Hiểu hơn về TTCN: Thành Rome xây không xong một ngày!
Từ vô tổ chức tới quy định ban đầu của FA
Thuở ban đầu, tình hình rõ ràng rất hỗn loạn: cầu thủ muốn đá 1 hay nhiều trận cho bất kỳ CLB nào tùy thích. Mãi tới năm 1893, FA mới giới thiệu hệ thống chuyển nhượng cón tồn tại đến ngày nay nhằm quản lý tốt các cầu thủ chuyên nghiệp. Theo đó, mọi cầu thủ chuyên nghiệp đều phải đăng ký với FA trước mùa bóng mới được phép thi đấu và không được quyền chuyển đội giữa chừng mà không được FA phê chuẩn. Nhưng do ban đầu chưa hoàn hiện, quy định có những khác biệt so với nay.
Trước hết, một khi ký với đội nào, cầu thủ bị ràng buộc hẳn với đội đó. Vì vậy, nếu từ chối ký hợp đồng mới ở đầu mùa bóng, cầu thủ sẽ không được đá cho đội khác, nếu chưa được CLB chủ quản cho phép. Cầu thủ cũng không được quyền thương lượng hợp đồng, nên CLB có thể giảm lương mà không sợ mất quân. Trên tinh thần đó, Jack Southworth từ Blackburn đến Everton năm 1893 với giá 400 bảng được ghi nhận như vụ mua bán đầu tiên liên quan tới cầu thủ chuyên nghiệp.
Mức lương và tiền lót tay đẩy phí chuyển nhượng lên cao
Đến tháng 9/1893, Derby đề xuất điều khoản mới: cầu thủ chỉ hưởng lương tối đa 4 bảng/tuần. Hầu hết không để tâm tới việc này, vì thời đó, phần lớn cầu thủ còn có nghề khác. Dù vậy, một phần nhỏ cảm thấy họ xứng đáng được nhận tới 10 bản/tuần, nên thành lập Hiệp hội cầu thủ (AFU) nhằm đấu tranh cho quyền lợi của mình như cho phép cầu thủ cũng được quyền thương lượng hợp đồng và kiến nghị nếu phí chuyển nhượng vượt quá 10 bảng thì phần dôi ra chẳng cần phải trả cho CLB.
Những thay đổi đó đưa thị trường chuyển nhượng tới diện mạo như bây giờ, vì các CLB phải trả giá cao mới kiếm được những cầu thủ hay nhất. Hàng loạt kỷ lục chuyển nhượng ra đời, chóng mặt tới mức năm 1908, Football League từng đề ra giá trần của một cầu thủ là 350 bảng, nhưng trên có chính sách, dưới có đối sách, các CLB đã gộp thêm cầu thủ vô dụng vào cùng vụ chuyển nhượng để lách luật.
Và tới năm 1920, khi có quy định không cho cầu thủ nhận tiền lót tay do phát sinh hiện tượng cầu thủ liên tục đổi CLB để hưởng lợi, có đội nảy sáng kiến cho cầu thủ kiếm thêm thu nhập bằng cách thu xếp cho họ một công việc nào đó, hoặc nhận tiền nhuận bút từ các bài báo không phải do họ viết… Tới tháng 5/1925, lịch sử chuyển nhượng có thêm cột mốc mới, khi Charlie Buchan từ Sunderland tới Arsenal trong vụ giao dịch khá phức tạp: Arsenal trả cho Sunderland 2.000 bảng, nhưng phải trả thêm 100 bảng cho mỗi bàn thắng mà Buchan ghi cho Arsenal ở mùa đầu tiên. Đấy chính là ngày mà hợp đồng mua bán có thêm điều khoản phụ.
Luật Bosman và cửa sổ chuyển nhượng ra đời
Sau hơn nửa thế kỷ tưởng chừng hoàn hảo, thị trường chuyển nhượng lại có điều chỉnh từ năm 1995, khi cầu thủ Bỉ Jean-Marc Bosman đi vào lịch sử. Nguyên nhân là do khi hợp đồng của Bosman với R.F.C. de Liege sắp kết thúc thì anh muốn sang Dunkerque, nhưng CLB Pháp không muốn trả phí chuyển nhượng 500.000 bảng như đội bóng Bỉ mong muốn. Vậy là Bosman bị bỏ rơi và giảm lương 75% do không thi đấu. Sau thời gian dài kiện cáo, Bosman giành chiến thắng vào ngày 15/12/95 khi Tòa án Tối cao châu Âu cho phép cầu thủ được quyền tự do ra đi khi hết hợp đồng.
Gần thập niên sau, thị trường chuyển nhượng càng “hiện đại” hơn khi UEFA đề ra khái niệm “cửa sổ chuyển nhượng” cho mùa 2002/03. Từ đây, hầu hết các giải VĐQG ở châu Âu đều có 2 “cửa sổ chuyển nhượng”: mùa hè khép lại ngày 31/8 và mùa đông diễn ra suốt tháng 1. Tuy nhiên, FIFA tỏ ra nương tay với các cầu thủ đang thất nghiệp khi cho phép họ được ký hợp đồng với CLB vào bất cứ lúc nào.
Cáo chung quyền đồng sở hữu và sự tồn tại của bên thứ 3
Đến trước mùa 2014/15, thị trường chuyển nhượng lại chứng kiến 2 thay đổi quan trọng, mà chủ yếu do một tác nhân gây ra. Đấy là quyền sở hữu của bên thứ 3 bị chủ tịch FIFA lúc đó là Sepp Blatter khai tử vào tháng 9/2014. Đây là vấn đề gây tranh cãi từ năm 2006, khi Media Sports Investment tham dự vào vụ chuyển nhượng Carlos Tevez và Javier Mascherano từ Corinthians sang West Ham.
Do nghe tiếng gió nên từ trước đó vào tháng 5/2014, LĐBĐ Italia tuyên bố hủy bỏ quyền đồng sở hữu cầu thủ ở mọi giải đấu, vì có sự tương đồng nhất định với quyền sở hữu cầu thủ của bên thứ 3. Đây là một thiệt thòi cho các CLB Italia và cũng là một tổn thất đáng tiếc cho thị trường chuyển nhượng, vì mất một hình thức đặc sắc ở nơi cho phép 2 CLB cùng được sở hữu và trả lương cho 1 cầu thủ trong giai đoạn nhất định, trước lúc bỏ phiếu kín để “đấu giá mù” nhằm xác định cầu thủ chuyển hẳn về đội nào trả giá cao hơn.
Minh Châu