Những quả tạt đang "thoi thóp" trong bóng đá hiện đại
Những quả tạt bóng đang trở nên lỗi thời mà thậm chí bóng đá Anh, nơi tạt bóng đánh đầu vốn là “đặc sản”, cũng giảm sút số lượng giống như ở Serie A và La Liga.
Garry Gelade, một nhà tư vấn thống kê làm việc với các đội bóng Premier League, công bố tại Opta Pro Forum tuần trước rằng, ông có kế hoạch nghiên cứu về những quả tạt bóng.
Điều đầu tiên mà ông chỉ ra là, tạt bóng bổng từ hai cánh đã trở thành một phong cách lỗi thời, đặc biệt trong các trận đấu của bóng đá Anh. Theo đó, Serie A có nhiều đường tạt bóng “sống” mỗi trận thậm chí nhỉnh hơn so với Premier League trong năm 2010, với Ligue 1 và La Liga đạt con số tương tự như ở Anh.
Trong khi số pha tạt bóng tại Premier League giảm từ 17,5 quả/trận vào năm 2010 xuống chỉ còn hơn 15 quả/trận trong năm 2015, xu hướng và các con số tổng thể này là rất giống với giải đấu hàng đầu khác.
Nghiên cứu do Jan Vecer, một giáo sư toán tài chính tại Đại học Charles ở Prague, cho thấy rằng, nếu một đội bóng thực hiện nhiều quả tạt bóng, họ sẽ ghi bàn ít hơn. Vecer đã kết luận mối quan hệ đó là “nhân quả trực tiếp” và khi một đội bóng không có quả tạt nào trong suốt trận đấu, họ ghi nhiều hơn 0,393 bàn/trận.
Tuy vậy, Vecer đã quên mất tác động từ tình trạng trận đấu, đó là tỷ số hiện tại ảnh hưởng đến số đường tạt bóng. Nói một cách đơn giản rằng, các đội bóng có xu hướng tạt, nhồi bóng bổng nhiều hơn vào vòng cấm đối phương khi họ đang bị dẫn bàn, nhằm tiết kiệm thời gian cũng như nhằm rút ngắn quãng đường đến cầu môn đối thủ, điều hoàn toàn dễ hiểu.
Một ví dụ đơn giản, có thể nhìn vào kỷ lục 81 đường tạt bóng của Man Utd trong trận hòa 2-2 trên sân nhà với Fulham - một trong những kết quả chấm dứt triều đại của David Moyes cuối mùa 2013/14. Đây là minh chứng cho thấy, tạt bóng đã không hoàn toàn còn là thứ “bùa hộ mệnh” cho các đội bóng nữa.
Về phần mình, Gelade đã phân tích 35.000 quả tạt bóng khi trận đấu đang diễn ra ở Premier League từ năm 2013 đến 2015. Kết quả cho thấy, những quả tạt bóng “sống” đã kiến tạo cho 414 bàn thắng. Tỷ lệ chuyển hóa thành bàn như thế, chỉ 1,2%, thật thảm hại.
Tuy nhiên, Gelade giải thích, con số này chỉ gọi là hỗ trợ trực tiếp. Vì vậy, bàn thắng đầu tiên của Manolo Gabbiadini (Southampton) trước Sunderland hôm thứ Bảy - xuất phát từ đường tạt của Ryan Bertrand chạm người Lamine Kone trước khi được tiền đạo người Italia đưa bóng vào lưới - không được tính bằng thống kê này.
Thay vào đó, nếu muốn đánh giá hiệu quả của một quả tạt bóng, Gelade lập luận, bạn thực sự cần phải nhìn vào những gì xảy ra trong vòng 6 giây sau khi bóng đi vào trong vòng cấm.
Khi Gelade theo dõi những gì xảy ra trong vòng 6 giây tiếp theo, có thêm 5.094 pha tạt bóng về phía khung thành để tạo ra 252 bàn thắng. Cũng có 4.727 pha đá góc và 18 quả phạt đền dẫn đến 80 bàn khác. Điều đó mang lại tỷ lệ chuyển đổi từ tạt bóng “sống” lên đến 2,2% - hay cứ 1 bàn thắng xuất hiện sau 45 quả tạt.
Bằng cách làm việc với một nhà phân tích hiệu suất từ một CLB hàng đầu Premier League, Gelade đã cùng nhau tìm ra những con số có thể thấy được lợi ích từ các quả tạt bóng.
Tùy thuộc vào nơi quả tạt được thực hiện, nơi nó được nhắm đến, góc tạt, gần hay xa, kết quả cho thấy, một đường tạt vào trong vòng cấm có tỷ lệ thành công là 7,6% nếu nhằm hướng vào trước khung thành - gấp đôi so với một đường căng ngang.
Nghiên cứu của Gelade không chỉ cung cấp cho các CLB một sự hiểu biết tốt hơn về tạt bóng khi nó hoạt động tốt nhất. Nó còn chỉ ra rằng, trong một thời đại mà khu vực trung tâm đang ngày càng bị các hậu vệ khóa chặt, tạt bóng vẫn có chỗ của nó, dù rất nhỏ.
Chỉ có 2 CLB trong Top 6 Premier League mùa này, Man Utd và Liverpool, nằm trong Top 5 CLB tạt bóng nhiều nhất mùa này (tính cả tạt bổng lẫn tầm thấp".
Cũng chỉ có 2 2 CLB trong Top 6 Premier League mùa này, Arsenal cùng Liverpool, nằm trong Top 5 CLB ghi bàn nhiều nhất bằng đầu.
Video Giroud đội đầu mang về 1 điểm cho Arsenal trước M.U