Bóng đá Iraq (Kỳ 2): Một thiên tài lỡ dở

thứ ba 6-10-2015 15:25:07 +07:00 0 bình luận
Anh từng lọt vào top 30 cầu thủ hay nhất thế giới, từng được đánh giá không thua kém các tiền đạo hàng đầu châu Âu. Nhưng Younis Mahmoud cũng không thể hoàn thành được giấc mơ giản dị (so với trình độ của mình) là sang châu Âu chơi bóng và sự nghiệp anh có lẽ sẽ kết thúc trong dang dở, chỉ vì bóng ma chiến tranh.

Huyền thoại sống

Younis Mahmoud vẫn còn đang thi đấu và chúng ta chưa thể biết được liệu anh sẽ kết thúc sự nghiệp với bảng thành tích như thế nào, bao nhiêu bàn thắng hay bao nhiêu lần khoác áo ĐTQG. Nhưng kể cả khi Mahmoud có treo giày ngay bây giờ đi chăng nữa thì anh chắc chắn vẫn sẽ có một vị trí hết sức trang trọng trong lịch sử bóng đá Iraq, không chỉ vì Mahmoud là cầu thủ trẻ nhất từng khoác áo tuyển Iraq hay là tác giả của bàn thắng quyết định đưa Iraq giành chức VĐ châu Á năm 2007 (danh hiệu lớn duy nhất cho đến nay của đội bóng này).

Mahmoud chính là cầu thủ Iraq duy nhất trong lịch sử từng lọt vào top 30 (chính xác là 29) của một cuộc bầu chọn Quả bóng vàng dù lúc đó anh chỉ thi đấu Al-Gharafa, một cái tên quá đỗi khiêm tốn trong làng túc cầu thế giới, và trong cái năm 2007 kỳ diệu ấy thì Mahmoud (ít nhất là về xếp hạng số phiếu bầu) thậm chí còn xếp trên hàng loạt cái tên lừng lẫy như Tevez, Van Persie, Giggs, Berbatov, Eto’o, Deco, Raul, Scholes, Torres, Villa… Và Mahmoud cũng không phải là mẫu cầu thủ chỉ toả sáng một lần rồi tắt. Sau lưng anh là 143 lần khoác áo đội tuyển, là 55 lần xé lưới các đối thủ trải dài suốt hơn một thập niên (trong suốt 14 năm ăn cơm tuyển thì chỉ có một năm duy nhất, 2008, là Mahmoud không ghi được bàn thắng nào). Nếu lấy tiêu chí lựa chọn là đã chơi tối thiểu 140 trận và ghi tối thiểu 55 bàn cho ĐTQG thì đi tìm khắp thế giới này cũng chỉ có hai người nữa như anh thôi: Một là Ali Daei (149 trận, 109 bàn cho Iran) và hai là Robbie Keane (140 trận, 65 bàn cho Ireland).

Tất nhiên so sánh là khập khiễng, và những con số thường chỉ nói lên một phần sự thật, nhưng một mai khi giải nghệ thì Mahmoud hoàn toàn có quyền nhìn lại những năm tháng đã qua và nở một nụ cười kiêu hãnh.

 

Giấc mơ tan vỡ

Điều tiếc nuối nhất trong sự nghiệp của Mahmoud có lẽ là anh chưa từng sang châu Âu chơi bóng và chỉ quanh quẩn khoác áo các CLB ở vùng Vịnh, từ Iraq sang Qatar rồi lại sang Saudi Arabia. Cao lớn, nhanh nhẹn, dứt điểm tốt bằng cả hai chân, đánh đầu và đá phạt (hai thứ vũ khí đã giúp anh lập cú đúp vào lưới ĐT Việt Nam năm 2007) đều thiện nghệ, nhạy cảm săn bàn được đánh giá là “không thua kém Nicolas Anelka”, Mahmoud hoàn toàn đủ trình độ để chinh chiến ở trời Âu. Lens, Lyon, Lille, Marseille đều đã ngỏ ý muốn chiêu mộ anh nhưng cuối cùng thì Mahmoud vẫn phải hài lòng với việc thi đấu ở Qatar, một giải VĐQG bị cho là không xứng tầm với đẳng cấp của anh. Cũng chỉ tại chiến tranh…

 

“Tôi muốn sang châu Âu thi đấu. Premier League thì càng tốt, đó là giấc mơ của tôi” – Mahmoud từng thổ lộ sau thắng lợi ở cúp châu Á 2007. Nhưng cuối cùng thì anh vẫn ở lại Al-Gharafa cho tới tận năm 2011, ngoại trừ một quãng thời gian ngắn chuyển sang khoác áo Al-Arabi dưới dạng cho mượn vào năm 2008. Năm 2010, Sunderland cũng từng tiếp cận Mahmoud nhưng câu trả lời vẫn là “Không”. Vậy đâu là lý do khiến Mahmoud ở lại? Gia đình. “Gia đình tôi đang ở Iraq. Họ là ưu tiên hàng đầu của tôi và nếu tôi ký hợp đồng với một CLB châu Âu thì tôi không thể mang họ theo.”. Các quy định về nhập cư ngặt nghèo ở châu Âu khiến cho gia đình Mahmoud không dễ gì xin được visa định cư và cũng dễ hiểu khi anh chấp nhận từ bỏ giấc mơ châu Âu để lo lắng cho gia đình.

Nhưng vì sao Mahmoud lại phải dành nhiều mối quan tâm đến gia đình? Vì chiến tranh. 2007 là một năm đầy bão tố trên đất nước Iraq, khi số lượng các cuộc xung đột tăng mạnh và số lượng thương vong của cả quân đội lẫn dân thường đều đạt đến đỉnh điểm. Riêng năm 2007 đã chứng kiến tổng cộng 21 vụ đánh bom tự sát tại Iraq, nhiều gấp đôi số vụ của cả năm 2005 và 2006 (mỗi năm 5 vụ) cộng lại. 2007 cũng là năm có nhiều lính Mỹ thiệt mạng nhất (853 người) và Mỹ đã phải bổ sung khẩn cấp thêm hơn 20.000 quân để ứng phó với tình hình tại Iraq vào thời điểm đó. Khi mà quê nhà đang hỗn loạn như thế (thành phố Kirkuk quê anh lần đầu tiên trở thành mục tiêu của những kẻ đánh bom tự sát kể từ đầu cuộc chiến, khiến 86 người chết và gần 200 người bị thương) thì cũng rất dễ hiểu khi Mahmoud muốn tiếp tục thi đấu gần nhà, ở Qatar, để có thể kịp thời chăm sóc gia đình nếu cần thiết. Và thực ra đấy cũng không phải là lần đầu mà sự nghiệp của Mahmoud bị gián đoạn bởi bóng ma chiến tranh.

Nỗi buồn chiến tranh

Năm 2003, khi anh đang thi đấu thăng hoa, bắt đầu chiếm được vị trí chính thức trong đội hình Al-Talaba (lúc đó đang là đương kim VĐQG Iraq) thì chiến tranh Iraq lại nổ ra và giải VĐQG nước này buộc phải kết thúc sớm khi mới đi qua được 2/3 chặng đường. Mahmoud phải tìm đường ra nước ngoài thi đấu nếu còn muốn tiếp tục được chơi bóng và anh chuyển sang khoác áo Al Wahda (UAE) theo một bản hợp đồng cho mượn. Tuy nhiên phong độ xuất sắc cùng với những bàn thắng của Mahmoud dường như đã ở lại Iraq. Sau 26 trận đá cho Al Wahda, anh chỉ có được vỏn vẹn 6 bàn thắng, tương đương với hiệu suất 0,23 bàn/trận, khá thấp đối với một tiền đạo và chưa bằng 1/3 so với những gì Mahmoud từng làm được với Al-Talaba (24 bàn/33 trận, tương đương 0,72 bàn/trận).

Tất nhiên sự sa sút của Mahmoud cũng không phải là điều gì kỳ lạ, bởi lúc đó anh mới 20 tuổi và sự thay đổi trong môi trường thi đấu cũng như tâm lý bất ổn (vì chiến tranh ở Iraq, vì đột ngột phải ra nước ngoài…) chắc hẳn đã khiến đôi chân của chàng trai trẻ trở nên nặng nề hơn đáng kể. Mahmoud chỉ ở lại Al Wahda một năm trước khi tái hồi Al-Talaba, nhưng vào năm 2004 thì giải VĐQG Iraq vẫn chưa được tổ chức trở lại và anh phải tiếp tục xuất ngoại, lần này là sang Al Khor (Qatar), nơi Mahmoud dần lấy lại phong độ, phá lưới đối thủ 56 lần chỉ sau 49 trận, xác lập hàng loạt kỷ lục ghi bàn và trở thành trụ cột của tuyển Iraq (ra sân 12 trận, nhiều hơn so với cả năm 2002 lẫn 2003 cộng lại). Nhưng nếu chiến tranh không nổ ra, giải VĐQG Iraq không bị đình trệ và đà phát triển của Mahmoud không bị chững lại mất hơn một năm thì biết đâu anh còn có thể xuất sắc hơn thế? Biết đâu giấc mơ châu Âu của Mahmoud đã thành sự thực? Vẫn biết với chữ “nếu” người ta có thể bỏ Paris vào trong một cái chai, nhưng có lẽ nhiều người vẫn sẽ tiếc cho anh, một thiên tài lỡ dở…

Quang Hải

Biểu tượng của Iraq

Mahmoud là biểu tượng thực sự của bóng đá Iraq, không chỉ vì trình độ chuyên môn xuất chúng mà còn nhờ nguồn gốc xuất thân của anh. Anh là người gốc Thổ (một trong 3 nhóm dân tộc chính ở Iraq, bên cạnh người Arab và người Kurd) thuộc phái Sunni (một trong hai hệ phái chính của Hồi giáo, có số tín đồ bằng khoảng 1/4 so với phái Shi’a) và sinh ra ở vùng Kurdistan thuộc Iraq, tức là Mahmoud có thể đóng vai trò đại biểu cho gần như tất cả các nhóm cư dân thiểu số ở Iraq.

Người Thổ, người Kurd hay người Sunni đều có thể nhìn vào Mahmoud và tự nhủ: “Đó, anh ấy là một người trong số chúng ta, và là người hùng của ĐTQG”. Nhưng khi được hỏi rằng mình muốn được xếp vào nhóm nào, Mahmoud lại chỉ vào tấm bản đồ Iraq được anh xăm trên đùi trái và bảo: “Tôi là ai không quan trọng. Trên tất cả, tôi là người Iraq”.

Đón đọc kỳ 3 (thứ Tư, ngày 07/10): Điều mà chính trị không làm được…

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội