Giải Lão tướng Thủ đô và câu chuyện của đam mê: "Ngả mũ"
Đam mê không có tuổi
Giải Lão tướng Thủ đô đã đến khúc hạ màn của mùa giải đầu tiên. 2 đội bóng xuất sắc nhất sẽ đá trận CK vào chiều Chủ nhật 06/12 tới là Lão tướng Trà Dilmah và Lão tướng Phương Canh. Tuy nhiên, 16 đội bóng còn lại cũng xứng đáng nhận được sự trân trọng, không chỉ bởi yếu tố chuyên môn mà còn ở tinh thần mà họ đã đem đến sân chơi này.
Ở cái tuổi U.40, U.50, họ vẫn “lăn” theo trái bóng một cách đầy mê say. Từ quá trình chuẩn bị hồ sơ tham dự giải, tất cả các bậc “cha chú” đều rất cẩn thận và nghiêm túc, bởi họ ý thức được việc xây dựng và cả làm gương, khi lâu lắm rồi một sân chơi như thế mới được tổ chức. Anh Trung Dũng, phó BTC cho biết: “Mới đầu, tôi nghĩ chỉ tổ chức giải với 8 đội nhưng không ngờ có rất nhiều đơn đăng ký và cuối cùng chúng tôi chốt lại 18 đội. Có nhiều đội lão tướng biết đến giải muộn quá, cứ tiếc hùi hụi và đăng ký sẵn suất năm sau…”.
Rất nhiều những lão tướng tham dự giải từng là các “siêu phủi” khét tiếng một thời như Tú “khỉ”, Anh “tệu”, Long “kim”, Cường “U Lý”, Minh “phích”, Công “búa”, Long “lương”... Không còn thể lực, tốc độ như thời trai trẻ nhưng họ vẫn trình diễn được cái chất đã làm nên thương hiệu riêng và khiến khán giả trầm trồ, thích thú còn lứa đàn em, đàn cháu thì “chỉ biết gật gù tán thưởng và thán phục”.
Lão tướng Thủ đô mới lần đầu tổ chức nhưng có khá nhiều câu chuyện thú vị. 2 cựu cầu thủ Công an Hà Nội là Công “múa”, Cường “ma” của đội Lão tướng Hàng Buồm vừa đá xong 1 trận ở TP.HCM, người chưa ráo mồ hôi đã tất tả bay về Hà Nội để kịp ra sân đá trận tứ kết với Lão tướng Hà Nội 1988. Bởi quá nhiệt tình, BTC đã hỏi ý kiến phía Hà Nội 1988 để lùi trận đấu lại 10 phút do sợ tắc đường từ Nội Bài về không kịp. Dù biết sẽ bị thiệt khi đối phương có đầy đủ hảo thủ nhưng Hà Nội 1988 vẫn đồng ý vì muốn “chiến” một trận sòng phẳng.
Trước giờ thi đấu vòng 3, trời mưa rất to, BTC vì lo lắng cho sức khỏe của cầu thủ lão tướng quyết định ra thông báo nghỉ nhưng khi đó hầu hết các đội đã di chuyển đến sân, trong đó có những đội đi rất xa như Lão tướng Quốc Oai, vòng nào cũng thuê hẳn 1 ô tô 29 chỗ có băng rôn, khẩu hiệu đi kèm. Tất cả đề nghị chơi tiếp, bởi “mưa rơi không ướt tinh thần dân bóng đá”.
Tấm gương
HLV Lưu Danh Minh, dù rất bận rộn với công việc đào tạo trẻ tại trung tâm đào tạo VFF nhưng tuần nào cũng ra sân thi đấu trong màu áo Trà Dilmah và chơi rất ấn tượng. Anh tâm sự: “Đam mê đã ngấm vào máu nên được sát cánh cùng nhiều người anh, thi đấu ở một sân chơi dành riêng cho lứa tuổi lão tướng như này, tôi rất vui. Dù bận rộn đến mấy, tôi cũng cố sắp xếp để được góp mặt, được chơi vui”.
Tuấn “khèo”, đội trưởng Lão tướng Hàng Buồm chia sẻ: “Nhà bọn anh đa số ở mạn phố cổ nhưng tất cả vẫn không ngại quãng đường hơn 10km vì rất muốn tận hưởng bầu không khí vui vẻ, sảng khoải của sân chơi này”.
Có đến sân mới biết không khí mà các lão tướng tạo ra đặc biệt thế nào. Từ các cụ 80 tuổi đến thanh niên, trẻ em đều hào hứng theo dõi và cổ vũ cho các cầu thủ trong sân. Từ các lứa cựu trào hay thế hệ sau, nhiều người đến sân để theo dõi những thần tượng một thời, những “ngôi sao” từng nghe tên nhưng chưa biết mặt rồi bỗng nhiên nhận ra những con người này thật giản dị, đời thường và gần gũi biết bao.
Những lão tướng có thể chửi thề sau mỗi tình huống hỏng ăn, nhưng cũng dễ dàng bỏ qua sau mỗi pha va chạm mà lý do là “mắt mờ, chân chậm” rồi cùng cười xòa, bắt tay và đỡ nhau đứng dậy. Với hầu hết các lão tướng khi dự giải đấu này, họ mới có cơ hội gặp lại sau nhiều năm không có liên lạc, được hàn huyên ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng của phủi Hà Nội và lại cùng chơi bóng.
Nếu bóng đá là một thứ tôn giáo, một trường học thì niềm đam mê của các lão tướng chính là tấm gương cho tất cả soi vào để mỗi khi chơi bóng, tự mỗi người đều ý thức rằng đó là niềm hạnh phúc.