Lionel Messi nâng tầm nghệ thuật bóng đá (Bài 1)

thứ tư 22-6-2016 20:52:43 +07:00 0 bình luận
Làm thế nào mà Messi lại có thể khiến các trận đấu có sự xuất hiện của anh trở nên thú vị như vậy?

Làm thế nào mà Messi lại có thể khiến các trận đấu có sự xuất hiện của anh trở nên thú vị như vậy? Bài viết của hai tác giả Jonathan Wilson và Graham Hunter trên Bleacher Report sẽ phần nào lý giải chuyện này. 

Messi có chiến thuật của riêng mình

Một số người sẽ cho rằng với một đội bóng sở hữu một tài năng xuất chúng thiên bẩm như Lionel Messi gần như không cần đến chiến thuật. Điều quan trọng là đội bóng cần phải làm là xây dựng một "nền tảng" vững chắc cho Messi thoải mái chơi bóng theo ý thích của mình. Khi đó các chiến thắng sẽ đến dồn dập.

Nhưng thực tế thì không bao giờ đơn giản như lời nói. Nếu phải so sánh thì chuyện xây dựng một đội hình chiến thuật làm bệ phóng cho Messi tỏa sáng không hề đơn giản như cái cách mà Diego Maradona nhận được sự hỗ trợ tối đa từ đồng đội để dẫn dắt đội tuyển Argentina vô địch World Cup 1986.

Năm ấy, Maradona tỏa sáng rực rỡ nhờ được chơi tự do trong sơ đồ chiến thuật 3-5-2 của HLV Carlos Bilardo. Trong đó, Jorge Burruchaga thường lùi xuống tận hàng tiền vệ để nhận bóng, chọc khe cho đồng đội hoặc đi bóng để thu hút hậu vệ đối phương. Jorge Valdano là một tiền vệ tấn công cực kỳ thông minh, trong khi hai cầu thủ chạy cánh là Ricardo Giusti và Julio Olarticoechea thì đầy tốc độ cũng như khéo léo.

Trở lại với câu chuyện của Messi, một thực tế không thể phủ nhận là sự hiện diện của ngôi sao Argentina ở bất kỳ một đội bóng nào cũng sẽ tạo ra một sự khác biệt rất lớn. Mọi chiến thuật đều có điểm mạnh của nó, nhưng việc Messi xuất hiện trên sân đồng nghĩa rằng chiến thuật mà đội bóng của anh đang áp dụng không nhất thiết phải thay đổi chỉ để phục vụ Messi. 

 

Ngay từ khi còn trẻ, Messi đã thích chạy cắt từ cánh vào trung lộ

Tháng 05/2015, vài ngày sau khi Barcelona bị Bayern Munich đánh bại ở Champions League, HLV Jose Mourinho đã có một bài phân tích trên về thất bại đau đớn này của đội bóng xứ Catalan trên tờ The Guardian.

Trong đó, chiến lược gia người Bồ Đào Nha có nói rằng: "Một Barcelona không Messi khác rất nhiều một Barcelona có Messi. ... Khi phân tích đội bóng này, các bạn phải nhớ rằng chàng trai này có thể tạo mọi sự khác biệt".

Chắc chắn, đây không phải là những lời nói xã giao của Jose Mourinho. Đó là một sự thật rõ ràng. Nhưng thành tích tương phản của Messi ở câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia trong cả một thập kỷ qua đã chỉ ra rằng, việc tạo xây dựng một chiến thuật phù hợp cho Messi, nhưng Bilardo từng làm cho Maradona vào năm 1986 là một điều không hề dễ dàng.

Mặt khác, với tài năng chơi bóng thiên bẩm của mình, Messi sẽ giúp các HLV của anh thực hiện được những ý đồ chiến thuật mà bình thường họ không nghĩ đến. Bằng cách này, Messi đã tham gia định hình quá trình phát triển chiến thuật của bóng đá đương đại trong thời gian qua.

Tấn công từ cánh vào trung lộ

Tại học viện đào tạo cầu thủ trẻ huyền thoại La Masia của Barcelona, các cậu bé được dạy cách chơi bóng như các cầu thủ của đội một. Đây là một cách làm nhằm giúp các cầu thủ trẻ của Barcelona không mất quá nhiều thời gian để hòa nhập với lối chơi của đội hình chính khi được đôn lên từ đội trẻ.

Ở Barcelona, đội hình phổ biến được các HLV áp dụng là 4-3-3 với lối chơi pressing toàn sân, áp sát đối thủ một cách nhanh nhất để giành lại quyền kiểm soát bóng. Nhưng có một vấn đề là Messi không thích hợp cho bất kỳ vai trò nào trong sơ đồ 4-3-3. Anh muốn được chơi như một số 10 cổ điển giống Diego Maradona hay Juan Roman Riquelme, hoạt động ngay phía sau 2 tiền đạo cắm và kết nối họ với hàng tiền vệ trong sơ đồ 4-3-1-2.

Nói về chuyện này, ông Alex Garcia, huấn luyện viên của Messi ở đội U16 Barcelona từng bố trí tiền đạo Argentina đá lệch cánh phải ở mùa giải 2002/03 có hé lộ rằng: "Cậu ấy không muốn đá ở cánh. Leo nói với tôi rằng, mỗi khi có cơ hội cậu ấy sẽ chạy cắt vào trong. Đó vốn là một chuyện bình thường, bạn không thể kìm hãm tài năng của cậu ấy. Chính vì thế, tôi đã để cho cậu cấy chơi ở nhiều vị trí khác nhau".

Nhưng dù Garcia có bố trí Messi chơi ở vị trí nào thì tiền đạo Argentina vẫn có xu hướng di chuyển bó vào trong. Sau khi được đôn lên đội một, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Messi chủ yếu được xếp đá ở cánh phải, nhưng bao giờ anh cũng chạy cắt vào vị trí hộ công ở ngay phía sau tiền đạo cắm.

Một trong những bàn thắng tiêu biểu cho phong cách thi đấu của Lionel Messi là pha lập công vào lưới Getafe ở bán kết Cúp nhà Vua năm 2007. Sau khi nhận bóng từ đồng đội ở giữa sân, Messi thực hiện một pha dốc bóng từ cánh phải vào thẳng trung lộ để ghi bàn.

Video bàn thắng của Messi vào lưới Getafe năm 2007

>

 

Mã nhúng

Link ảnh đại diện

Dần dần, phong cách thi đấu này của Messi không còn là vấn đề với Barcelona mà thậm chí còn trở thành một phần chiến lược của đội bóng xứ Catalan. Niềm tin về tính hiệu quả trong lối đá của Messi đã được củng cố khi vào thời điểm ấy Barcelona cũng đang sở hữu một cầu thủ vô cùng kỹ thuật đá bên cánh trái, nhưng cũng có xu hướng bó vào trong như một tiền đạo. Người ấy là Ronaldinho.

Mặt khác, 3 sự lựa chọn ở vị trí tiền đạo cắm vào thời điểm ấy là Samuel Eto'o, Eidur Gudjohnsen và Javier Saviola. Đó đều là tất cả cầu thủ thi đấu một cách thông minh và sẵn sàng lùi sâu, hoặc dạt sang cánh để tạo không gian cho các cầu thủ chạy cánh bó vào trong. Cách chơi này giúp tiền đạo và cầu thủ chạy cánh hoán đổi vị trí một cách linh hoạt nên hậu vệ đối phương rất khó nắm bắt để ngăn chặn.

Nhưng cũng phải cho đến khi Dani Alves rời Sevilla để gia nhập Barcelona vào năm 2008 thì phong cách tấn công trên diện rộng ở Barcelona dưới thời HLV Pep Guardiola mới thực sự phát triển đến đỉnh cao.

Trước Alves, hậu vệ cánh phải Gianluca Zambrotta cũng được đánh giá là một cầu thủ có xu hướng tấn công rất thông minh. Nhưng Dani Alves thậm chí còn làm tốt hơn nữa. Anh và Messi nhanh chóng tìm được sự ăn ý đến mức mỗi khi hậu vệ người Brazil có bóng ở cánh thì y như rằng Messi sẽ chạy cắt vào bên trong để chuẩn bị nhận đường chuyền. Rất nhiều bàn thắng của Barcelona đã đến theo công thức này.

 

Messi hưởng lợi rất nhiều nhờ sự xuất sắc của Dani Alves

Ở đây có hai vấn đề cần phải chú ý. Trước hết, Messi thuận chân trái nên điểm yếu của anh dĩ nhiên là chân phải. Chính vì thế, cần phải có một đối tác ăn ý khi thực hiện những pha di chuyển từ cánh phải vào trung lộ.

Vấn đề sớm được nhắc đến khi Liverpool hạ gục Barcelona tại vòng 1/8 Champions League mùa giải 2006/07 bằng luật bàn thắng trên sân khách. Khi đó, HLV Rafael Benitez đã bố trí một hậu vệ thuận chân phải là Alvaro Arbeloa đá ở cánh trái trong trận lượt về, dù hậu vệ người Tây Ban Nha vốn được sử dụng nhiều hơn ở vị trí hậu vệ cánh phải. Mục đích không gì khác là ngăn chặn những pha đi bóng bằng chân trái từ cánh phải chéo sanh cánh trái của Lionel Messi.

Dĩ nhiên, chiến thuật này chỉ có thể áp dụng một lần, bởi nó không phải là một cách an toàn để ngăn chặn một cầu thủ có xu hướng băng cắt từ cánh vào trung lộ.

Một phần nguyên nhân là Messi phối hợp với nhau cực kỳ ăn ý với Alves, một cầu thủ có thể không được đánh giá cao về khả năng phòng ngự nhưng lại là một cầu thủ vô cùng xuất sắc. Bằng chứng là hậu vệ người Brazil đã có đến 42 pha kiến tạo cho Messi, thành tích tốt hơn bất cứ cầu thủ nào khác của Barcelona hay đội tuyển Argentina.

Mặt khác, việc bố trí một hậu vệ cánh ngăn chặn những pha di chuyển vào trung lộ của Messi cũng đồng nghĩa rằng các Alves sẽ có nhiều không gian hơn để đi bóng. Còn nếu hậu biên của đối phương cố gắng tìm cách ngăn chặn đường chuyền của Alves thì Messi lại gặp thuận lợi trong việc di chuyển.

>

 

Mã nhúng

Link ảnh đại diện

Nhưng mối nguy hiểm mà lối chơi tấn công từ cánh vào trung lộ mang lại không chỉ có như vậy. Năm 2009, Sir Alex Ferguson đã thử nghiệm với một cách đá mới cho Man Utd khi Cristiano Ronaldo được khuyến khích bó vào trung lộ, còn Wayne Rooney lại được yêu cầu di chuyển nhiều hơn sang cánh.

Kết quả là Man Utd chia điểm với Porto tại tứ kết Champions League sau một trận hòa 2-2 mà hậu vệ Aly Cissokho không thể nào ngăn nỗi những pha đi bóng bên cánh trái của Ronaldo. Mặt khác, Rooney cũng có thể học được nhiều điều từ chính màn trình diễn của Ronaldo để áp dụng cho bản thân.

"Khi một tiền đạo tấn công từ cánh vào trung lộ, anh ta sẽ trở lên nguy hiểm hơn nhiều", Ferguson chia sẻ trên The Guardian, "Đó là sự thật, tôi đã nhìn thấy các tiền đạo cắm bắt đầu thi đấu tệ hại khi được xếp đá ở trung lộ. Họ sẽ trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu di chuyển rộng trước khi thực hiện những tình huống chạy cắt vào trung lộ. Thierry Henry là một cầu thủ như vậy".

"Thỉnh thoảng, Wayne Roooney cũng cố gắng tạo ra những tình huống như vậy. Câu ấy sẽ tìm cách tạo ra không gian để chơi bóng bằng cách rời khỏi trung lộ để đến những vị trí ít gây nguy hiểm hơn với hàng phòng ngự đối phương".

Quay ngược ngược dòng thời gian về những năm cuối của thập niên 1950 và những năm đầu của thập niên 60, việc các đội bóng chuyển đổi từ sơ đồ WM, hoặc 3-2-2-3 sang sơ đồ 4 hậu vệ cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi vai trò của các cầu thủ chạy cánh. Cụ thể, sơ đồ mới cho phép các đội bóng thay đổi việc tấn công từ cánh này sang cánh khác rất dễ dàng và nhanh chóng.

Trong sơ đồ bốn hậu vệ, một trung vệ sẽ có nhiệm vụ bao quát tình hình, trong khi trung vệ còn lại có thể dạt ra cánh để ngăn chặn cầu thủ chạy cánh của đối phương. Ở đây, vấn đề mấu chốt là khả năng tăng tốc. Khi nắm bắt đúng thời cơ để tung ra một cú tăng tốc, các cầu thủ chạy cánh sẽ dễ dàng vượt qua hậu vệ của đối phương.

Và một trong những mục tiêu chính mà các nhà phát triển chiến thuật bóng đá hướng đến trong 50 năm qua là cố gắng tạo ra không gian chơi bóng cho các tiền đạo. Một trong số này là cách di chuyển chéo vào trung lộ. Khi một tiền đạo chỉ đứng cách hậu vệ đối phương khoảng 3 mét, anh ta có thể chọn cách ngoặt bóng đột ngột để tấn công vào vị trí khoảng trống giữa các hậu vệ đối phương

Dĩ nhiên, các hậu vệ vẫn có thể bước lên và ngăn chặn trước khi tiền đạo chạy vượt qua, nhưng điều này đòi hỏi một khả năng phán đoán và sự nhạy cảm cực cao trong vài phần trăm giây. Và thực tế thì không nhiều người có thể ngăn cản Messi trong một tình huống như vậy. Jerome Boateng có lẽ là người hiểu rõ nhất cảm giác này khi bị Messi biến thành trò trong trận bán kết lượt đi Champions League 2014/15 giữa Barcelona và Baeyrn Munich.

Video Messi biến Boateng thành trò hề tại Champions League

>

 

Mã nhúng

Link ảnh đại diện

Messi không phải là tiền đạo đầu tiên áp dụng lối tấn công từ cánh vào trung lộ. Chiến thuật này đã được sử dụng phổ biến tại Italia trong những năm 1970. Một ví đơn giản là 1 trong 2 tiền đạo có thể dạt sang cánh trái để phối hợp với hậu vệ bên cánh đó trước khi bất ngờ chuyển bóng sang cánh phải mà đối thủ đã lơ là mất tập trung.

Khi đó, các cầu thủ ở cánh phải có thể trực tiếp dứt điểm để ghi bàn hoặc chuyền ngược lại cánh trái khi cánh bên này không thuận lợi để dứt điểm, nhưng lại thu hút phần lớn cầu thủ đối phương. Triết lý này đã được áp dụng vô cùng hiệu quả tại Barcelona dưới thời HLV Pep Guardiola.

Còn tiếp...

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội