Hồ sơ đối thủ Malaysia Phần 1: Khi Datari so tài với Maradona
(Thethao24.tv) –Malaysia là một đất nước khá non trẻ, nhưng lại có truyền thống bóng đá lâu đời vì từng là một phần của Đế chế Anh. Truyền thống đó, cộng thêm trình độ phát triển kinh tế khá cao (so với khu vực) và sự ủng hộ nhiệt thành của nhà lãnh đạo Tunku Abdul Rahman đã đưa bóng đá Malaysia đến một giai đoạn hoàng kim trong khoảng 20 năm giữa thế kỷ trước, đặc biệt là thập niên 1970.
Non tuổi đời, giàu truyền thống.
So với phần còn lại của Đông Nam Á thì Malaysia là một quốc gia còn tương đối non trẻ. Trong khi những Việt Nam, Indonesia, Philippines, Myanmar… đã tuyên bố độc lập từ thập niên 40 của thế kỷ trước (Thái Lan thậm chí còn sớm hơn nữa), mãi đến năm 1963 thì nhà nước Malaysia mới chính thức ra đời sau sự kết hợp của Malaya, North Borneo, Sarawak và Singapore (về sau Singapore tách ra thành một quốc gia độc lập). Tuy nhiên, xét về truyền thống bóng đá thì Malaysia không thua kém bất kỳ nước nào trong số những cái tên kể trên, bởi ngay từ đầu thế kỷ 19 – chính xác là sau hòa ước Anh – Hà Lan năm 1824 – thì người Anh đã bắt đầu hiện diện tại bán đảo Malay và đương nhiên họ sẽ mang theo mình thứ “đặc sản” mang tên bóng đá.
Cuối thế kỷ 19 là giai đoạn mà đế chế Anh đạt đến đỉnh cao và các nhà buôn, kỹ sư, công nhân, nhà ngoại giao… người Anh có mặt ở khắp nơi trên địa cầu, từ Bắc Âu (chính vì họ ở gần nước Anh và tiếp thu tư duy bóng đá Anh từ rất sớm mà Na Uy, Thụy Điển… mới hình thành phong cách bóng đá kiểu Anglo-Saxon như hiện nay) tới Trung Âu (vì ở xa nước Anh hơn và không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi văn hóa bóng đá Anh nên lối chơi của Italia, Áo, Hungary… cũng có nhiều điểm khác biệt), từ Nam Mỹ đến Đông Nam Á. Tại Đông Nam Á, Malaya và North Borneo (cùng với Myanmar) là những vùng đất hiếm hoi thuộc quyền sở hữu của người Anh và không có gì ngạc nhiên khi bóng đá được du nhập vào đây sớm hơn những nơi khác. Từ cuối thế kỷ 19, bóng đá đã là môn thể thao được ưa chuộng nhất trong các CLB thể thao ở Malaya và vào năm 1921 thì Malaya Cup – giải đấu có sự góp mặt của tất cả các tiểu bang tại Malaya – đã ra đời. Đến năm 1926, giải VĐ bang Selangor được thành lập và bóng đá ở đây dần trở nên quy củ, chuyên nghiệp hơn hẳn. Công rất lớn trong quá trình chuyên nghiệp hóa đó thuộc về những người Anh, mà bằng chứng 9 đời Chủ tịch đầu tiên của LĐBĐ Malaya (FAM) đều đến từ hòn đảo hình con thỏ (lần lượt là Sir Andrew Caldecott, M.B.Shelley, J.S.Webster, S.D.Scott, R.Williamson, J.E.King, Adrian Clark, H.P.Byson và C.Rawson).
Nền móng thành công
Trong cuốn sách nổi tiếng “Soccernomics”, hai tác giả Simon Kuper và Stefan Szymanski đã đưa ra kết luận rằng thành tích của một ĐTQG trên đấu trường quốc tế phụ thuộc nhiều vào 3 yếu tố là dân số, GDP bình quân đầu người và truyền thống bóng đá. Về dân số thì Malaysia không nổi trội so với các nước láng giềng, nhưng xét trên 2 tiêu chí còn lại thì quốc gia này đều thuộc hàng “có số má”, đặc biệt là trong quãng thời gian giữa thế kỷ 20. Không nói đâu xa, Cúp Merdeka (được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1957) chính là giải đấu cấp ĐT lâu đời bậc nhất châu Á, chỉ ra đời sau Cúp châu Á một năm và đã đóng vai trò hình mẫu cho khá nhiều giải đấu Cúp khác. Jakarta Anniversary (Indonesia), King’s Cup (Thái Lan) hay President’s Cup (Hàn Quốc) đều lấy cảm hứng từ Cúp Merdeka, tuy nhiên Merdeka vẫn là cuộc tranh tài thu hút được nhiều sự chú ý nhất, đặc biệt là trong giai đoạn 1950-80, khi mà các ĐT đều cử đội hình mạnh nhất đến tham dự.
Cộng thêm sự hậu thuẫn từ phía Tunku Abdul Rahman, người đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch FAM từ năm 1951 cho tới tận năm 1974, thì chuyện ĐT Malaysia liên tiếp gặt hái thành công là một điều khá dễ hiểu. Xin nhắc lại, Tunku Abdul Rahman không phải là một người bình thường. Ông thuộc dòng dõi hoàng tộc (con trai thứ 7 của Sultan Abdul Hamid Halim Shah), là chính trị gia nổi tiếng tại Malaysia, từng giữ cương vị Thủ tướng Malaya trong giai đoạn 1957-1963 và Thủ tướng Malaysia (sau khi Sarawak, North Borneo và Singapore sát nhập vào Malaya) trong quãng thời gian từ 1963-70. Bên cạnh đó thì ông cũng cực kỳ đam mê bóng đá, từng chơi ở vị trí tiền đạo cánh phải của đội bóng trường Cambridge trong quãng thời gian du học Anh và từng ngồi ghế Chủ tịch LĐBĐ châu Á (AFC) trong suốt gần 20 năm từ 1958-76. Chính Tunku Abdul Rahman đã quyết tâm xây dựng sân vận động Merdeka để làm địa điểm tổ chức Cúp Merdeka, và một phần nhờ ảnh hưởng chính trị của ông mà FAM trở thành 1 trong 14 thành viên sáng lập AFC năm 1956 cũng như thành viên chính thức của FIFA 2 năm sau đó. Sự hỗ trợ từ giới chính trị luôn có giá trị vô cùng to lớn đối với các đội bóng, cứ nhìn những lợi thế mà Real Madrid có được dưới thời tướng Franco thì biết.
Thập niên vàng
Sau một quãng thời gian khá dài xây đắp nền móng, bóng đá Malaysia đã bước vào thời kỳ hoàng kim trong những năm 1970. Họ đã vượt qua Nhật Bản và Hàn Quốc để lọt vào Olympic 1972 tại Munich, nơi Malaysia đánh bại Mỹ 3-0 (8 năm sau đó, Malaysia sẽ còn giành quyền tham dự Olympic thêm một lần nữa, nhưng lần này họ quyết định tẩy chay Olympic 1980 tại Moscow). Dù không thành công trong chiến dịch vòng loại World Cup, Malaysia lại chơi rất tốt trong khuôn khổ các giải đấu cấp châu lục với một tấm HCĐ Asiad 1974 môn bóng đá, hai lần góp mặt ở VCK Cúp châu Á các năm 1976, 1980 và 3 chức VĐ Cúp Merdeka vào các năm 1973, 1974, 1976.
Quá trình thăng hoa của bóng đá Malaysia một phần xuất phát từ những lý do mang tính ngẫu nhiên như sự xuất hiện của các ngôi sao Mokhtar Datari, Hassan Sani, nhưng cũng đến từ những thay đổi trong cách làm bóng đá của FAM. Cho đến trước thập niên 70 của thế kỷ trước, chỉ có những cầu thủ đang thi đấu tại bán đảo Malaysia (phần phía Tây của đất nước) mới được triệu tập vào ĐT. Các cầu thủ chơi bóng tại những bang miền Đông gần như hoàn toàn bị phớt lờ bởi vào thời đó thì việc di chuyển từ phía Tây sang phía Đông Malaysia (cách nhau một eo biển) là điều tương đối khó khăn, dân cư ở miền Đông lại thưa thớt và giới truyền thông không chú ý nhiều tới hoạt động thể thao tại miền Đông. Tuy nhiên đến những năm 1970 thì FAM đã bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm nhân tài ở miền Đông và cử các chuyên gia săn lùng tài năng sang đây. Kết quả đã đến khá nhanh chóng: James Wong trở thành cầu thủ miền Đông đầu tiên được gọi lên tuyển và ông hợp với Datari (người được đánh giá là một trong những cầu thủ hay nhất châu Á trong thập niên 70, từng có dịp đối đầu với Diego Maradona và từng ghi một bàn thắng không tưởng từ giữa sân vào lưới ĐT Anh “B”, lúc đó đang được HLV huyền thoại Bobby Robson dẫn dắt), Sani thành bộ ba kỳ ảo trên hàng công Malaysia. Tuy nhiên đáng tiếc là cuộc vui nào thì cũng có lúc tàn, và thập niên 80 của thế kỷ trước là thời điểm mà bóng đá Malaysia bắt đầu đi xuống…
Thanh Quang