Giang Tô Suning của Trung Quốc đã phải đóng cửa như thế nào?
Suning là gã khổng lồ bán lẻ có các cửa hàng bách hóa trên khắp các thành phố Trung Quốc. Họ đầu tư bóng đá tương đối muộn vào năm 2015 nhưng đã sớm bắt kịp các đối thủ khác về chi tiêu.
Jiangsu Suning chi rất nhiều tiền để đem về Ramires từ Chelsea, Alex Teixeira từ Shakhtar Donetsk, bổ nhiệm Fabio Capello làm huấn luyện viên.
Trước khi giành được chức vô địch Super League Trung Quốc, Jiangsu trở thành chủ đề được quan tâm trên các phương tiện truyền thông vào năm 2019 khi suýt đạt thỏa thuận cho Gareth Bale. Cuộc chuyển nhượng thất bại vào phút chót và đó có lẽ là thương vụ bỏ lỡ may mắn.
Jiangsu, với số lượng khán giả trung bình hơn 27.000 người vào năm 2019, thua lỗ nghiêm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid. Trong khi đó, Suning, công ty đã mua phần lớn cổ phần của CLB Inter Milan tại Serie A vào năm 2016, đang phải trả giá cho việc “vung tay quá trán”.
Việc không có doanh thu khi thi đấu khiến CLB ngày càng thua lỗ và các chủ sở hữu phải hành động. Tháng trước, cổ đông lớn nhất của Suning, Zhang Jindong, thông báo công ty sẽ cắt giảm các mảng kinh doanh không bán lẻ nhưng họ không thể tìm được người mua cho Jiangsu, với khoản nợ khoảng 67 triệu bảng, mặc dù giá chào bán là 1 xu. Không có sự giúp đỡ từ thành phố, kết cục dành cho Giang Tô được định sẵn.
Ngoài Giang Tô, Tianjin Tigers (Thiên Tân), một trong những CLB lâu đời nhất của Trung Quốc, cũng nhiều khả năng chịu chung số phận. Theo truyền thông địa phương, chủ sở hữu Teda đã rút các khoản đầu tư của mình khiến CLB khó tránh khỏi bị đóng cửa.
Rõ ràng, từ vụ việc của Giang Tô và Thiên Tân, Liên đoàn bóng đá Trung Quốc đã nhận ra một thực tế là phải loại bỏ sự phụ thuộc gần như hoàn toàn vào việc bơm tiền mặt từ các doanh nghiệp lớn, buộc các CLB phải trở nên bền vững và chuyên nghiệp hơn.