Liên Hiệp Quốc tước vai trò đại sứ thiện chí của Sharapova
Theo đó, Liên Hiệp Quốc vừa quyết định tước bỏ vai trò đại sứ thiện chí của cô sau khi cô có dương tính với chất kích thích tại giải Australian Open hồi tháng 1.
Sharapova đã giữ vai trò đại sứ thiện chí cho Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) trong 9 năm qua và hoạt động tích cực trong những nỗ lực phục hồi sau thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Thực tế thì sau thảm họa Chernobyl, chính gia đình Sharapova đã phải sơ tán khỏi thành phố Gomel ở Belarus, nằm cách Chernobyl khoảng 80 dặm về phía bắc, vào năm 1987 và chuyển tới Siberia, nơi cô ra đời tại đó. Họ sống ở Nyagan, Siberia trong 2 năm và sau đấy chuyển tới Sochi trên bờ Biển Đen, nơi cô bắt đầu tập quần vợt.
Về sau, trong vai trò là đại sứ thiện chí của UNDP, Sharapova đã có nhiều chuyến đi tới Belarus và dành tặng 100.000 USD cho những dự án hỗ trợ thanh niên ở các vùng nông thôn chịu ảnh hưởng của thảm họa hạt nhân Chernobyl.
"UNDP vẫn cám ơn Maria Sharapova vì những đóng góp của cô cho công việc của chúng tôi, đặc biệt quanh quá trình phục hồi thảm họa hạt nhân Chernobyl," người phát ngôn của UNDP cho biết. "Tuy nhiên, trước thông báo gần đây của Sharapova, chúng tôi đã quyết định tạm ngừng vai trò đại sứ thiện chí của cô và mọi hoạt động trong thời gian cuộc điều tra vẫn tiếp tục."
Như đã biết, cựu số 1 thế giới đã thông báo cô có dương tính với chất kích thích tại giải Australian Open hồi tuần trước. Loại chất mà cây vợt 28 tuổi người Nga sử dụng là meldonium mới được Uỷ ban chống doping thế giới (WADA) đưa vào danh mục cấm từ ngày 1/1/2016.
Hệ quả của tuyên bố này là hàng loạt nhà tài trợ như Nike của Mỹ, Porsche của Đức và TAG Heuer của Thụy Sĩ chấm dứt hợp đồng với cô. Tuy nhiên, điều tồi tệ là Masha có nguy cơ bị cấm thi đấu 4 năm dù lí do cô dùng meldonium là vì sức khỏe.