Đội hình phủi đậm chất kĩ thuật
Họ là những bậc thầy về kĩ thuật, có những người được ghi nhận bằng hai tiếng "dị nhân", ghi dấu ấn mạnh mẽ trong dòng chảy của phủi Hà thành.
Thủ môn: Kiên "mán"
HLV Tú "khỉ" từng nhận xét: "Có Kiên đứng trong khung thành, đội bóng như có thêm một trung vệ nữa. Nó chơi chân hay nên các đội bóng muốn "quây" cũng rất khó. Nói không quá, trong nhiều trận bóng, nó chạm bóng bằng chân còn nhiều hơn các tiền vệ đối phương".
Trong quá khứ huy hoàng của Trà Dilmah, Kiên "mán" là thủ môn hay nhất, bắt chắc tay, phản xạ và chơi chân tuyệt vời. Anh chính là người khai phá khái niệm: Thủ môn phải biết chơi chân, đó là một thòng và để rồi nó đã trở thành “một trường phái”, một “di sản của phủi” mà sau này khi futsal xuất hiện, phổ biến thì mới thành khái niệm phổ thông...
Sau này, cậu em Đức "tỉn" cũng học được nhiều từ ông anh ruột và trở thành thủ môn chơi chân hay bậc nhất V.League.
Trung vệ: Long "Kim"
Người đá thòng hay nhất của tổ Trà Dilmah huyền thoại này từng xuất thân là cầu thủ tấn công rất hay của trẻ Thể Công thế hệ 1970. Vì nhiều lý do mà Long "Kim" không theo chuyên nghiệp nhưng nhờ đó mà sân phủi có một trung vệ đá đầu óc, chân khéo như Zidane.
Long "Kim" có lẽ là trung vệ hiếm hoi đeo áo số 10, chơi bóng theo phong cách nghệ sĩ mà cực hiệu quả, có khả năng đi dạo trong các trận cầu đinh căng như dây đàn.
Người ta vẫn thường nói, nếu chỉ có cái đầu toàn sỏi, Long "Kim" khó chơi hay đến thế nếu đôi chân không khéo một cách lạ kỳ. Bóng bổng hay sệt, căng đến mấy, cứ vào chân Long "Kim" là dính như nam châm, rất êm ái.
Hậu vệ trái: Giang "Dân"
Thời mà các hảo thủ đồng trang lứa như Khánh "Hồng", Hiệp "cóc" còn xách nước bổ cam dài dài ở tổ Ngân Giang lừng lẫy vài năm thì Giang "Dân" đã chễm chệ trong tổ chính, chơi rất hay. Hai chân khéo như nhau, thể lực cực tốt và có tốc độ, sự lì lợm tinh quái, thêm bản tính ham học hỏi, Giang "Dân" tiến một mạch từ phủi lên tuyển futsal Việt Nam.
Cùng với ĐT futsal Việt Nam, Nguyễn Hoàng Giang từng giành HCB tại SEA Games 26. Anh cũng luôn là cái tên đầu tiên bên cạnh Bảo Quân (đội trưởng hiện tại) được ưu tiên triệu tập trong mỗi kỳ cuộc lên tuyển hoặc tập trung của bầu Tú "futsal".
Giang "Dân" chơi cho nhiều đội bóng tên tuổi, như Ngân Giang, Cường Quốc, Trà Dilmah, Techno, Thăng Long, Thái Sơn Bắc và ở đâu cũng là kép chính, cũng ghi dấu ấn mạnh mẽ bởi chuyên môn cực tốt.
Các đồng đội ở Techno như Khánh "Hồng", Hoàng "lý", Hiệp "cóc" đều thừa nhận Giang "Dân" là cầu thủ có tố chất tốt nhất đội.
Hậu vệ phải: Khánh "Hồng"
Năm 2009 khi tổ Trà Dilmah giành chức á quân giải Budweiser 6v6 toàn cầu tại Old Trafford, Khánh "Hồng" ẵm giải Vua phá lưới, nhận phần thưởng từ chính tay huyền thoại Sir Bobby Charlton.
Nhắc đến Giang "Dân" là nhắc đến Khánh "Hồng", đôi bạn thân - cặp hậu vệ cánh ăn ý gắn bó với nhau trong nhiều màu áo từ Techno, Thăng Long, Trà Dilmah đến Mobifone, Phát hành Báo chí, An ninh Thủ đô... Khánh "Hồng" chưa một ngày ăn tập chuyên nghiệp, cũng không lên tuyển futsal nhưng là người chơi biên phải hay bậc nhất giới phủi, được cả các bậc tiền bối lẫn người đương thời ghi nhận.
Kĩ thuật của Khánh "Hồng" thì khỏi phải bàn, quặt bóng 2 chân như 1, sở trường chạy cánh phải, bẻ vào trung lộ rồi sút chân trái như búa bổ ghi bàn. Khánh "Hồng" còn hay ở điểm là hậu vệ cánh nhưng lại có thể quyết định nhịp trận đấu.
Tiền vệ: Bình "Lẫm"
Được cả giới phủi công nhận là "dị nhân", to béo cồng kềnh, nặng gần 1 tạ nhưng được trời phú cho cái lườn và cổ chân cực dẻo, Bình "Lẫm" chơi bóng như làm thơ.
Nổi tiếng trong hai màu áo VTC và Bách Khoa, tiền vệ sinh năm 1970 này thường đóng vai trò gánh team. Trong ký ức của nhiều người, Bình “Lẫm” chẳng khác gì một “Người ngoài hành tinh”, cổ chân dẻo như cổ tay, rê, chuyền, sút đều cực hay, uống bia như hũ chìm, đeo trống to uỵch trước bụng nhưng hễ vào sân là các em trẻ há hốc mồm.
Bình “Lẫm” từng ăn tập chuyên nghiệp tại đội Bưu Điện vài năm rồi nghỉ, xuất khẩu lao động sang Đức làm việc và cũng chơi cho một số đội hạng Ba, hạng Tư. Trong nhiều năm liền, bầu Hồng của FC Trà Dilmah cũng vì quá mê đôi chân có phép màu của Bình nên liên tục mời về chơi nhưng anh đều từ chối.
Tiền vệ: Tuấn "bin"
Giống như Kiên "mán", Tuấn "bin" cũng sinh ra trong gia đình nhiều danh thủ. Là con nhà nòi, cũng từng ăn tập Thể Công nhưng Tuấn "bin" thích đá phủi hơn chuyên nghiệp.
Hay và nổi tiếng như Tuấn "ếch" nhưng hễ nhắc đến anh Bin là mắt lại sáng rực, giọng kể đầy thích thú, coi như thần tượng đặc biệt. Tuấn "bin" đá bóng đúng kiểu nghệ sĩ, ra sân là phải diễn với quan điểm "chưa có tỉ số, mình được quyền diễn. Đội mình dẫn bàn, càng được diễn. Chỉ khi nào đang bị dẫn mới không diễn". Để có đặc quyền đó, Tuấn phải sở hữu kĩ thuật thượng thừa và có tiếng nói lớn trong đội. Trong suốt giai đoạn đỉnh cao của FC Mobifone từ 2002 đến 2010, Tuấn “bin” luôn là nhạc trưởng. Vị trí tiền vệ công của Tuấn là bất khả xâm phạm. Và chỉ mình Tuấn “bin” được phép không cần lui về tham gia phòng ngự.
Đa số hậu vệ đều rất ngại phải đối đầu Tuấn “bin” bởi anh có nhiều chiêu trò qua người và kiến tạo. Một trong những độc chiêu của Tuấn là quả gót chọc khe rất hiểm hóc hay những pha đi bóng kiểu “rắn đuôi chuông” mà danh thủ như Ronaldinho vẫn làm. Bất kể kĩ năng gì mà các ngôi sao thế giới làm được, Tuấn "bin" chỉ cần xem tivi, video học theo là làm được.
Tiền đạo: Ngọc Anh "Tệu"
Chẳng cần cao to vạm vỡ hay cài đè siêu phàm như đa số mẫu trung phong khác, lão quái Ngọc Anh "Tệu" vẫn xứng đáng là một trong những tiền đạo hay bậc nhất mà làng phủi Hà thành từng sản sinh ra.
Người ta có thể dùng đủ ngôn từ để miêu tả về vóc dáng kỳ dị của Anh "Tệu", từ đào thế Nhật Tân đến lão Hạc, thần Cò, v.v...Bao năm từ thời trai trẻ đến nay đã 46-47 tuổi, Anh "Tệu" vẫn không tăng thêm một lạng thịt nào. Cứ nhìn cái dáng @, chân tay lòng khòng, da bọc xương của Anh "Tệu", hậu vệ nào lần đầu gặp cũng đều cười khẩy chủ quan nhưng kiểu gì cũng ngậm đắng nuốt cay.
Đến giờ, nhiều hậu bối kèo trái có số má mà điển hình là Giang "say" vẫn thu mình đầy kính cẩn mỗi khi nhắc tới Anh "Tệu", một tiếng thầy, hai tiếng thầy. Anh "Tệu" là người duy nhất từng chơi cho cả Thể Công, CAHN và TCĐS, được giới phủi ghi nhận là kèo trái hay độc nhất vô nhị, dù không tự nhận số 1 nhưng không ai dám nhận số 2.
Anh "Tệu" là bậc thầy về mắt lác và đáy biên. Không biết bao nhiêu thủ môn lão luyện đã bị cái chân trái dẻo như kẹo của Anh "Tệu" đánh lừa, điểm huyệt vào góc gần. Nếu mỗi trận đấu, quy đổi một lần xỏ háng là 30 ngàn đồng, bậc thầy xâu kim này đến giờ đã thành tỉ phú chứ chẳng chơi.