Ấn tượng thể thao: Sức nóng của trận cầu “lịch sử”
Và sức nóng của “trận cầu lịch sử” Việt Nam – Arsenal bắt đầu nóng lên từ chiều 15/7/2013, khi Arsenal vừa đặt chân đến sân bay Nội Bài. Hàng trăm người hâm mộ đã có mặt từ rất sớm, chào đón những tuyển thủ là thần tượng của mình làm cho các cầu thủ thêm phấn chấn.
NÓNG TỪ NGOÀI SÂN CỎ
Chuyến du đấu của CLB Arsenal, có thể được xem là một dấu mốc lịch sử đối với những người hâm mộ thể thao trong nước. Bởi đây là lần đầu tiên, dải đất hình chữ S được chào đón một CLB bóng đá đến từ giải Ngoại hạng Anh, một trong những giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh hiện nay. Công tác an ninh đã được triển khai từ trước, cộng thêm với những yêu cầu của đội bóng nên tỏ ra hết sức nghiêm ngặt. Nhưng trước sự hâm mộ của những CĐV Arsenal tại Việt Nam nên sau cuộc họp báo, một số cầu thủ chia thành từng nhóm nhỏ đi giao lưu ở một số nơi với người hâm mộ. Rất nhiều CĐV hâm mộ Arsenal đã đứng chờ trước cổng khách sạn hàng giờ đồng hồ, nhưng vẫn không thể nhìn thấy các thần tượng. Lực lượng công an, vệ sĩ được huy động rất đông, túc trực nơi ở của đội bóng. Ngay cả lực lượng phóng viên có thẻ cũng khó tác nghiệp thuận tiện.
May mắn, tôi có mặt trong buổi giao lưu quan trọng giữa các cầu thủ xuất sắc của học viện HA.GL – Arsenal JMG với hai 2 cầu thủ Lukasz Fabianski và Laurent Koscielny, trong đó Koscielny được mọi người chú ý nhiều hơn vì đó là trung vệ đá chính trong đội hình Arsenal. Buổi giao lưu bóng đá giữa các cầu thủ Arsenal với lứa học viên đầu tiên của học viện HA.GL JMG như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…, diễn ra trên mảnh sân nhỏ trước chùa Kim Liên gần khách sạn nơi đóng quân của đội Arsenal. Với lối chơi bóng theo kiểu bóng đá đường phố, các cầu thủ trẻ dường như muốn thể hiện hết khả năng của mình trước những cầu thủ mình xem là thần tượng.
Những đường bóng hay, những bàn thắng đẹp luôn đón nhận sự động viên của hai cầu thủ Arsenal bằng việc giơ ngón tay cái lên hô “Good, Good”. Ngoài việc thi đấu, hai cầu thủ này còn thị phạm một số động tác cơ bản, hoặc thể hiện tài năng của mình qua những đường chuyền thông minh khiến ngay cả các cầu thủ trẻ của học viện cũng phải xuýt xoa. Bên ngoài sân, các chuyên gia của Arsenal quan sát rất kỹ, ghi chép cũng như ghi hình đầy đủ. Có thể nói chỉ trong 30 phút giao lưu bóng đá, hầu hết các cầu thủ trẻ lần lượt được huấn luyện viên tung vào để chơi cùng các cầu thủ Arsenal, nên tỏ ra thỏa mãn.
Kết thúc buổi giao lưu bóng đá, hầu hết các cầu thủ trẻ đều được chụp hình lưu niệm, xin chữ ký với hai thần tượng. Khi biết chúng tôi là những CĐV hâm mộ của Arsenal, dù rất mệt họ vẫn nhiệt tình trả lời phỏng vấn cũng như chụp ảnh cùng, trong ánh mắt ganh tỵ của nhiều người hâm mộ khác không được vào. Những chiếc áo, quyển sổ đã được chuẩn bị, thậm chí có người còn ưỡn ngực đưa áo đang mặc cho các cầu thủ ký. Kết thúc buổi giao lưu, các cầu thủ trở về khách san trong vòng vây của hàng trăm người hâm mộ hiếu kỳ. Và bất chợt nghe một phóng viên tiết lộ: “Có một thanh niên Việt Nam hâm mộ Arsenal, đã chạy theo xe của đội suốt 5 km. Không hiểu sao, HLV Arsene Wenger biết được đã rất cảm động mời anh lên xe đi cùng”. Thế mới biết, tình yêu bóng đá của người Việt ta mạnh mẽ đến cỡ nào.
ĐẾN TRONG SÂN
Từ khoảng 4 giờ chiều ngày 17/7, những người hâm mộ bóng đá đổ về sân Mỹ Đình. Không khí ở quanh sân bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Người ta bắt đầu bàn tán về kết quả trận đấu, về đội hình ra sân của hai đội. Một người đàn ông vừa kịp mua chiếc vé chợ đen, vội vã bước vào xếp hàng. Hình như ông ta cũng là cổ động viên của các Pháo thủ, khi trên mình mặc chiếc áo truyền thống của Arsenal.
Bên trong sân, sự cuồng nhiệt dần tăng lên. Sân Mỹ Đình bỗng nhiên bé nhỏ trước dòng người cứ đổ về ngày một đông hơn. Tiếng kèn tiếng trống cứ dồn dập từng hồi cho đến khi hai đội ra sân. Những tiếng vỗ tay liên tiếp vang lên, mỗi khi tên các cầu thủ được xướng lên. Vậy là mọi người lại có dịp dự đoán, bàn tán về đội hình. Hiển nhiên ai cũng biết tỉ số thua 1 –7 của đội tuyển Việt Nam là điều sễ hiểu vì mức độ chênh lệch đẳng cấp.
Nhưng đó không phải là vấn đề cốt lõi của trận đấu này. Điều quan trọng là cầu thủ ta học được gì qua trận đấu, và tình cảm của người hâm mộ. Tuy rất hâm mộ đội bóng bạn nhưng mỗi lần cầu thủ Việt Nam cầm bóng, lập tức trống kèn, tiếng vỗ tay của khán giả lại vang lên dậy trời. Những tiếng hô “Cố lên Việt nam!”, “Sút”, “Chuyền đi”… như tiếp thêm sức mạnh cho cầu thủ dưới sân. Làn sóng người cứ đứng lên giơ tay theo nhịp sóng, lan tỏa từ khán đài này sang khán đài khác.
Ngược lại, 7 bàn thắng đẹp của đội bạn cũng được đón nhận bằng những tràng pháo tay giòn giã. Đó chính là nét đẹp trong bóng đá hôm nay. Có người ví von, bàn thắng của Mạnh Dũng cũng được xem là bàn thắng lịch sử, sau những khoảnh khắc của Trần Minh Chiến và Lê Công Vinh, và đó có thể là “bản lề” cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Có lẽ, hình ảnh cảm động nhất là khi kết thúc trận đấu, các cầu thủ Arsenal cầm tấm băng rôn với dòng chữ: “Cám ơn các bạn đã ủng hộ Arsenal” chạy quanh sân. Đó là lời tạm biệt, là hình ảnh thân thiện đã chiếm được tình cảm của hàng vạn người hâm mộ trên sân. Hiếm khi có một trận đấu mà đội nhà thua, người hâm mộ vẫn còn nán lại gần như đầy đủ.
Với tôi, một CĐV bóng đá ở miền tây Nam Bộ, lần đầu đến sân Mỹ Đình, đặc biệt là chụp ảnh lưu niệm với một cầu thủ nổi tiếng quả là hạnh phúc. Những hình ảnh, kỷ niệm đẹp với bạn bè trong thời gian xem bóng đá ở Hà Nội mãi mãi tôi không bao giờ quên.
LÊ QUANG HUY
Đây là bài viết tham dự cuộc thi “Ấn tượng thể thao” do báo Thể thao 24h tổ chức. Mời bạn đọc tham khảo nội dung của cuộc thi tại , và thể lệ cũng như giải thưởng của cuộc thi tại .