Bản quyền hình ảnh cầu thủ trên thế giới được thực hiện như thế nào?
Công ty cổ phần thể thao Hà Nội - T&T mới ban hành Quy định về việc quản lý và sử dụng hình ảnh cầu thủ, HLV của CLB Hà Nội vì mục đích thương mại và các mục đích khác. Đây là lần đầu tiên một CLB bóng đá tại Việt Nam áp dụng quy định chia sẻ lợi nhuận từ hoạt động khai thác hình ảnh, quảng cáo của cầu thủ, HLV.
Nhưng đối với bóng đá quốc tế, bản quyền hình ảnh của cầu thủ là một yếu tố rất quan trọng các bản hợp đồng, nhất là các thương vụ bom tấn. Năm 2013, việc đàm phán hợp đồng mới của Cristiano Ronaldo đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến ban đầu vì cả hai bên đều muốn sở hữu bản quyền hình ảnh của Ronaldo nhiều hơn.
Những siêu sao như Ronaldo có giá trị bản quyền hình ảnh rất lớn
Rốt cuộc, Real Madrid đã phải nhượng bộ, chỉ nắm giữ 40% giá trị bản quyền hình ảnh của Ronaldo, 60% giá trị còn lại được trao cho chính cầu thủ. Đến tháng 6/2015, Ronaldo bán bản quyền hình ảnh của mình cho công ty Mint Media với bản hợp đồng có thời hạn 6 năm. Trong khoảng thời gian này, tập đoàn của tỷ phú Peter Lim sở hữu tất cả giá trị hình ảnh của Ronaldo, ngoại trừ những thứ liên quan đến Real Madrid.
Ở lần đàm phán gia hạn hợp đồng kế tiếp, Ronaldo thậm chí còn đòi Real Madrid chia sẻ bản quyền hình ảnh nhiều hơn nữa. Nói như vậy để thấy rằng, các cầu thủ và CLB đều rất coi trọng giá trị bản quyền hình ảnh.
Hiểu một cách đơn giản, bản quyền hình ảnh là quyền sở hữu của một cá nhân đối với hình ảnh của chính họ và các giá trị đi kèm. Mỗi người đều có quyền sở hữu và quản lý hình ảnh của mình giống như việc bảo vệ bản quyền thương hiệu, hay quyền sở hữu trí tuệ đối với một sản phẩm.
Messi cũng sở hữu giá trị bản quyền hình ảnh không hề thua kém Ronaldo
Dĩ nhiên, các cầu thủ cũng có thể thu về các lợi ích từ việc bán bản quyền hình ảnh của mình cho các bên khai thác vì mục đích thương mại, hoặc các mục đích khác, nhưng không vi phạm pháp luật.
Trong bóng đá hiện đại ngày nay, bản quyền hình ảnh có thể mang lại những nguồn thu khổng lồ cho các cầu thủ, nhiều hơn cả tiền lương của họ tại các CLB. Ví dụ, Ronaldo chỉ kiếm được khoảng 31 triệu euro tiền lương mỗi năm, nhưng nguồn thu từ các hoạt động thương mại và khai thác hình ảnh lên đến 40-50 triệu euro/năm.
Chính vì bản quyền hình ảnh có giá trị lớn như vậy nên việc thảo luận chia sẻ bản quyền hình ảnh luôn là một trong những công việc quan trọng nhất ở các hợp đồng bóng đá hiện nay. Việc phân chia bản quyền hình ảnh có thể được đàm phán lại thường xuyên mỗi khi cầu thủ gia hạn hợp đồng do sự thay đổi về giá trị của cầu thủ và cách thức CLB khai thác hình ảnh của cầu thủ đó.
Các CLB sẽ phải trả thù lao cho các cầu thủ khi khai thác hình ảnh cá nhân
Những người đại diện cầu thủ hoàn toàn có thể thương lượng với các CLB để họ trả lại một phần doanh thu từ việc khai thác bản quyền hình ảnh cho các cầu thủ.
Việc các CLB khai thác bản quyền hình ảnh của các cầu thủ cũng rất phức tạp chứ không hề đơn giản. Quy tắc hiện tại là bất kỳ hình ảnh nào có 3 cầu thủ trở lên đều tạo thành hình ảnh của một đội chứ không còn là hình ảnh cá nhân. Khi đó, CLB không phải trả tiền bản quyền cho một cầu thủ riêng biệt. Bên cạnh đó là một số quy tắc đặc biệt để một hình ảnh đủ điều kiện trở thành hình ảnh của đội chứ không phải hình ảnh cá nhân.
Nhưng nếu chỉ khai thác hình ảnh của một ngôi sao thì các CLB sẽ có nghĩa vụ trả một phần lợi ích cho cầu thủ này. Đây là lý do các CLB luôn chọn ít nhất 3 cầu thủ chụp ảnh ra mắt áo đấu chứ không chỉ sử dụng hình ảnh của một ngôi sao duy nhất.
Các poster ra mắt áo đấu mới thường có ít nhất 3 người
Tương tự, các giải đấu cũng sẽ phải trả tiền để sử dụng hình ảnh cá nhân một cầu thủ, hay hình ảnh của một CLB. Điều này giải thích tại sao video quảng cáo giải đấu thường bao gồm rất nhiều cầu thủ đến từ nhiều CLB khác nhau và mỗi đội thường chỉ xuất hiện có vài giây ngắn ngủi.
Khi các CLB ngày càng chú trọng hơn đến các hoạt động thương mại thì việc khai thác bản quyền hình ảnh của cầu thủ cũng được chú trọng nhiều hơn. Real Madrid là một trong những CLB đi tiên phong trong lĩnh vực này. Chủ tịch Florentino Perez từng thiết lập hệ thống chia sẻ bản quyền hình ảnh 50-50 giữa CLB và cầu thủ. Điều này đã giúp doanh thu của Real Madrid tăng hơn 137% trong suốt 4 mùa giải David Beckham chơi tại Bernabeu.
Beckham từng sở hữu 80% giá trị bản quyền hình ảnh của anh tại LA Galaxy
Sau này, Ronaldo đã phá vỡ tiền lệ đó khi yêu cầu thành công tỷ lệ ăn chia 60-40 với Real Madrid. Việc chia sẻ bản quyền hình ảnh càng trở nên phức tạp hơn khi các cầu thủ thành lập công ty quản lý hình ảnh của riêng mình, hoặc bán bản quyền hình ảnh cho một doanh nghiệp khác. Khi đó, các CLB phải đạt được thỏa thuận với các công ty quản lý hình ảnh cầu thủ trước khi sử dụng bất kỳ hình ảnh nào của ngôi sao đó.
Thậm chí, nhiều cầu thủ còn thành lập cả các công ty ma tại các thiên đường thuế nhằm trốn một khoản lớn tiền thuế thu nhập từ bản quyền hình ảnh. Trong đó, cả Messi lẫn Ronaldo đều từng bị cáo buộc trốn thuế liên quan đến bản quyền hình ảnh.