Nghề bình luận viên "phủi"
Bình luận "sống" cho khán giả trên sân nghe hay bình luận trong cabin cho người xem online theo dõi đang là những công việc quen thuộc của các BLV phủi.
Giải bóng đá Ngoại hạng phong trào - Cup Bia Saigon Special trong hai mùa giải 2014 và 2015 đã tạo nên một điểm nhấn đặc biệt khi có "món" quay phát trực tiếp trên Youtube 3 trận đấu/vòng trong suốt cả mùa cho khán giả từ xa theo dõi. Livepro HD là đơn vị đồng hành cùng giải đấu trong cả hai mùa gần đây và làm rất tốt công tác quay phát.
Trong "món" quay phát trực tiếp, Công ty Vietfootball - BTC giải Ngoại hạng phong trào còn "điều" cả BLV tường thuật trực tiếp các trận đấu này. Thường thì có 2 BLV quen thuộc là Hải "bạc", Cường "Camay" phân công nhau bình luận 3 trận đấu ở mỗi vòng. Đây đều là những người có chất giọng tốt, am hiểu bóng đá phong trào, nhiệt tình và biết cách tường thuật một trận đấu phủi đảm bảo 2 tiêu chí: như chuyên nghiệp mà không đánh mất chất phủi.
Năm 2016, Vietfootball lần đầu tổ chức giải hạng Nhất phong trào – Cup Bia Saigon Special 2016, tạo ra một sân chơi mới cho các đội bóng với thể thức thi đấu dạng League và có 2 đội nhất nhì sẽ thăng hạng lên Ngoại hạng phong trào 2016. Ở giải đấu còn 2 vòng nữa là bế mạc này, BTC cũng thực hiện việc quay phát có bình luận viên tương tự như cách đã làm với Ngoại hạng phong trào 2 mùa trước. Vẫn là đơn vị chuyên nghiệp Livepro HD và các BLV quen thuộc Hải “bạc”, Cường “Camay”.
"Xin mời quý vị và các bạn theo dõi trận đấu giữa EOC và Suzika Hữu Bằng trong khuôn khổ vòng 9 giải bóng đá phong trào Hạng Nhất - Cup Bia Saigon Special 2016...", đó là lời mở đầu của BLV phủi Hải "bạc" trong cabin xe màu trên sân Bộ Công An vào chiều ngày 26/6. Anh đang bình luận trực tiếp trong xe màu để truyền tải những thông tin về trận đấu trên Youtube cho người yêu phủi không có điều kiện đến sân theo dõi.
Giống như nhiều buổi bình luận quen thuộc khác, các BLV phủi ở giải hạng Nhất phủi hay Ngoại hạng phủi như Hải "bạc", Cường "Camay" vẫn thường giam mình trong cabin xe màu trung bình 60 phút/trận đấu. Trên tay họ là micro, một tay cầm bảng danh sách cầu thủ hai đội, đôi mắt không rời màn hình ti vi 21 inch đặt trong xe đang truyền hình ảnh trực tiếp từ 4 máy quay đặt trên sân.
Để phục vụ tốt cho công tác bình luận, những người hùng thầm lặng của ekip quay phát đóng vai trò rất quan trọng. Bên trong xe màu thường có ít nhất 3 kĩ thuật viên sử dụng ít nhất 3 chiếc máy tính và 1 đạo diễn hình để điều phối, xử lý hình ảnh. Người đạo diễn hình thường chỉ đạo các máy quay khi nào thì hướng vào cổ động viên, khi nào thì quay cận mặt HLV, cầu thủ để đặc tả cảm xúc, khi nào thì quay toàn cảnh... khi nào thì nhắc kĩ thuật viên trong xe phát lại hình ảnh quay chậm tình huống phạm lỗi, ghi bàn, v.v...Các BLV ngồi trong xe qua đó cũng hòa nhịp cùng ekip để theo sát từng tình huống, phân tích, truyền tải thông tin đến khán giả.
Bình luận bóng đá phủi tưởng chừng là công việc dễ dàng nhưng không phải ai cũng làm được. Ở vòng 2 và vòng 3 giải bóng Hạng Nhất phong trào 2016, BLV Tuấn "tiền tỉ" nổi tiếng trong cộng đồng game Đế Chế đã đến sân, vào cabin thử sức. Dù BLV có nickname khá kêu này bình luận rất nhiệt tình, vẫn mang đến phong cách hài hước thường thấy khi tác nghiệp ở các trận đấu AOE nhưng anh vẫn nhận được nhiều phản hồi không tốt từ khán giả phủi.
Cách mà Tuấn gọi các đội bóng phủi là đội tuyển, không nắm rõ các biệt danh của cầu thủ phủi, không thể hiện được chất phủi hay những pha nói có phần hơi lố đã khiến anh phải nhanh chóng trở lại với địa hạt AOE sở trường.
BLV phủi ngoài những lúc tác nghiệp trong cabin để phục vụ việc phát sóng trực tiếp, còn thường bình luận ngay trên sân, phục vụ khán giả ngay tại sân, đây gọi là kiểu bình luận “sống”.
Khi đó, BLV thường ngồi trên một chiếc ghế nhựa sát đường biên nơi trận đấu diễn ra, với micro trên tay truyền giọng nói vào những chiếc loa thùng đặt ngay trên sân. “Khó khăn khi bình luận “sống” là phải truyền lửa cho trận đấu sôi nổi, kéo thêm khán giả tới xem. Phải biết cách tiết chế trong từng câu nói để không gây khó chịu cho cầu thủ hay trọng tài trong sân", BLV Cường "Camay" chia sẻ.
Ở một số giải đấu có cách làm chuyên nghiệp, quy mô lớn như Ngoại hạng phong trào, Hạng Nhất phong trào, các BLV cũng có thù lao đủ để đổ xăng, uống nước. Còn ở đa số các giải nhỏ khác, BLV phủi làm vì đam mê và giúp BTC là chủ yếu. “Ra sân bóng phủi, vừa được xem vừa được “hát” là nhất rồi, có thù lao hay không cũng quan trọng gì”, BLV Hải “bạc” tếu táo.
Video: BLV tác nghiệp trong cabin xe màu tại giải Hạng Nhất phủi 2016