Nhật Bản và tham vọng "chạm đỉnh" thế giới: Giấc mơ không đánh thuế
Kỳ tích của đội quân tóc dài Nadeshiko khi đó đã làm dấy lên cơn sốt bóng đá nữ ở Nhật Bản và sự quan tâm tôn trọng dành cho chị em chơi bóng cũng tăng lên đáng kể.
Tập đoàn khổng lồ Sumitomo Mitsui đã đứng ra làm nhà tài trợ chính của giải VĐQG bóng đá nữ Nhật Bản. Tiền vệ Homare Sawa trở thành cầu thủ nữ đầu tiên nhận được hợp đồng quảng cáo, với hãng Coca Cola. Việc xây dựng mô hình CLB đá nữ trong các trường trung học ở Nhật cũng bùng nổ mạnh mẽ. Riêng tại Tokyo, đã có 40/300 trường trung học có CLB bóng đá nữ, bên cạnh các CLB của cầu thủ nam. Và khi tuyển nữ Nhật Bản đá với ĐT Bắc Triều Tiên vào ngày 08/09/2011, tỷ lệ khán giả theo dõi trận đấu qua ti-vi lên tới 25,2%, thậm chí còn cao hơn mức 20,9% lượng khán giả theo dõi trận đấu của ĐT nam Nhật Bản đá với Uzbekistan trước đó 2 ngày.
Nếu việc Tuyển nữ Nhật Bản vô địch ở World Cup cách đây 5 năm là một câu truyện cổ tích thì giờ sự phát triển và duy trì điều đó ở quốc gia này vẫn được làm cực tốt. Việc các nữ cầu thủ Nhật Bản lần thứ 2 liên tiếp vào chơi trận CK World Cup hồi tháng 07 năm ngoái là một minh chứng. Và khỏi phải nói, điều này cũng là sự khích lệ tinh thần rất lớn với các nam đồng nghiệp và kể cả các VĐV ở những môn thể thao khác. Chưa ai quên, hồi tháng 09 năm ngoái ĐT bóng bầu dục Nhật Bản cũng làm nên điều phi thường khi quật ngã tượng đài Nam Phi ở giải VĐTG. Chiến thắng đó cũng giống như giấc mơ được mong chờ một lần sẽ thành sự thật, cách đây 15-20 năm, rằng ĐT bóng đá nam sẽ một lần đánh bại Tuyển Brazil. Giờ thì điều đó vẫn chưa thành hiện thực. Ở 11 lần đối đầu Brazil, thành tích tốt nhất của Tuyển Nhật chỉ là 2 trận hòa. Nhưng nếu trong quá khứ Nhật Bản từng nhìn vào Brazil làm hình mẫu học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, học tập các phẩm chất kỹ thuật, để từ đó áp dụng nhằm phát triển mô hình bóng đá trong nước, thì nhiều năm qua người Nhật không còn dập theo một cái khuôn cứng nhắc. Nói cách khác, người Nhật hiểu rõ rằng, nếu mãi “copy” một ai đó thì bạn chỉ là con robot.
Điều đó lý giải vì sao nhiều HLV, các chuyên gia từ nhiều quốc gia khác, từ các nền bóng đá hàng đầu khác, với các triết lý và tư duy cũng khác nhau đã được mời về làm việc. Đó là cách để người Nhật học hỏi, nắm bắt các tinh hoa của mỗi trường phái bóng đá để từ đó tìm ra hướng đi tốt nhất cho chính mình. Tất nhiên, mục tiêu sau cùng của sự cầu thị, tinh thần học hỏi và nỗ lực phấn đấu, rèn luyện không biết mệt mỏi ấy cũng không còn là việc 1 lần đánh bại được Brazil nữa. Mà người Nhật hiểu rằng họ có đủ nền tảng, tố chất và nhiều điều kiện hỗ trợ khác để vươn tới đỉnh cao nhất, cụ thể là biến giấc mơ vô địch World Cup bóng đá nam từ trong truyện tranh thành sự thật ngoài đời. Hãy nhớ, khi người Nhật đã đặt ra chỉ tiêu nhiệm vụ, họ sẽ không ngừng nghỉ phấn đấu cho tới lúc hoàn thành. Có lẽ, sẽ còn hơn cả chuyện thần tiên nếu một ngày nào đó Tuyển Nhật chạm vào Cúp vàng thế giới. Nhưng đâu có ai đánh thuế giấc mơ và thử hỏi ai dám đánh giá thấp “tinh thần, ý chí Nhật Bản”?