải thưởng. Bầu Văn cũng nhiều lần được tháp tùng nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi công tác.
Hầu hết các ông bầu của những đội bóng phủi đều có điều kiện kinh tế rất tốt để nuôi quân. Bóng đá là đam mê lớn của họ nhưng với nhiều người, đó còn là một thú chơi. Nhiều đại gia có thú chơi xe cổ, đồng hồ, âm thanh, chim, cá... nhưng cũng có người lại có thêm thú chơi bóng đá phủi.
Cũng giống nhiều thú chơi, phủi cũng tiêu tốn khá nhiều tiền của các ông bầu. Dù mức độ đầu tư không lớn như bóng đá chuyên nghiệp nhưng nói theo cách của các chuyên gia V.League thì "Ở Việt Nam, bóng đá vẫn chưa thể nuôi bóng đá". Phủi cũng vậy, các đội phong trào dù giàu thành tích, nhiều fan như Trà Dilmah, Cường Quốc, Văn Minh, Thành Đồng cũng chưa thể có lãi. Tiền duy trì các đội bóng này chủ yếu vẫn do một tay các ông bầu lo liệu.
Trong giới phủi, cũng chưa xuất hiện những thương vụ chuyển nhượng – mua bán cầu thủ như bóng đá chuyên nghiệp. Vì thế, chuyện các đội bóng đào tạo cầu thủ mới chỉ dừng lại ở mức độ giải bài toán tuyển quân, chưa thể đem bán sinh lời.
Cầu thủ phủi hưởng lợi từ các ông bầu
Bóng đá phong trào phát triển mạnh mẽ, các cầu thủ phủi cũng được nhìn nhận một cách tích cực hơn trước. Tuy nhiên, với các cầu thủ phong trào, đi đá phủi vẫn chỉ đơn thuần để thỏa đam mê, chưa thể coi là nguồn thu nhập chính.
Hầu hết dân phủi đều có công việc nào đó làm nguồn thu nhập chính. Việc đi đá phủi ở những đội phủi có tên tuổi cũng mới chỉ dừng lại ở việc họ sẽ không phải bỏ tiền ra duy trì đam mê. Các cầu thủ này chỉ cần chuyên tâm tập luyện, mọi việc từ trang phục, sân tập, tìm đối tác hay tham dự giải đấu đều do ông bầu lo hết.
Dù vậy, cầu thủ phủi cũng hưởng lợi từ đội bóng mà họ khoác áo. Có rất nhiều ông bầu tuyển cầu thủ vào làm cho doanh nghiệp của họ như một nhân viên hoặc dùng mối quan hệ xin việc cho các cầu thủ ở nơi khác.
Đến 90% cầu thủ của FC Văn Minh đang làm việc cho công ty Du lịch Văn Minh của bầu Văn. Hùng “con” làm lái xe giao hàng, Quang Đạt làm thợ bảo dưỡng xe, các cầu thủ khác như Khánh Kình, Quốc Tú, Văn Phương, Huy Lê… cũng đều có công việc ổn định. Mỗi buổi tập bóng hoặc thi đấu của cầu thủ Văn Minh, họ đều được chấm công đầy đủ như bình thường.
Đội bóng BIDV Quang Trung nổi lên là một thế lực mới của phủi Hà thành khoảng 1 năm nay. Bầu Thanh là giám đốc ngân hàng này, đã kéo gần nguyên bộ khung cũ của FC Moon về và tạo công việc cho các cầu thủ như Sáng “Persie”, Dũng “vàng”, Ngọc “lít”… Với những cầu thủ này, có một công việc ổn định ở ngân hàng là một điều kiện tuyệt vời để họ thỏa đam mê chơi bóng mà không lo tương lai bấp bênh. Thậm chí, Sáng “Persie” khi về BIDV Quang Trung còn đang học liên thông lên Đại học nhưng do đá tốt, được sếp quý nên công việc vẫn xuôi chèo mát mái.
FC HBG hiện tại cũng có tới 7 cầu thủ đang làm việc cho công ty thiết bị chiếu sáng HBG của bầu Hiện “Rio”. Còn ở FC Cường Quốc, 90% cầu thủ trụ cột được bầu Cường “hói” và HLV Tiến Thiết dùng mối quan hệ của mình, xin vào làm tại công ty Dầu khí PSA. Đây là những đội bóng mà dàn cầu thủ chính được làm việc và tập luyện cùng một chỗ nên có sự đoàn kết rất tốt.
Ở những đội tên tuổi, có tổ chức tốt như Cường Quốc, Phương Anh, cầu thủ đi tập sẽ được nhận tiền bồi dưỡng “xăng xe” khoảng 100.000 đồng/buổi tập.
Nhìn chung, các cầu thủ đi đá phủi vẫn chủ yếu vì đam mê. Một bộ phận khác may mắn hơn, có thể nhờ việc đá phủi mà có công việc tốt mà nếu chỉ đi theo đường thẳng, rất khó để xin được.