Muôn ngàn mưu kế cầu thủ “chuồn” khỏi CLB
Khi không còn tha thiết ở lại mà muốn tính bài chuồn, nhiều cầu thủ cũng ranh mãnh với trăm mưu ngàn kế.
Đến hẹn lại lên. Mỗi khi TTCN mở cửa chúng ta lại được chứng kiến hàng loạt tin đồn thất thiệt trên các mặt báo, kèm theo những vụ “làm loạn” ở các CLB.
Ở kỳ CN Đông 2017, James Rodriguez của Real Madrid và Payet của West Ham đang là những cái tên như thế. James cho rằng đang bị HLV Zinedine Zidane trù dập trong khi Payet viện cớ gặp khó khăn trong việc... nuôi dạy con cái tại xứ sương mù.
Giống như trong tình yêu, nếu đã muốn chia tay thì sẽ có rất nhiều lý do. Yaya Toure từng “dỗi” Man City và đòi ra đi chỉ vì CLB “trót quên” sinh nhật lần thứ 31. Robbie Savage khóc lóc đòi đến Blackburn để được… gần nhà. David Unsworth, cựu cầu thủ West Ham, còn trơ trẽn đổ lỗi cho vợ không thích sống ở thành London.
Mỗi người một lý do nhưng bản chất vẫn là muốn rời CLB chủ quản càng nhanh càng tốt.
Trước những lời mời chào sặc mùi tiền từ Trung Quốc, mới đây Diego Costa “làm mình làm mẩy” tại Chelsea. Rốt cục, tiền đạo gốc Brazil bị cô lập khi gạt khỏi danh sách thi đấu, cũng như cho tập một mình trong 2 ngày. Sau khi "đấu dịu" với HLV Antonio Conte cũng như ông chủ Roman Abramovich, Costa mới có thể trở lại đội 1.
Ngày nay bỏ tập, hay ít nhất là thể hiện thái độ thiếu tích cực trên sân tập, đã là mô típ quen thuộc của các ngôi sao nhăm nhe tính bài “chuồn”, nhất là giới cầu thủ Nam Mỹ. Trước Costa, năm 2015 Vidal đã thành công với kế sách này để tới Bayern, dù bị fan Juventus chỉ trích thậm tệ.
Nhưng Costa hay Vidal chưa là gì so với Tevez. Tiền đạo Argentina thậm chí còn yêu cầu HLV Roberto Mancini không điền tên vào đội hình xuất phát. Khi được gọi vào sân thay người, Tevez vẫn ngồi lỳ trên băng ghế dự bị.
Berahino cũng bắt chước những “bậc tiền bối” và... thất bại. Hè 2015, trước sự ve vẽ của Tottenham, tiền đạo trẻ bản địa nói mình không hạnh phúc ở West Brom. Anh liền bị HLV Tony Pulis loại khỏi đội hình chính.
Sau West Brom từ chối lời đề nghị thứ 4 cho Berahino, anh nổi giận tuyên bố sẽ không bao giờ thi đấu khi chủ tịch Jeremy Peace còn tại vị. Phải đến tận tuần trước, Berahino mới “đào tẩu” thành công với bản hợp đồng 5 năm rưỡi với Stoke với mức phí 17 triệu bảng.
Ngày càng có nhiều bản hợp đồng được cài cắm điều khoản tiền thưởng cho lòng trung thành. Kiểu như tiền lương sẽ tự động tăng thêm 20% sau mỗi năm của hợp đồng. Lòng trung thành gì mà lại bị rằng buộc bởi tiền bạc?
Đôi khi, các cầu thủ và CLB còn “cấu kết” với nhau bằng việc gia hạn hợp đồng để tính chuyện chia ly. Phương pháp “trói xong rồi bán” thường xảy ra ở các CLB bé biết mình không thể giữ chân ngôi sao của đội.
Valencia gia hạn với Alba vào tháng 5/2012 và bán hậu vệ này sang Barca vào cuối tháng 6. Aston Villa cũng khôn khéo đẩy mức phí giải phóng hợp đồng của Benteke lên 32,5 triệu bảng trước khi "thả thính" cho Liverpool cắn câu.
Về phần cầu thủ, có rất nhiều “chiến thuật” để đào tẩu khỏi CLB mà vẫn đóng vai "nạn nhân đáng thương". Một trong số đó là giả vờ chấn thương để khỏi tập luyện hay thi đấu. Hồi đầu năm, Diego Costa đang ghi bàn ầm ầm thì lăn ra... đau lưng. Nếu muốn, anh ta đơn giản chỉ cần đến sân tập muộn vài lần, uể oải với đôi chân đeo chì khi ra sân.
Đồng đội và nhất là HLV sẽ dễ dàng nhận ra điều ấy. Thực tế, CLB cũng chẳng muốn giữ một cầu thủ như vậy vì sợ ảnh hưởng đến tinh thần người khác.
Hiện nay, Arsenal đang phải đau đầu với Sanchez và Oezil - bộ đôi trụ cột chỉ còn hơn một năm trong hợp đồng nhưng mãi không chịu gia hạn. May mắn cho "Pháo thủ" bởi vấn đề cốt lõi cũng chỉ là tiền bạc (HLV Arsene Wenger nhất quyết không tăng lương vì sợ phá vỡ cấu trúc lương của đội).
Dường như thời đại của lòng trung thành đã ở rất xa phía sau. Bây giờ là thời đại của kim tiền. Hè 2013, Leighton Baines có lẽ là trường hợp hiếm hoi khi anh nhất quyết không đi cùng đồng đội Fellaini và HLV David Moyes tới Man Utd theo tiếng gọi của đồng tiền lẫn danh vọng.
Hy vọng đó không phải là lần cuối cùng người hâm mộ thấy lòng trung thành và danh dự ở nền bóng đá hiện đại.