Các CLB châu Âu kiếm tiền theo những cách nào?
“Bóng đá đem lại rất nhiều tiền”, điều đã được công nhận ở châu Âu, đặc biệt là những giải vô địch hàng đầu. Vậy tất cả số tiền này đến từ đâu?
Tiền bản quyền truyền hình
Bản quyền truyền hình đang là cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các công ty có đủ khả năng để đấu thầu. Trên thế giới, Ngoại hạng Anh là giải đấu mà mọi người muốn xem nhất và do đó mang về nhiều tiền nhất.
Năm 2015, Premier League nhận được hơn 5 tỷ bảng bản quyền truyền hình, so với con số gần 1 tỷ bảng trả cho La Liga. Tiền truyền hình được chia đều giữa các CLB, vì vậy 5 tỷ bảng cộng với BT Sport và Sky trả cho giải đấu trong giai đoạn 2015-2019, mỗi CLB được hưởng lợi rất nhiều.
Tiền bản quyền truyền hình của đội bóng hàng đầu nước Anh được chia đều, nhưng ở Champions League, nó áp dụng cho những CLB mạnh nhất châu Âu. Đó là lý do tại sao luôn có cuộc chiến căng thẳng cho vị trí trong top 4 ở cả Premier League, La Liga, Serie A hay Bundesliga để tham dự sân chơi này.
Chẳng hạn, Man City đã kiếm được hơn 76 triệu bảng từ thành tích lọt vào bán kết Champions League mùa 2015/16, bao gồm 42 triệu bảng từ phủ sóng truyền hình.
Tiền thưởng
Một CLB bộ có thể kết thúc mùa giải ngay trên khu vực xuống hạng và kiếm được một khoản tiền kha khá từ việc phủ sóng truyền hình, nhưng họ nhận được ít hơn các đội xếp trên mình.
Lý do vì đối với mỗi vị trí trên bảng xếp hạng có giá trị khác nhau, ví dụ như ở Ngoại hạng Anh, con số này có giá trị 1,9 triệu bảng.
Khi Premier League 2016/17 khép lại, Watford có thể kết thúc ở bất kỳ vị trí nào trong khoảng từ thứ 8 đến thứ 17 tùy thuộc vào kết quả của mình và những kết quả khác. Đó là sự khác biệt 17,1 triệu bảng từ vị trí tốt nhất đến tệ nhất của họ.
Khi Man Utd vô địch FA Cup năm 2016 nhờ đánh bại Crystal Palace trong trận chung kết, họ đã kiếm được 1,8 triệu bảng tiền thưởng. Trong khi đó, Palace chỉ nhận một nửa con số này với tư cách á quân. Đó là lý do tại sao việc đoạt cúp trở nên hấp dẫn đối với các đội bóng nhỏ hơn.
Giống như bản quyền truyền hình, tiền thưởng ở hạng đấu thấp kém hơn nhiều so với hạng đấu hàng đầu. Chẳng hạn, không thể nói rằng đội đứng thứ 10 ở Bundesliga 2 kiếm được nhiều tiền như đội xếp thứ 10 Bundesliga của Đức.
Tương tự, một giải đấu như Cúp Liên đoàn không sinh lợi bằng FA Cup, khi đội vô địch chỉ kiếm được khoảng 1/10 so với giành FA Cup.
Chuyển nhượng cầu thủ
Việc bán cầu thủ có thể kiếm được một khoản tiền kha khá cho CLB. Thường thì số tiền đó được tái đầu tư vào các cầu thủ khác, vì vậy các CLB không nhất thiết coi đó là một phần thu nhập, nhưng các CLB ít giàu hơn thường tồn tại nhờ một số tiền lớn thu được từ việc bán cầu thủ.
Một trong những cách mà các CLB nhỏ hơn có thể đảm bảo lợi tức đầu tư của mình là bằng cách chèn thêm phí bán vào hợp đồng khi cầu thủ chuyển đến một đội bóng lớn hơn.
Liverpool bán Raheem Sterling cho Man City vào năm 2015 với giá khoảng 49 triệu bảng. Chính Queens Park Rangers mới là đội hưởng trong thương vụ này khi thương lượng 20% phí bán với Liverpool nhiều năm trước đó. Như vậy, Liverpool thực sự chỉ nhận được khoảng 39 triệu bảng, trong khi QPR bỏ túi 10 triệu bảng.
Tiền bán vé vào sân vận động
Các CLB tính tiền cho mỗi người vào sân trong ngày diễn ra trận đấu nên không có gì ngạc nhiên khi những đội có sân vận động lớn hơn kiếm được nhiều tiền nhất.
Arsenal không có được thành công như Real Madrid và Barcelona trong những năm gần đây, nhưng họ vẫn kiếm được nhiều hơn 2 gã khổng lồ Tây Ban Nha trong ngày thi đấu. Đó là do sân Emirates có hơn 60.000 chỗ ngồi và các CLB Premier League bán vé giá cao hơn đáng kể so với các CLB ở châu Âu.
Rõ ràng là một CLB càng thành công trong các giải đấu khác nhau thì càng dễ kiếm tiền hơn, với mỗi trận đấu là cơ hội để họ bán vé vào sân. Ví dụ như khi CLB giành quyền đi tiếp ở FA Cup, League Cup và cúp châu Âu, doanh thu bán vé sẽ tăng lên tương ứng.
CLB cũng kiếm được tiền từ các dịch vụ khác trong ngày thi đấu, đặc biệt là đồ ăn và thức uống.
Không ít CLB cho thuê sân vận động để tổ chức các sự kiện, chẳng hạn như âm nhạc, thậm chí làm đám cưới.