Juventus Stadium - Mô hình thoát nghèo cho Serie A
Sau 5 năm mở cửa, sân Juventus đón gần 5 triệu lượt CĐV và mang về doanh thu 200 triệu euro cho CLB. Rõ ràng, đây là mô hình cần nhân rộng nếu Serie A muốn thoát nghèo.
Hơn cả một sân bóng…
Ngày 8/9/2011, khi pháo hoa thắp sáng Juventus Stadium, Chủ tịch Andrea Agnelli tuyên bố: “Chào mừng đến ngôi nhà mới” và Juventus đá giáo hữu với Notts County, một chương mới đã mở ra trong lịch sử CLB giàu truyền thống bậc nhất Italia.
Ngày ấy, Juventus trở thành CLB đầu tiên tại Serie A sở hữu sân bóng riêng, được xây dựng mới tinh, theo mô hình những SVĐ hiện đại bậc nhất ở châu Âu mà cụ thể là sân Allianz của Bayern Munich.
Juventus Stadium với sức chứa khá khiêm tốn, 41.500 chỗ, và chi phí đầu tư xây dựng chỉ vào khoảng 150 triệu euro - bao gồm cả Viện bảo tàng mới của CLB trong khuôn viên tổ hợp SVĐ. Tuy vậy, mọi tiện ích của một SVĐ hiện đại có thể dễ dàng tìm thấy ở đây.
Từ việc tận dụng năng lượng mặt trời, tái sử dụng nước mưa, giảm thiểu rủi ro hỏa hoạn và khí nhà kính, cho đến việc không thải ra môi trường chất thải hóa học hay gây ra tiếng ồn khó chịu …, có thể hiểu vì sao UEFA đã xếp hạng Juventus Stadium là sân 4 sao (cao nhất là 5 sao).
Và một khi đặt chân đến Juventus Stadium, các CĐV không chỉ được thưởng thức những trận đấu hấp dẫn, “thật mắt” hơn khi những khán đài được kéo gần lại với mặt sân (giống các sân bóng ở Anh), mà họ còn có thể thoải mái mua sắm từ đồ lưu niệm đến các sản phẩm thời trang xa xỉ trong một trung tâm rộng lớn với hơn 60 gian hàng. Ngoài ra CĐV còn có thể tham quan Bảo tàng CLB, nghỉ ngơi thư giãn tại hai quầy Bar và ba nhà hàng.
Thống kê cho thấy chỉ riêng mùa giải năm ngoái, bên cạnh những trận đấu diễn ra ở đây, hơn 140 sự kiện khác đã được tổ chức và mỗi sự kiện là một ngày hội với CĐV, khách du lịch thăm quan. Chẳng nói đâu xa, ngay Bảo tàng CLB đã mang về trung bình mỗi năm 1,5 - 1,8 triệu euro doanh thu.
Nhà mới bới ra tiền
Một SVĐ mới tinh, toàn quyền sở hữu của CLB, nằm trong một tổ hợp dịch vụ hiện đại chính là nguồn cảm hứng giúp Juventus khởi đầu một chương mới đẹp nhất trong lịch sử với 5 chức VĐ Serie A liên tiếp kể từ mùa 2011/12.
Và quan trọng hơn, đây chính là bước ngoặt giúp “Bà đầm” bỏ lại sau lưng những năm tháng khó khăn về tài chính sau scandal Calciopoli Hè 2006, qua đó từng bước tự chủ ngân sách, liên tục phá kỷ lục doanh thu mỗi mùa và vững vàng trên cương vị đội bóng kiếm tiền giỏi nhất Italia.
Thật vậy! Doanh thu từ tiền bán vé trận đấu, khai thác thương mại dịch vụ ở các tiện ích khác bên trong tổ hợp Juventus Stadium đã tăng 4 lần trong 5 năm qua. Tính ra, sau 5 năm kể từ ngày chính thức khánh thành ngôi nhà mới, “Bà đầm” thu về 200 triệu euro. Còn Juventus Stadium đón tiếp tổng cộng gần 5 triệu lượt CĐV vào xem các trận đấu.
Tỷ lệ lấp sân mỗi khi Juventus thi đấu trong ngồi nhà mới lên tới 95%, trong đó có 6% là CĐV đến từ nước ngoài đã đặt vé xem cả mùa. Con số trên quá đỗi ấn tượng nếu biết rằng trong khoảng thời gian cùng kỳ, tỷ lệ lấp sân của CLB còn lại ở Serie A chỉ là 55%.
Cách đây 1 tuần, Juventus công bố doanh thu của CLB ở mùa giải 2015/16 và đó tiếp tục là một kỷ lục nữa, không chỉ với riêng đội bóng áo sọc Đen-Trắng mà là cả Serie A. Cụ thể, mùa vừa qua Juve thu về 353 triệu euro, tăng 25 triệu so với kỷ lục cũ ở mùa 2014/15 (328 triệu).
Nếu so sánh với mùa 2011/12 khi Juve bắt đầu khai thác SVĐ mới (đạt 199 triệu euro) thì doanh thu của CLB đã tăng 1,77 lần trong 5 năm qua. Còn so sánh với những CLB xếp ngay sau ở mùa vừa rồi như Roma, Milan (xấp xỉ 220 triệu euro), doanh thu của Juve cũng cao gấp hơn 1,5 lần.
Giờ thì Juventus là đại diện Italia duy nhất góp mặt trong Top 10 CLB đạt doanh thu cao nhất tính riêng trong năm 2015, với 325 triệu euro. Dẫu vậy, “Bà đầm” vẫn chỉ xếp thứ 10 - kém xa đội dẫn đầu Real Madrid, 578 triệu euro.
Rõ ràng, Serie A cần nhân rộng hơn nữa những “mô hình Juve” - bắt đầu từ việc xây dựng một SVĐ riêng, hiện đại, nhằm kéo khán giả trở lại và khai thác tối đa các dịch vụ thương mại liên quan, từ đó tái đầu tư trở lại đội hình nhằm tăng tính cạnh tranh không chỉ ở giải đấu quốc nội mà còn ở đấu trường châu Âu.
Bài học thành công của người Anh vẫn còn nóng hổi, mà gần nhất là việc Liverpool mới đầu tư tới 115 triệu bảng (135,7 triệu euro) chỉ để cải tạo nâng cấp khán đài chính của sân Anfield, qua đó tăng sức chứa của nó thêm 8.500 chỗ và giờ sân nhà của The Kop có sức chứa gần 5,5 vạn chỗ.
Tín hiệu vui đó là không chỉ các đội bóng lớn khác ở Serie A như Milan, Inter hay Roma, Napoli mà ngay cả những Fiorentina, Udinese, Atalanta hoặc Bologna đã ý thức được điều đó, khi bắt đầu triển khai kế hoạch xây sân riêng hoặc chí ít cũng cải tạo hiện đại những sân bóng hiện tại.
Tất cả, hứa hẹn sẽ mang đến diện mạo mới cho Serie A, một hy vọng cho kế hoạch chấm dứt cảnh “nghèo đói” vì thu nhập kém, khó khăn tài chính, khán giả quay lưng và chất lượng giải đấu giảm sút.
Hãy chờ xem!
Xây nhà theo Juventus
1. Fiorentina không cải tạo sân Franchi mà đã quyết định xây một SVĐ riêng hiện đại, theo mô hình sân mới xây ở Bordeaux phục vụ cho EURO Hè vừa qua. Dự kiến sân mới của Fio có sức chứa 4 vạn chỗ, khánh thành vào Hè 2020.
2. Cagliari đã khởi động kế hoạch xây sân riêng với sức chứa 21.000 ngồi, trị giá 55 triệu euro nhưng vẫn hội đủ điều kiện để tổ chức một trận đấu trong khuôn khổ Champions League.
3. Napoli sẽ trùng tu cải tạo sân San Paolo trở thành một trong những sân hiện đại nhất Italia, với sức chứa 55.000 chỗ.
4. Roma đã thông qua kế hoạch xây SVĐ mới và sẽ triển khai cuối năm nay, không dùng chung sân Olimpico với Lazio. Sân mới sẽ có sức chứa 55.000 chỗ nằm trong tổ hợp bao gồm trung tâm mua sắm, giải trí rộng 10.000 mét vuông.
5. Milan sắp triển khai xây sân mới với sức chứa 48.000 chỗ và sẽ đưa vào sử dụng từ mùa 2018/19.
6. Inter đang nghiên cứu xây sân mới với sức chứa 66.000 chỗ, với giá trị lên tới trên 500 triệu euro, theo mô hình các sân Allianz và Emirates.