LỊCH SỬ: Trọng tài cầu cứu "máy móc" trong giải đấu của FIFA
Lần đầu tiên trong lịch sử, FIFA cho phép các trọng tài tham khảo ý kiến từ công nghệ video tại Club World Cup - giải đấu vừa bắt đầu tại Nhật Bản từ 8/12.
FIFA Club World Cup quy tụ 6 CLB vô địch của 6 châu lục cùng với nhà vô địch của nước chủ nhà. Nó diễn từ ngày 8 đến 18/12 tại Yokohama, Nhật Bản.
Đây là giải đấu mà LĐBĐ thế giới chính thức áp dụng công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) - điều mà họ từng thử nghiệm ở 2 trận giao hữu cấp ĐTQG mới đây đó là những trận đấu lớn giữa Pháp - Italia và Italia - Đức. Cụ thể, trọng tài chính sẽ được quyền tham khảo ý kiến của những trợ lý trọng tài video về các tình huống nghiêm trọng trên sân (thẻ đỏ, bàn thắng, phạt đền) trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Các trợ lý trọng tài video (ít nhất 2 người) có nhiệm vụ làm rõ khúc mắc của đồng nghiệp trên sân và góp ý. Dĩ nhiên trọng tài chính vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Video trọng tài dừng trận đấu để sử dụngcông nghệ video tại Club World Cup
Chưa bao giờ FIFA cho phép điều này trong các giải đấu do LĐBĐ thế giới tổ chức. Tuy nhiên rất nhanh chóng lịch sử đã được sang trang.
Ngay ở trận đấu thứ 4 tại Club World Cup, VAR đã được trọng tài chính người Hungary Viktor Kassai áp dụng. Cụ thể, trong trận đấu giữa nhà vô địch Nam Mỹ Atletico Nacional và đội chủ nhà Kashima Antlers, ông Kassai đã tham khảo ý kiến của "máy móc" trước khi cho đội bóng Nhật Bản Kashima Antlers được hưởng quả phạt đền.
Đó là một quyết định chính xác của ông Vua áo đen dù nó nhận phải rất nhiều phản ứng trái chiều. Trận đấu đó, Kashima Antlers tận dụng thành công quả penalty ở phút 33 và thắng 3-0 chung cuộc.
Chuyện áp dụng công nghệ vào bóng đá gây ra nhiều tranh cãi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ít nhất hệ thống goal-line (phát hiện bóng qua vạch vôi hay chưa) đã được áp dụng ở nhiều giải đấu hàng đầu và hầu hết ý kiến phản hồi mang tính tích cực.
Tuy nhiên công nghệ video lại đòi hỏi thêm rất nhiều máy quay cùng những nhân, vật lực tốn kém khác. Không phải sân vận động nào cũng có thể trang trải chi phí ấy.
Video tình huống trọng tài được công nghệ video "giúp đỡ" tại Mỹ hồi tháng 8 năm nay
Hồi đầu năm, ngay Bundesliga cũng từ chối công nghệ video vì nhiều CLB của giải đấu cao nhất nước Đức không đồng ý với số tiền lên đến 500 nghìn euro cho việc lắp đặt trang thiết bị.
Bên cạnh đó, xuất hiện quan điểm cho rằng máy móc sẽ bóp nghẹt truyền thống lâu đời của môn thể thao Vua. Con người ai cũng mắc sai lầm, và đó là một phần thú vị của bóng đá.
Nhưng ngày nay, khán giả luôn thích các trận đấu có tốc độ chóng mặt còn cầu thủ cũng ngày càng tinh quái hơn. Đó là lý do trọng tài nên được hỗ trợ theo một cách nào đó để làm tốt nhiệm vụ được giao.
Vấn đề lớn nhất của công nghệ video là lượng thời gian bị trì hoãn để trọng tài có thể tham khảo ý kiến trợ lý. Ông ta càng để trận đấu dừng lại lâu thì càng không ổn.
Dẫu sao trọng tài Viktor Kassai đã "mở hàng" cho VAR khá tốt. Tại Club World Cup, ông tỏ ra quyết đoán, nhanh nhẹn (như thể đã nhiều lần sử dụng VAR) và quan trọng nhất là đưa ra phán quyết chính xác.
Đây là những thứ ngược lại hoàn toàn với điều tối kỵ với người “cầm cân nảy mực”: sự lúng túng hay mắc sai lầm dẫn đến phải “bẻ còi”.