FIFA: Ai là “sâu”? Ai là người?
Sepp Blatter vẫn cứng giọng sẽ vượt qua sóng dữ. Worawi Makudi thông qua luật sư tuyên bố sẽ kháng án đến cùng, tương tự Michel Platini trước đó. Người Đức cũng khẳng định họ nhận được quyền đăng cai World Cup 2006 đường đường chính chính, không có chuyện bỏ tiền mua phiếu như tờ Der Spiegel đăng tải và dọa kiện tờ tuần báo này.
Đương nhiên, không có lửa làm sao có khói nhưng chừng nào các cuộc điều tra chưa có thông cáo chính thức thì chừng đó những cái tên bị “treo ghế” vẫn trong sạch. Và đương nhiên, chẳng ai dại gì cúi đầu thừa nhận khi mà mọi thứ vẫn chưa rõ ràng, trong trường hợp họ “nhúng chàm”.
Câu hỏi quan trọng hơn cả việc Blatter hay những người kia có bị buộc tội hay không, là sau khi cơn bão tan: FIFA sẽ cải tổ thế nào, thế hệ lãnh đạo kế nhiệm có lấy lại được niềm tin hay không?
Theo Thomas Bach, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Quốc tế cho rằng “FIFA cần phải nhận thức đây là câu chuyện không chỉ là danh sách ứng cử viên thay thế gồm những ai. Đây là vấn đề của cấu trúc và sẽ không giải quyết đơn giản bằng mỗi việc bầu ra chủ tịch mới”. Theo Bach, FIFA hoặc cần “đẩy nhanh và thực hiện triệt để hơn quá trình cải cách”, hoặc “mở cửa cho một ứng viên ngoại đạo đáng tin cậy về tính trung thực nhằm thực hiện những cuộc cải cách cần thiết và mang lại sự ổn định cũng như độ tin cậy cho FIFA”.
Quan điểm của Bach là FIFA phải dừng nỗ lực vá víu, sửa chữa từng phần bởi đó chỉ là giải pháp mang tính chữa cháy. Họ cần phải đập bỏ hết tàn dư cũ, xây dựng lại mạnh mẽ, vượt trội hơn và chào đón những ứng cử viên cho chiếc ghế chủ tịch mà không sa lầy vào cuộc chơi chính trị của FIFA. Ngoài ra, FIFA cần thiết lập quy định khác trong Ban chấp hành, bởi trong nhiều thập kỷ trở lại đây, đây là điểm đến bằng mọi cách của những quan chức hàng đầu với quan điểm bỏ khỏi đầu tiêu chuẩn đạo đức để thu lợi cá nhân mọi cách, và nhiều nhất có thể.
Nhưng ai sẽ đứng lên cầm cái búa để đập nát vụn đến viên gạch cuối cùng của ngôi nhà FIFA đã và đang bị đục khoét? Bởi ngay chiến dịch phanh phui hiện tại bị nhìn nhận như thuyết âm mưu giữa nhiều thế lực thay vì mục đích cao cả và trong sáng.
Q. Nguyên