60 năm lịch sử European Cup/Champions League (Phần 3): Xóa Cúp C2, đập tan G14
Còn ai nhớ đến Cúp C2?
Dĩ nhiên thì ở mọi giải đấu, trên mọi sân cỏ luôn có các diễn biến khó lường nhưng thử hỏi ngoài World Cup và EURO, còn giải đấu nào để lại nhiều ấn tượng hơn cả trong tâm trí người hâm mộ như European Cup/Champions League? Từ thảm họa máy bay rơi ở Munich khiến nhiều thành viên của Man Utd qua đời vào năm 1958 đến thảm họa Heysel năm 1985 làm 39 CĐV thiệt mạng. Từ pha bắt 11m hài hước của Bruce Grobbelaar trong trận chung kết European Cup đầu tiên phải giải quyết thắng thua trên chấm 11m giữa Liverpool với Roma vào năm 1984 tới hình ảnh tương tự của Jerzy Dudek ở trận chung kết giữa Liverpool và Milan năm 2005. Từ cú đánh gót ghi bàn thắng quyết định cho Porto trong trận chung kết với Bayern Munich năm 1987 của Rabah Madjer tới pha vô lê của Zinedine Zidane ở trận chung kết giữa Real Madrid và Leverkusen năm 2002.
Chưa hết, còn có màn ngược dòng kinh điển của Man Utd trước Bayern Munich năm 1999 tới đêm kỳ diệu ở Istanbul của Liverpool sau khi bị Milan dẫn 3-0 năm 2005. Từ cú trượt chân thế kỷ của John Terry trên chấm 11m ở trận đấu giữa Chelsea – Man Utd năm 2008 đến cú nã đại bác của Ronald Koeman giúp Barcelona vượt qua Sampdoria năm 1992 hay cú bay người đánh đầu của Didier Drogba cho Chelsea năm 2012 và của Sergio Ramos cho Real Madrid trong trận chung kết với Atletico Madrid vào năm 2014. Từ trận thắng chênh lệch 7-3 của Real Madrid trước Eintracht Frankfurt năm 1960 tới chức vô địch khó tin của Steaua Bucharest năm 1986 hay câu chuyện cổ tích mà Nottingham Forest tạo ra khi số danh hiệu European Cup của họ (2) còn nhiều hơn cả số danh hiệu vô địch Anh (1)…
Tất cả giống như một thước phim ghi lại lịch sử 60 năm của European Cup/Champions League và khiến tất cả quên mất rằng, khi European Cup còn được gọi là Cúp C1, bên cạnh nó còn có Cúp C2 và Cúp C3 hay Fairs Cup, UEFA Cup và sau này là Europa League. Ở đây, có cảm giác việc UEFA tạo ra Champions League là chưa đủ hấp dẫn, họ sẵn sàng xóa sổ hoàn toàn Cúp C2 (giải đấu ra đời vào năm 1960 dành cho các đội đoạt Cúp Quốc gia) vào năm 1999, đồng thời ghép các đội vào UEFA Cup để biến Champions League thành một giải đấu đỉnh cao không chỉ về chất lượng mà còn cả tiền bạc.
Điều đó là không thể phủ nhận khi giai điệu “Champions League” vang lên từ Lisbon, Bồ Đào Nha đến Astana, Kazakhstan, từ Tel Aviv, Israel lên St Petersburg, Nga…; khi sự xuất hiện của mỗi đội tại vòng bảng đã giúp họ bỏ túi 12 triệu euro và chưa tính 1,5 triệu euro cho một trận thắng và 500.000 euro cho một trận hòa.
Đập tan tham vọng của G14
Nhờ thế, 60 năm qua, vô vàn kỷ lục được lập nên và xô đổ, đến mức người ta không thể nhớ hết được những con số, những sự kiện, những cầu thủ ghi bàn, những màn ngược dòng… Thử hỏi có ai biết được rằng cha con Jaap van Praag – Michael van Praag và Angelo Moratti – Massimo Moratti cùng vô địch European Cup/Champions League khi là Chủ tịch của Ajax và Inter? Có ai nhớ đến những trận thắng cách biệt trong lịch sử giải? Những trận đấu nào phải tung đồng xu quyết định đội đi tiếp? Luật bàn thắng sân khách được áp dụng khi nào?…
Nếu có, người ta chỉ nhớ đến những đội bóng xuất sắc, những cầu thủ huyền thoại đã gắn liền trong tâm trí người hâm mộ qua mỗi mùa giải, đặc biệt trong kỷ nguyên Champions League khi truyền hình và internet phát triển mạnh mẽ.
Và dám cá rằng, nếu UEFA không có những quyết định dũng cảm và gây tranh cãi khi thay đổi thể thức thi đấu, xóa bỏ Cúp C2 và ghép vào UEFA Cup, Champions League khó có thể có được một sức hút như hiện nay. Thậm chí, giải đấu này còn đứng trước nguy cơ bị khai tử sau khi G14, nhóm 14 CLB hàng đầu châu Âu gồm Real Madrid, Barcelona, Liverpool, Man Utd, Inter, Juventus, Milan, Marseille, PSG, Bayern Munich, Dortmund, Ajax, PSV Eindhoven và Porto ra đời năm 2000 (năm 2002 có thêm Arsenal, Leverkusen, Lyon và Valencia) cùng ý tưởng thành lập nên giải Super League.
G14 cuối cùng chỉ tồn tại trong 8 năm trước lúc Hiệp hội CLB châu Âu (ECA) ra đời và đại diện cho hơn 200 CLB. Lý do cơ bản chính là sự tồn tại của G14 đã trở nên không cần thiết, khi Champions League mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho các CLB lớn. Thế nên, thay vì theo đuổi giải Super League và dự định bắt đầu từ mùa giải 2006/07, tức là chỉ 12 tháng trước lúc G14 giải thể, vai trò của ECA giờ là đòi quyền lợi cho các CLB khi có cầu thủ tham dự World Cup hay EURO.
Liệu trong tương lai, Champions League sẽ còn biến đổi như thế nào nữa và có trở thành một thương hiệu như Premier League, nghĩa là phủ sóng khắp toàn cầu và giá trị bản quyền truyền hình lên đến hơn 5 tỷ bảng? Những gì đã diễn ra trong 60 năm qua sẽ là cơ sở để tất cả hy vọng sẽ có một bước ngoặt nữa như khi European Cup và sau này là Champions League ra đời.
Còn tiếp…
Mạnh Hào
Champions League giờ phủ sóng ở 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Giống như Premier League của Anh, Champions League cũng bán bản quyền theo 3 mùa giải và với những gói trận khác nhau. Nhờ thế, số tiền thưởng ở mùa giải tăng dần. Như trong mùa bóng này, tiền thưởng cho mỗi đội ở vòng bảng là 12 triệu euro, vòng 1/8 là 5,5 triệu euro, vòng tứ kết là 6 triệu euro, bán kết là 7 triệu euro, vô địch là 15 triệu euro và á quân là 10,5 triệu euro. Đó là chưa kể 1,5 triệu euro cho mỗi trận thắng và 500.000 euro cho mỗi trận hòa.