Đế chế Milan của "Bố già" Berlusconi định hình bóng đá hiện đại như thế nào? (Kỳ 1)
Trước khi những bữa tiệc sex nhớp nhúa “Bunga Bunga” cùng những scandal chính trị đẩy Silvio Berlusconi vào bóng tối, "bố già" đã biến AC Milan thành siêu CLB đầu tiên trong lịch sử bóng đá thế giới và thậm chí còn có ảnh hưởng tới việc Premier League trở thành siêu giải đấu như ngày nay...
AC Milan sắp được chuyển giao hoàn toàn cho nhà đầu tư mới. Nhưng trong 3 thập kỷ trên cương vị ông chủ CLB, Silvio Berlusconi không chỉ làm được những điều không tưởng cho Rossoneri mà không quá nếu nói rằng "bố già" thậm chí đã góp phần định hình bóng đá thời hiện đại.
Nhưng ông thực hiện bằng cách nào?
Sáng ngày 8/7/1986, 10.000 người hâm mộ Milan tập trung tại sân vận động Arena Civica của thành phố. Trong buổi lễ, một người dẫn chương trình của kênh truyền hình Italia Uno nói với đám đông chờ đợi đang nhìn lên bầu trời, nơi 3 chiếc máy bay trực thăng Agusta bay lượn.
Những chiếc trực thăng hạ cánh trên sân và các cầu thủ Milan nhảy ra bên ngoài, dẫn đầu là đội trưởng Franco Baresi, tiếp theo là các quan chức CLB và đội ngũ huấn luyện (trong đó có Fabio Capello) và cuối cùng là chủ sở hữu mới của Rossoneri: Silvio Berlusconi.
Khi người dẫn chương trình lùi lại phía sau thì Berlusconi bước về phía trước nắm lấy micro. Vị chủ tịch nói ông là một Milanista trọn đời, điều không khác là mấy so với bất kỳ người hâm mộ Milan nào.
Vào thời điểm đó vẫn còn tồn tại những tin đồn cho rằng ông là một fan của Inter thời niên thiếu. Berlusconi muốn nhìn thấy sự trở lại của thứ bóng đá trình diễn và tin rằng, trên tất cả, bóng đá là một trò chơi đơn giản và dễ dàng.
Sau khoảng nửa giờ, khi cơn mưa mùa hạ mau hạt hơn, buổi lễ đã được cắt ngắn. Đám đông chạy đi tìm nơi trú ẩn, tất cả mọi người trở vào máy bay trực thăng, bay đến biệt thự của Berlusconi bên ngoài thành phố và để lại đằng sau một biểu ngữ với dòng chữ “Grazie Silvio!” (cảm ơn Silvio) đập trong gió.
Giai đoạn khó khăn
Vào đầu thập kỷ 80, tình hình không tốt với Milan. Năm 1980, Milan bị đẩy xuống Serie B trong nỗi ô nhục của vụ bê bối cá cược bất hợp pháp Totonero, chỉ một năm sau khi giành Scudetto lần thứ 10. Họ lên hạng ngay mùa sau nhưng chịu gánh nặng nợ nần và đấu tranh trong việc thu hút bất kỳ cầu thủ thuộc hàng khá nào, để rồi lại... xuống hạng một lần nữa.
Joe Jordan, người đến từ Man Utd trong mùa Hè năm 1981, tạo được rất ít ảnh hưởng trong mùa giải đầu tiên, nhưng bàn thắng của anh đã giúp Milan trở lại hạng đấu cao nhất Italia. Việc ký kết với Luther Blissett vào năm 1983 được đánh giá cao khi cựu cầu thủ Watford là cây ghi bàn hàng đầu châu Âu khi ấy.
Tuy nhiên, Blissett đã thất bại trong việc thích nghi với cuộc sống ở Serie A và gây ra cảm giác khổ sở cho Milan. Nhưng vẫn có dấu hiệu về một tương lai tươi sáng hơn khi Franco Baresi từ chối Inter để đảm nhận vai trò libero ở tuổi 18 và được ca ngợi như "Beckenbauer mới".
Bộ mặt tươi mới
Sự xuất hiện của Wilkins và Hateley (cựu cầu thủ Man Utd) vào năm 1984 đã được chào đón với sự nhiệt tình đáng ngạc nhiên, nhất là đem so với những người tiền nhiệm đồng hương.
“Họ giống như một hơi thở không khí trong lành. Họ là những tay chuyên nghiệp lớn, tên tuổi lớn vào thời điểm đó, họ đã có sự lạc quan tuyệt vời về mình. Đáng tiếc đây là quãng thời gian xấu. Milan chưa bao giờ ở mức tốt nhất khi họ có mặt tại đây”, Baresi nhớ lại.
Dưới sự dẫn dắt của HLV người Thụy Điển Nils Liedholm - một tiền đạo thanh lịch và là đội trưởng của Milan trong những năm 1950 - Milan cuối cùng cũng đã phần nào tìm lại được vị thế. Vào cuối năm 1985, họ leo lên nửa đầu bảng xếp hạng.
Tuy nhiên, ngoài sân cỏ, CLB là một mớ hỗn độn. Rõ ràng ông chủ Farina đã không có sức mạnh tài chính như ông luôn mạnh mồm "chém gió" trước đó. Các cầu thủ vẫn phải chờ tiền lương, trong khi tại Old Trafford, Chủ tịch Man Utd, Martin Edwards lo ngại về số tiền 600.000 bảng mà Milan vẫn còn nợ cho vụ Wilkins.
Dưới áp lực ngày càng tăng, cùng những nỗi lo rất thực tế rằng CLB có thể phá sản, Farina cuối cùng công bố trong tháng 12/1985 rằng ông sẽ đem bán Milan. Chỉ trong vòng một vài ngày, những câu chuyện trên báo chí bắt đầu xuất hiện với tuyên bố rằng Berlusconi sẽ chiếm lấy Rossoneri.
Sinh tại Milan vào năm 1936, Berlusconi từng hát dạo ở bến tàu, là nhân viên tổ chức đám cưới và nhân viên bán hàng tận nhà cho đến khi làm nên tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản, tạo ra thị trấn mới Milano Due (một vùng ngoại ô thuộc thủ phủ của Lombardia).
Berlusconi sau đó chuyển hướng sang kinh doanh truyền thông, trong đó công ty mẹ Fininvest của ông đã thu bộn tiền khi thị trường đang phát triển truyền hình cáp vào cuối những năm 1970.
Năm 1980, Berlusconi mua bản quyền giải Mundialito, thi đấu ở Uruguay để kỷ niệm 50 năm World Cup lần đầu tiên. Các trận đấu được phát sóng Canale 5 của mình với các phần quảng cáo kéo dài tới 15 phút. Tới năm 1984, ông tiến hành phát 3 kênh quốc gia.
Bước lên ngai vàng Milan
Khi bắt đầu đàm phán với các đối tác của Farina, đội ngũ luật sư của Berlusconi đã bị sốc bởi tình trạng hiểm nghèo về tài chính của CLB. Trong 3 năm, nợ của Milan đã tăng gấp 3 và cảnh sát Italia có lý do để điều tra về mối nghi ngờ biển thủ công quỹ.
Farina rời bỏ đất nước, để lại chủ tịch lâm thời 71 tuổi Rosario Lo Verde phải gắng gượng tìm cách gõ cửa các ngân hàng khác nhau để đảm bảo một khoản vay giúp duy trì sự sống cho CLB. Lúc ấy, Berlusconi ngồi vào bàn đàm phán, muốn mua với giá rẻ và chờ đợi một thỏa thuận bản quyền truyền hình mới của Serie A để kích hoạt sau dịp Năm mới.
Những biểu ngữ đã bắt đầu xuất hiện trên khán đài Curva Sud, nơi tập trung các ultras của CLB: “Silvio, Milan yêu bạn”, “Silvio, cứu chúng tôi khỏi sự xấu hổ này”, “Silvio, hãy thoát khỏi xã hội của những tên trộm này”.
Một đề nghị 40 triệu lire (tiền cũ của Italia) cuối cùng đã được đệ trình, đến ngày 10/2/1986, một thỏa thuận đạt được cho phép Berlusconi trở thành chủ tịch thứ 20 của Milan.
Với chút thời gian còn lại của mùa giải hiện tại, Berlusconi đã nhanh chóng đầu tư vào các cầu thủ mới. Có nhiều tin đồn về việc ký kết với Diego Maradona, nhưng những “lô hàng” đầu tiên lại đều là các tuyển thủ quốc gia Italia.
Không ai trong số họ là ngôi sao lớn, song Berlusconi có đủ tiền để giúp người hâm mộ phải chau mày về khâu chuyển nhượng. Và quan trọng, ông có đủ tiền để câu chuyện tồi tệ: cầu thủ dài cổ đợi lương, không tái diễn.
Theo Baresi, sau 5 năm hỗn loạn và tranh đấu, các cầu thủ đã bắt đầu cảm thấy yêu thích: “Đúng là có một cảm giác thực sự về một người mà có thể thay đổi mọi thứ. Ông ấy có thể đưa chúng tôi lên một cấp độ, giúp chúng tôi cạnh tranh một lần nữa, không chỉ ở Italia mà cả ở châu Âu”.
(Còn nữa)