Nhà báo thể thao trên thế giới: Thách thức theo dòng thời đại

chủ nhật 21-6-2015 16:10:41 +07:00 0 bình luận
Hầu như không có cường quốc thể thao nào mà không có tờ báo lớn chuyên về mảng này. Pháp có L’Equipe. Italia có La Gazzetta dello Sport. Tây Ban Nha có Marca. Anh có Sporting Life. Mỹ có Sports Illustrated và Sporting News. Thậm chí theo đà phát triển của truyền thông, thế giới hiện không thiếu những đài phát thanh hoặc truyền hình chỉ chuyên trị mảng thể thao như Eurosport, Fox Sports 1, ESPN…

Chỉ cần văn tốt để đưa tin và tường thuật

Theo ghi nhận của truyền thông Anh thì thoạt đầu, các nhà báo thể thao thường không chuyên, như tờ Manchester Guardian từng mời Neville Cardus thường thuật các trận đấu cricket, đồng thời viết bài phê bình âm nhạc. Nhờ đó mà sau này, Cardus được phong tước Hiệp sĩ do cống hiến cho báo giới! Đến lúc truyền thanh phát triển, đài BBC giới thiệu một nhà báo thể thao tay ngang khác là nhà thơ John Arlott.

Bởi lẽ, nhiệm vụ ban đầu của các nhà báo thể thao gần như chỉ là tường thuật sự kiện, nên chủ yếu chỉ cần họ có mặt tại hiện trường và đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian do các sự kiện thể thao thường kết thúc vào cuối ngày. Trong bối cảnh đó, Olympic hiện đại đầu tiên tại London năm 1908 có thể xem như quần anh tụ hội với sự hiện diện của các cây bút viết tốt nhất thời đó. Tờ Daily Mail thậm chí còn cử cả Sir Arthur Conan Doyle – chính là “cha đẻ” của thám tử Sherlock Holmes – tường thuật đoạn cuối của cuộc thi Marathon tại sân White City.

Theo đà phát triển của truyền thanh, nhà báo thể thao phải chịu áp lực nặng nề hơn do cần có cả đam mê lẫn kiến thức cùng tư duy nhanh nhạy, khi khái niệm “tường thuật trực tiếp” xuất hiện ở các giải đấu. Edgar Wallace được ghi nhận là nhà báo thể thao đầu tiên trên thế giới thực hiện chương trình tường thuật trực tiếp tại cuộc đua ngựa truyền thống Epsom Derby ngày 6/6/1923 cho British Broadcasting Company.

Sáng kiến mời “sao” và các cây bút lớn đứng trang

Thế nhưng, trước đòi hỏi ngày càng cao của độc giả cùng sự bùng nổ đầu báo sau Thế Chiến 2, đặc biệt là sự ra đời của các báo lá cải, những người làm báo thể thao phải nghĩ ra các chiêu thức mới để thu hút người đọc. Tờ Sunday Times mời nhà vô địch chạy 100m của Olympic 1924 là Harold Abrahams đứng cột bình luận, hoặc tờ London Evening News mời cựu thủ quân tuyển cricket Anh là Sir Leonard Hutton cộng tác. Dĩ nhiên, các bài báo mang tên họ là do phóng viên thể thao thật sự viết.

Tuy nhiên, chiến lược này xem ra không hiệu quả bằng các mời những cây bút gạo cội cộng tác. Sáng giá nhất gồm có Peter Wilson và Hugh McIlvanney (người đầu viết cho The Observer, còn người sau từng làm cho Sunday Times trước lúc cùng đầu quân về Daily Mirror), Ian Wooldridge (Daily Mail), Brian Glanville (Sunday Times) hoặc Patrick Collins (Mail on Sunday) từng 5 lần nhận giải Cây bút thể thao hay nhất năm.

Nhằm thu hút độc giả, những “cây đa, cây đề” này phải tận dụng hết hiểu biết về mọi ngóc ngách của làng thể thao do mối quan hệ lâu năm với giới cầu thủ, HLV và quan chức để kể những câu chuyện dài kỳ thú vị và độc đáo. Thông qua họ, bạn đọc mới biết được những chuyện sau hậu trường như  bi kịch của Olympic 1972 tại Munich, thảm kịch Heysel, hoặc thăng trầm trong đời VĐV của Tiger Woods, David Beckham… Hoặc khi bàn về World Cup, khó ai dám cãi “lão tướng” Glanville.

Hiểm họa từ phóng sự điều tra và khó khăn đến từ internet

Ngặt nỗi, bạn đọc vẫn chưa thấy thỏa mãn, cũng như các nhà báo thể thao luôn cảm thấy cần phải tiếp tục làm mới bản thân, nên từ thập niên 90 của thế kỷ trước, thể loại phóng sự điều tra phát triển mạnh, đặc biệt khi kinh doanh thể thao nở rộ khiến tiền chảy như nước vào túi ban tổ chức Olympic và World Cup. Một ví dụ tiêu biểu cho thể loại này là điều tra của Andrew Jennings và Vyv Simson về tham nhũng của Olympic mùa đông 2002 ở Salt Lake City. Nhưng tất nhiên, làm báo kiểu này chẳng khác nào phải “đi dây tử thần”. Đơn cử như trong vụ điều tra các tệ nạn của điền kinh thế giới năm 1996, phóng viên Cliff Temple bị uy hiếp tới mức phải tự sát.

Giờ đây, nhà báo thể thao đang đối mặt với thách thức mới, khi internet phổ biến đang tạo ra vô số diễn đàn và blog của NHM, trong lúc điện thoại di động tạo điều kiện cho họ nhanh chóng nắm bắt các thông tin mới nhất và cũng có thể là tin “vịt”. Thực trạng ấy buộc nhà báo thể thao không chỉ cần phải đủ tỉnh táo để tránh bị “nhiễu” thông tin, mà còn giữ được phẩm chất đặc trưng của nghề là tính trung lập. Sức ép này không đơn giản, vì như Dan Shaughnessy – cây bút xuất sắc của tờ Boston Globe tâm sự, độc giả hiện nay hầu hết chỉ thích đọc bài khen ngợi “gà nhà”. Tình hình càng tệ hơn do giới phóng viên thể thao đang ngày càng thiếu những cây bút có khả năng viết bài theo kiểu “ngược chiều gió” thật sự thuyết phục. Đây thật sự là thách thức lớn lao cho các nhà báo thể thao, song với tâm huyết và đam mê, họ vẫn đang cố gắng tìm cách vượt qua khó khăn bằng sức sáng tạo như các thế hệ đi trước.

MINH CHÂU

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội