Kỷ nguyên siêu CLB vẫn thống trị bóng đá châu Âu
Thống kê cho thấy trong 5 mùa giải gần đây đã có 19 CLB khác nhau lọt vào tứ kết Champions League. Để so sánh, trong 5 mùa giải trước đó là 23 CLB và trong 5 năm trước nữa là 22. Đi xa hơn, chúng ta sẽ thấy rằng, từ năm 1996 đến 2001, con số này là 24. Còn từ năm 1991-1996 thậm chí là 29.
Nhìn qua thì thấy rằng, bóng đá châu Âu cấp CLB không còn là thế giới phẳng như trước nữa. Nếu chưa đủ, 3 CLB là Barcelona, Real Madrid và Bayern Munich đều ít nhất vào đến vòng tứ kết trong 5 mùa giải gần đây. Trong khi đó, 20 năm trước chỉ có 2 lần xảy ra và đều của Man Utd từ 2006-2011 và 1996-2001.
Thế mới nói, khi mùa giải 2015/16, người ta chợt nhận ra là bóng đá châu Âu ngày càng có sự phân cực. Và sự phân cực này không chỉ được thể hiện trên bảng xếp hạng doanh thu Deloitte Football Money League của các CLB, khi 5 CLB hàng đầu có doanh thu cao hơn cả 12 CLB đứng kế tiếp cộng lại.
Để thấy rõ hơn thì trong 5 mùa giải qua ở 5 giải vô địch hàng đầu châu Âu là Anh, Tây Ban Nha, Đức, Italia và Pháp, trong số 25 danh hiệu vô địch, 20 thuộc về những CLB đứng trong top 10 của Money League. Còn 5 đội không phải là ai? Dortmund vô địch 2 lần và họ đứng thứ 11, trong khi Atletico Madrid đứng thứ 15, còn Montpellier và Leicester nằm ngoài bảng xếp hạng Money League.
Nói ngắn gọn, chúng ta đang ở thời của những siêu CLB và điều khó tin là sức mạnh kinh tế, sức mạnh sân cỏ của số đội bóng chiếm tỷ lệ nhỏ này ngày càng lớn mạnh.
Không quá khó để nhận ra rằng, lực đẩy cho họ, sau những thành công trên sân cỏ, chính là doanh thu từ bản quyền truyền hình (trong nước và Champions League), dù rằng giữa các giải có sự khác biệt lớn; tài trợ; và khán giả.
Cũng chính vì thế, dù Atletico Madrid có thể lọt vào chung kết Champions League ở 2 trong 3 năm gần đây hay Leicester tạo nên bất ngờ lớn nhất trong lịch sử Premier League, họ không có đủ tiềm lực để cạnh tranh về lâu dài. Cũng như vậy là với West Ham, Southampton… ở Premier League dù bản quyền truyền hình tăng vọt.
Hay nói đến vấn đề tài trợ. Thành công, sự nổi tiếng luôn kèm theo những bản hợp đồng lớn, khi các công ty sẵn sàng hợp tác với Juventus hay Paris Saint-Germain nếu họ biết rằng sẽ có nhiều fan ủng hộ những CLB. Ngược lại, luôn có rủi ro lớn nếu đó là Shakthar Donetsk hay Malaga dù những đội bóng nào có thể gây bất ngờ ở châu Âu.
Rốt cuộc, cái gọi là Luật tài chính công bằng (FFP) của UEFA đã không hạn chế được sức mạnh của các siêu CLB và tạo ra một mặt bằng cân bằng hơn. Và nếu như Champions League giờ trở thành sân chơi riêng của Real Madrid, Barcelona, Bayern Munich… từ vòng tứ kết, viễn cảnh một giải siêu vô địch tại châu Âu ra đời sẽ không còn là điều gì mới mẻ nữa.
Điều đó đã và đang giải thích lí do vì sao UEFA không thể khoanh tay đứng nhìn mà không thay đổi, cũng như giải thích vì sao Champions League sau rất nhiều thay đổi về thể thức thi đấu đang chuẩn bị có một cuộc cách mạng nữa vào tháng 12 tới.