Giải mã những biệt danh của dân phủi (kỳ 3)
Hai anh em ruột Cường "U Lý" và Mạnh "U Mà" của tổ Hàng Khoai lừng danh khiến nhiều người tò mò bởi biệt danh kỳ dị và mỗi người một phách...
Là hai anh em ruột, lẽ ra nếu người anh trai Duy Cường mang biệt danh "U Lý" - nghĩa là lấy theo tên mẹ chẳng hạn, thì người em trai Duy Mạnh cũng phải được gọi tương tự. Tuy nhiên, sự thật về biệt danh của cặp anh em phủi thủ lừng lẫy tổ Hàng Khoai thế hệ 7x này lại chứa đầy vẻ huyền bí.
Cụ thân sinh của Cường "U Lý", Mạnh "U Mà" kể rằng ngày hai anh em còn bé loắt choắt, có một thương nhân bán quần áo người dân tộc miền núi hay đi qua nhà. Vị thương nhân lạ mặt này mê mẩn tài đá bóng của hai anh em nên thỉnh thoảng lại tặng vài bộ quần áo dân tộc và gọi Cường là "A Lý", Mạnh là "A Mà".
Từ đó, mọi người cũng gọi theo thành quen. Về sau, mẹ của hai anh em thích đổi chữ A sang chữ U nên cái tên "U Lý", "U Mà" ra đời từ đó. Nhiều người trong giới phủi đôi khi vẫn nhầm lẫn, gọi hai anh em là "Cu Lý", "Cu Mà".
Cường "U Lý" là một trong những tiền đạo hay nhất phủi Hà thành 20 năm qua với cái chân trái dẻo quẹo và lối cài đè tinh quái, phong cách nói chuyện dí dỏm có duyên đúng kiểu "anh già nhưng dưa cà vẫn thắm".
Ngày trẻ khi còn tập Thể Công, "U Lý" nổi tiếng chuyên môn tốt và cực tinh nghịch, có lần vừa tập xong người đầy cát liền nhảy ùm vào bể nước sạch của cả đoàn tắm hồn nhiên, bị thầy bắt quả tang nhưng vẫn không chừa cái tính siêu quậy. Lúc rời Thể Công nghỉ chuyên nghiệp, Cường khiến huyền thoại Ba Đẻn tiếc hùi hụi cho một tài năng trẻ có cái chân trái có thể làm truyền nhân của ông.
Long "thổi", người được mệnh danh Long "đổ cây" và có hàng tá giai thoại về cú sút sấm sét của anh, từng chinh chiến nhiều đội ở V.League như Than Quảng Ninh, Navibank Saigon, ĐTLA. Tên thật của anh là Lê Quang Long còn biệt danh Long "thổi" khởi phát từ hồi còn đá cho Đường Sắt Việt Nam năm 1999. HLV Hoàng Gia khi đó mỗi lần thấy Long có bóng ở gần cầu môn, lại hô: "Long, thổi đi" có nghĩa là "sút đi".
Thời đó, Long nổi tiếng khỏe, sút bóng mạnh như tên lửa, nhiều đồng đội vẫn thường trêu "thằng này gân Tây chứ không phải gân Ta". Từ đó đến giờ, biệt danh Long "thổi" gắn chặt với kèo trái này. Ở tuổi ngấp nghé 40, Long "thổi" vẫn chơi phủi ngày đôi ba trận bình thường, tỏa sáng ở Hạng Nhất phủi giúp Dương Nội giành vé thăng hạng lên HPL S4. Ngày còn chơi chuyên nghiệp, Long thường ghi những bàn thắng ở khoảng cách 30-40m, hiếm khi chịu lập công ở cự ly gần hơn.
Hoàng "baizen", tiền đạo "hot" của sân phủi Hà thành nhiều năm trước và đến bây giờ vẫn thuộc dạng săn bàn cừ khôi của tổ Hanel, Ocean, F+... Hoàng từng tập Thể Công từ năm 9 tuổi cho đến 20 tuổi thì nhập ngũ rồi ra quân, chuyển sang Hà Nội T&T, là một trong những công thần giúp đội bóng này thăng hạng lên V.League và vô địch sau đó.
Ngày còn bé, Hoàng đầu trọc như sư Thiếu Lâm Tự, thuộc diện khó mọc tóc. Bố mẹ Hoàng xem phim "Hồ sơ thần chết" rất thích nhân vật phiên âm ra tiếng Việt là Baizen, để tóc style Lỗ Trí Thâm nên đặt luôn cho Hoàng là "Baizen". Biệt danh này theo Hoàng từ trong nhà ra sân phủi và lớn lên cùng năm tháng.
Hà "beo" của FC Thành Đồng vẫn được chính những đồng đội đàn anh trong đội gọi với cái tên "Diệu". Nhiều bạn bè của kèo trái này cũng gọi như vậy. Đó là tên ở nhà mà bố mẹ Hà đặt cho anh từ bé bởi ông bà rất muốn có thêm một cô con gái sau khi đã có anh trai Hà. Dù mang biệt danh khá nữ tính nhưng Hà "beo" không hề buồn mà còn cảm thấy thú vị.
Mạnh "nát", hậu vệ cánh phải số 1 của Cường Quốc FC vài năm nay có biệt danh nghe khá điêu tàn dù vóc dáng cao ráo, gương mặt đầy nam tính. Thậm chí, Mạnh còn tốt nghiệp trường ĐH TDTT Từ Sơn với tấm bằng loại ưu, sức khỏe có thừa. Cái tên này xuất phát từ khi vào Cường Quốc, được anh em trong đội gọi bởi biệt tài uống bia rượu như rồng leo, càng uống đá càng khỏe. Mặt khác, dáng người dây dây, dáng đi đánh võng của Mạnh càng tô điểm thêm biệt danh "nát" của anh.
Đồng đội của Mạnh ở Cường Quốc là Tùng "mất trí" sở hữu biệt danh nghe khá thương tâm. Danh xưng này đến từ phong cách vào sân đá bóng là nhiệt tới mức quên hết tất cả, giống như bậc võ giả đạt đến trình độ tẩy sạch tạp niệm, chú tâm vào từng chiêu thức. Ngoài ra, thói quen uống bia rượu hết mình, say đến nỗi mất trí nhớ tạm thời càng khiến cho biệt danh của Tùng có thêm cơ sở.
"Dị nhân" Tú "khỉ", cựu đội trưởng ĐT Futsal Việt Nam, một trong những quái kiệt làm nên thương hiệu FC Trà Dilmah huyền thoại được bạn bè đặt cho biệt danh như vậy bởi gương mặt hay nhăn nhó. Nhiều người lại tưởng ông vua sân đất nện năm xưa tuổi Thân nhưng thực ra anh sinh năm 1973, tuổi Quý Sửu.
Đội trưởng Ocean và Hanel, Tú "Thổ" từng là công thần của Hà Nội T&T và đóng góp công sức lớn trong chức vô địch V.League 2010. Kể từ lúc nhận và đeo tấm HCV trên cổ ở sân Pleiku đến lúc về Hà Nội, Tú "thổ" luôn giữ chặt phần thưởng kể cả lúc ngủ với tuyên bố: “Có chết, cũng giữ gìn nó bằng được…”. Nguyễn Xuân Tú được bạn bè đặt biệt danh theo tên khu phố anh sinh ra là phường Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội. Nhiều người chưa rõ gốc tích, lại tưởng Xuân Tú từng có thời gian tập huấn hay công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ.
(còn tiếp)