Bartomeu “xách dép” cho Perez về khoản làm giàu
Real Madrid có thể thất thế trước Barcelona trong thời gian ông Florentino Perez làm Chủ tịch ở sân Santiago Bernabeu. Nếu bàn về khả năng kiếm tiền thì ông Perez lại tỏ ra vượt trội người đồng nhiệm Josep Maria Bartomeu. Bằng chứng là Real thường xếp trên Barca trong danh sách những đội bóng kiếm tiền giỏi nhất thế giới.
Perez kiếm hơn nửa tỷ euro trong 9 tháng
Dù chính sách làm bóng đá tại Real Madrid khiến Chủ tịch Florentino Perez phải hứng chịu không ít chỉ trích thì NHM đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha cũng không thể phủ nhận công lao của ông trùm tập đoàn ACS trong việc biến Real trở thành đội bóng kiếm tiền giỏi nhất thế giới. Không những thế, ông Perez còn rất biết cách “lợi dụng” Real Madrid để phục vụ công việc làm ăn của mình. Điển hình là việc chiêu mộ James Rodriguez, Chicharito hay Keylor Navas nhằm lấy lòng chính quyền địa phương hòng mua được các gói thầu trị giá hàng trăm triệu euro tại quê hương của các ngôi sao trên. Chỉ tính riêng ở Colombia, Chủ tịch Real Madrid đã có được 2 dự án xây dựng trị giá hơn 1,5 tỷ euro.
Những thành công trên đã giúp ACS lấy lại vị thế của một trong những tập đoàn xây dựng hàng đầu thế giới sau 7 năm làm ăn thua lỗ vì chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, việc đồng USD tăng giá mạnh so với đồng euro, trong khi thị trường lớn nhất của ACS lại nằm ở khu vực Bắc Mỹ (chiếm đến 45,2% trong tổng số 82% doanh thu bên ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha của ACS) càng khiến công việc làm ăn của Chủ tịch Perez gặp nhiều thuận lợi hơn nữa.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của ACS, tập đoàn của Chủ tịch Florentino Perez đạt mức lợi nhuận ròng là 574 triệu euro, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBITDA) thậm chí còn chạm mốc 1.816 triệu euro. Không những thế, ACS còn cắt giảm được 33% nợ trong năm qua. Hiện tại, tập đoàn của ông Perez chỉ còn phải gánh khoản nợ 3.880 triệu euro.
Theo tìm hiểu của tờ AS, một trong những biện pháp chủ yếu của ACS để giảm nợ là tăng dòng tiền mặt và rao bán các tài sản không cốt lõi của các công ty con trực thuộc tập đoàn, chủ yếu là công ty xây dựng Hochtief của Đức.
Ban đầu, Chủ tịch Florentino Perez nảy ra sáng kiến mua lại Hochtief nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng của ACS. Nhưng thực tế lại không diễn ra như dự kiến, doanh nghiệp của ông Perez không thể “nuốt trọn” công ty của Đức và phải bán lại 3,69% cổ phiếu cho hãng Iberdrola để sống sót qua khỏi cuộc khủng hoảng. Dần dần, Hochtief bắt đầu mang lại những lợi nhuận to lớn cho ACS. Chính điều này đã thuyết phục ông Perez dốc tiền mua đứt tập đoàn xây dựng nổi tiếng tại Đức để củng cố vị thế của doanh nghiệp xây dựng hàng đầu thế giới. Hiện tại, ACS đã nắm tới 66,5% cổ phần của Hochtief.
Đáng chú ý, Giám đốc điều hành của ACS, Angel Garcia Altozano khẳng định việc mua lại tập đoàn Hochtief sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu lợi nhuận ròng đạt mức 1 tỷ euro vào cuối năm 2016.
Bartomeu chỉ xứng làm học trò của Perez
Khác với người đồng nhiệm Florentino Perez, Chủ tịch Josep Maria Bartomeu của Barcelona chỉ sở hữu ADELTE Group, một tập đoàn nhỏ chuyên cung cấp thang máy bay và cầu cho du khách xuống thuyền. Tập đoàn có trụ sở chính nằm ở Barcelona, một nhà máy sản xuất nằm ở tỉnh Huesca (Tây Ban Nha) và một văn phòng bán hàng tại Miami (Mỹ).
Điều đáng nói là ADELTE Group được xây dựng theo hình thức công ty cổ phần và Josep Maria Bartomeu không phải là cổ đông lớn nhất của tập đoàn. Người nắm giữ nhiều cổ phần nhất (47,5%) lại là một doanh nhân đến từ Madrid, Baring Iberia. Điều này có nghĩa là đương kim Chủ tịch của Barcelona sẽ không có toàn quyền quyết định các hoạt động làm ăn của tập đoàn ADELTE Group như người đồng nhiệm Florentino Perez ở ACS.
Xét về quy mô và lợi nhuận, doanh nghiệp của ông Bartomeu lại càng không thể so sánh với tập đoàn của Chủ tịch Perez. Nếu ACS trị giá khoảng 8 tỷ euro thì ADELTE chỉ có tổng vốn cổ phần là 9,4 triệu euro. Tổng số lao động của ADELTE chỉ là 63 người, trong khi ACS tạo ra đến 162.471 việc làm. Tập đoàn của ông Bartomeu chỉ hoạt động ở trong nước, trong khi doanh nghiệp của ông Perez có đến gần 90% hoạt động nằm ở nước ngoài. Và điều quan trọng nhất là ACS vừa kiếm được 574 triệu euro, còn ADELTE lại chỉ thu về hơn 20,3 triệu euro, lãi hơn 1 triệu euro so với cùng kỳ năm ngoái.
Một chi tiết nữa cũng góp phần khẳng định tài kinh doanh của ông Bartomeu thua xa ông Perez là việc công ty Traylers Bartomeu Ochoa, tiền thân của tập đoàn ADELTE từng phải tuyên bố phá sản vào năm 1991 sau khi thực hiện những chính sách sai lầm của đương kim Chủ tịch Barcelona. Không còn cách nào khác, ông Bartomeu đành phải cắn răng bán lại một phần “di sản” của gia đình cho một doanh nhân Madrid. Chỉ có như vậy thì Traylers Bartomeu Ochoa mới có thể tiếp tục tồn tại dưới cái tên ADELTE Group.