Bóng đá thế giới năm 2015: Tượng đài sụp đổ, uy tín liêu xiêu
1 Vụ nổ bom khủng bố đồng loạt tại 6 địa điểm ở Paris vào thứ Sáu, ngày 13/11, bao gồm cả sân Stade de France đang diễn ra trận giao hữu giữa chủ nhà Pháp với Đức. Vì những lý do khách quan và chủ quan, không có tổn thất đáng kể trong SVĐ, nhưng 128 người thiệt mạng khắp thủ đô đã đủ để cả thế giới bàng hoàng chứ không riêng người Pháp. Ngay sau đó, trận giao hữu Đức - Hà Lan dự kiến ngày 17/11 phải hủy bỏ không đơn giản do một túi xách bị nghi có bom, mà vì lực lượng an ninh không dám đảm bảo an toàn. Nghiêm trọng hơn là kể từ nay, bóng ma khủng bố sẽ thường xuyên ám ảnh các giải lớn hoặc những trận đấu lớn.
2 Sepp Blatter và Michel Platini - những “ông trùm” của bóng đá đang bị cấm hoạt động trong 8 năm vào cuối tháng 12, sau thời gian bị ngưng chức mà bắt đầu thật ra là từ quyết định từ chức của chủ tịch FIFA hồi đầu tháng 6. Kế đó, chủ tịch UEFA chịu vạ lây do đứng ra làm chứng về khoản thù lao 2 triệu franc Thụy Sĩ nhận khá lâu sau thời gian làm cố vấn bóng đá cho ông chủ mới của FIFA. Sự kiện này không chỉ khiến FFIA phải bầu lại chủ tịch mới vào đầu năm sau, mà còn ảnh hưởng tới nhiều LĐBĐ khu vực và quốc gia.
3 Jose Mourinho bị sa thải chỉ vài tháng sau khi giúp Chelsea vô địch Premier League sớm mấy vòng đấu. Sự thật thì thời điểm “Người đặc biệt” rời Stamford Bridge là vào ngày 17/12, nhưng nguyên nhân thật sự có lẽ bắt đầu từ ngày 09/08, khi ông chỉ trích bác sĩ Eva Carneiro về tội chạy vào sân để điều trị cho Eden Hazard đang bị đau theo yêu cầu của trọng tài. Kể từ đó, Carneiro không còn được làm việc cho Chelsea nên khởi kiện cả CLB lẫn HLV. Có thể do bất mãn vì Mourinho hành xử quá đáng hoặc không quan tâm tới cơn đau của các “sao” như Hazard, các cầu thủ đã “bật” ông khỏi Chelsea lẫn nữa.
4 Chile chấm dứt 100 năm khát danh hiệu bằng ngôi vô địch Copa America 2015 hồi đầu tháng 7 lẽ ra là sự kiện tích cực, nếu không có trục trặc ngoài ý muốn. Trên thực tế, từng có ý kiến cho rằng đây là danh hiệu được dàn xếp trước nhằm giúp chính quyền Chile dời sự chú ý của người dân ra khỏi những bất cập xã hội. Chiến thắng Uruguay chính là một ví dụ cụ thể, khi đội thua chỉ còn 9 người do dính 2 thẻ đỏ, bao gồm cả danh thủ Edinson Cavani do phản ứng với những trò khiêu khích lộ liễu của Gonzalo Jara mà các trọng tài bỏ qua.
5 Parma trở thành tâm điểm của thế giới khi tuyên bố phá sản vào ngày 18/03. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, Serie A chứng kiến một đội phá sản tới 2 lần chỉ trong 10 năm, Và cũng là lần đầu tiên trong kỷ nguyên của bóng đá hiện đại, Serie A có đội bỏ cuộc giữa mùa bóng. Càng đáng buồn hơn khi chỉ trong vòng 3 tháng sau đó, Parma bị rao bán 2 lần với giá chỉ 0 euro. Chính xác là mức giá thấp tới như vậy, vì nếu tiếp quản Parma, chủ mới cần thanh toán khoản nợ tròm trèm 100 triệu USD. Đội bóng có tuổi đời 101 năm vừa “chết” như thế.
6 Africa Cup of Nations khép lại vào ngày 08/02 bằng chiến thắng của Bờ Biển Ngà ở trận chung kết tại Guinea Xích đạo. Vấn đề là theo kế hoạch, nơi tổ chức phải là Morocco. Nhưng do sợ bùng phát dịch Ebola, Morocco đã xin hoãn tổ chức giải tháng 2 vào cuối năm 2014, rồi xin hoãn tiếp ít nhất 6 tháng nữa, ngay cả khi nước này chẳng có trường hợp nhiễm virus Ebola nào. Hậu quả là Morocco bị tước quyền xin đăng cai các CAN 2017 và 2019, đồng thời bị phạt 1 triệu USD kèm thêm 9,1 triệu USD “khắc phục hậu quả”.
7 Trên đường tới ngôi vô địch Gold Cup thứ 10 hồi cuối tháng 7, Mexico hạ Panama 2-1, nhưng chiến thắng bị nhuốm bẩn do cáo buộc có dàn xếp tỷ số từ chủ tịch LĐBĐ Panama là Pedro Chaluja. Nhiều nhà quan sát đồng tình với nhận định đó, đặc biệt khi CONCACAF cũng đang dính líu nặng tới vụ điều tra FIFA. Tuy nhiên, BTC giải chỉ kết luận là “những sai phạm của trọng tài đã ảnh hưởng tới kết quả trận đấu”. Dù gì thì rốt cuộc, Mexico đã không thể ăn mừng thành công trọn vẹn do ngay khi về nước, HLV Miguel Herrera bị sa thải ngay sau cáo buộc bóp cổ một phóng viên truyền hình tại sân bay.