Nike và ý tưởng độc đáo: Đặt tên sao thể thao cho các tòa nhà

chủ nhật 13-12-2015 23:03:19 +07:00 0 bình luận
Đẳng cấp của một ngôi sao giờ được đo bằng những tòa nhà mang tên họ, kiểu như “Federer Platz” hay “Ronaldo Fields”… Và Nike có lẽ là công ty duy nhất gắn tên của các huyền thoại thể thao lên những tòa nhà của hãng.

Tôn vinh các huyền thoại

Những ngày này, nhân viên tại các trụ sở của Nike trên toàn thế giới đều đang bàn tán về một trong những dự án bí mật và mới nhất của công ty: Liệu đó sẽ là LeBron? Hay Serena? Vậy còn Derek Jeter?

Dự án được nói đến ở đây không liên quan gì đến một loại giày mới hay trang phục công nghệ cao. Chủ đề mà mọi người bàn tán về chỉ đơn giản là trong số hàng trăm VĐV thuộc gia đình Nike, ai sẽ có vinh dự hiếm hoi được Nike lấy tên của họ đặt tên cho một tòa nhà của hãng.

Còn nhớ khi cầu thủ bóng đá Mia Hamm được Nike đề nghị lấy tên của cô đặt cho một tòa nhà vào năm 1998, tiền đạo của đội tuyển Mỹ kinh ngạc và hoài nghi. Bởi cô thi đấu ở một môn thể thao đồng đội và vẫn đang ở giữa giai đoạn sự nghiệp, thay vì là một cá nhân quá nổi bật. “Tôi đã nghĩ điều đó chỉ đến sau khi một VĐV kết thúc sự nghiệp”, Hamm tiết lộ. “Tôi gần như không tin vào mắt mình”.

Vào thời điểm tòa nhà khai trương vào năm 1999, Hamm đã mời nhiều đồng đội đến chia vui. Giống như cô trước đây, tất cả cũng đều bất ngờ tới mức có người đã đùa rằng, liệu tên họ có được đặt cho một phòng tắm hay một phòng nào khác trong tòa nhà hay không.

Còn bây giờ, cuộc tranh luận hiện tại là kế hoạch mở rộng những tòa nhà thương mại của Nike lên hơn 44 tòa như đang có, khi số nhân vật đã tăng khoảng 60% trong vòng 6 năm với hơn 9.200 nhân sự. Dự kiến sẽ có ít nhất 3 tòa nhà mới sẽ được đặt theo tên của các VĐV hay HLV, theo như một nguồn tin cho biết. Cũng vì vậy mà mới có chuyện ở Nike, nhân viên của hãng bàn tán ầm ĩ như vậy về dự án mới này.

Trước đó, nhiều tòa nhà trụ sở của Nike đã được gắn tên với những huyền thoại thể thao, từ cầu thủ bóng đá Mỹ là Dan Fouts cho tới cầu thủ bóng chày Mike Schmidt. Phần lớn những tòa nhà này được đặt tên trong hai giai đoạn phát triển quan trọng của công ty, khoảng năm 1990 và 1999.

Lần này cũng vậy, nếu không muốn nói là một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử của Nike khi đồng sáng lập và chủ tịch hãng là Phil Knight, người được cho là có tiếng nói quyết định trong việc tòa nhà sẽ mang tên ai, đang có kế hoạch rút lui vào năm sau. “Khi chúng tôi bắt đầu triển khai các dự án, chúng tôi chưa có ý tưởng sẽ lấy tên các VĐV đặt cho những tòa nhà nhưng câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chúng tôi phân biệt được những tòa nhà này?” Robert Thompson, kiến trúc sư được thuê thiết kế các trụ sở cho Nike năm 1987, nói. “Phil Knight tỏ ra rất hào hứng về ý tưởng tôn vinh các VĐV đã có những đóng góp vào thành công ban đầu của hãng”.

Vì thế, những tòa nhà được khánh thành đầu tiên đã tôn vinh các huyền thoại như Steve Prefontaine và Alberto Salazar, hai VĐV ở đường chạy trung bình đã gắn bó với Nike trong những ngày đầu cùng Knight.

Những thách thức trong việc đặt tên

Ngày nay, Nike là công ty trang thiết bị thể thao lớn nhất thế giới với doanh thu mỗi năm hơn 30 tỷ USD và mục tiêu của hãng là đạt 50 tỷ USD vào năm 2020. Sổ địa chỉ Rolodex của hãng bây giờ có những nhà vô địch Olympic, các cầu thủ bóng đá Mỹ, những cây vợt hay cầu thủ bóng đá…

Trong số họ, huyền thoại của đội bóng rổ Chicago Bulls là Michael Jordan đã được đặt tên cho một tòa nhà, trong khi một trung tâm hội nghị mang tên Tiger Woods và tổ hợp thể thao Ronaldo Fields được đặt theo tên cựu tiền đạo người Brazil. Còn đối với ngôi sao bóng đá/bóng chày Bo Jackson, Nike có một trung tâm thể hình và sân thể thao mang tên ông. Trong khi đó, một tổ hợp thể thao với 5 đường chạy trong mọi điều kiện thời tiết mang tên cựu VĐV Michael Johnson.

Có một điều thú vị là có những môn thể thao có VĐV hay HLV được đặt tên cho các tòa nhà của Nike lại không tương xứng với doanh thu mà họ mang lại cho Nike. Chẳng hạn như chỉ có một tòa nhà được đặt theo tên một VĐV bóng rổ, cho dù bóng rổ đóng vai trò quan trọng vào doanh số bán ra của Nike.

Trong khi đó, có 4 tòa nhà được đặt theo tên các cầu thủ bóng chày, bất chấp một thực tế là môn thể thao này không mang lại doanh thu lớn như những môn thể thao khác.

Hay một nỗi lo chung mà các quan chức của Nike từng đề cập đến là đôi lúc, họ đã ở trong những tình thế rất khó xử trước mỗi scandal của một người hùng. Chẳng hạn như họ đã phải hạ tên tòa nhà mang tên cựu cua-rơ Lance Armstrong và HLV môn bóng đá Mỹ là Joe Paterno sau khi họ vướng vào scandal. Cho đến giờ, mặt ngoài của hai tòa nhà này vẫn bỏ không và hãng cũng không có ý định sẽ tìm ai đó để thay thế.

Rất may là những trường hợp như vậy xuất hiện không nhiều bởi một khi Knight đặt niềm tin vào các huyền thoại sống, bản thân họ cũng hiểu rõ cần phải làm gì để giữ gìn hình ảnh của mình. C. Vivian Stringer, HLV bóng rổ của trường đại học Rutgers là một người như vậy sau ngày Nike quyết định lấy tên bà đặt cho một trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em vào năm 2008. “Phần lớn những người được tôn vinh như vậy sau khi họ đã chết và anh sẽ không phải lo lắng về việc họ có thể tạo ra scandal gì”, bà Stringer nói. “Còn tôi, tôi sẽ không để điều gì xảy ra và ảnh hưởng đến tên tuổi của tôi".

Còn Nike, thách thức lớn nhất cho hãng bây giờ không phải làm tìm một ai đó mà là tìm được những địa điểm thích hợp tương xứng với tên tuổi của VĐV, đặc biệt khi thành tích của họ đã vượt những ngôi sao từng được tôn vinh cùng với một tòa nhà của hãng. Chẳng hạn như cây vợt Roger Federer cho đến năm 2011 vẫn chưa có tên trên những tòa nhà của Nike, trước khi Knight quyết định lấy tên anh đặt cho sảnh ngoài trời ở trụ sở của công ty là “Federer Platz”.

Đó là một vinh dự mà không nhiều VĐV có được, đặc biệt nếu họ không phải là gương mặt quảng cáo của Nike hay có những đóng góp quan trọng cho hãng.

Tuy vậy, như cựu tiền đạo Hamm chia sẻ, cô cũng từng gặp một sự cố khôi hài ở ngay chính tòa nhà mang tên mình trong một lần đến phòng nghiên cứu và phát triển của Nike. Do không đi cùng nhóm, cô đã bị một nhân viên an ninh chặn lại và hỏi thẻ cư trú. “Tôi không mang ví theo nên tôi đã nói với anh ta về bức hình của mình ở trên tường”, Hamm cho biết. “Và tên tôi ở phía trước tòa nhà. Anh ta đỏ mặt và xin lỗi. Thật buồn cười”. 

 Nike đang có hợp đồng quảng cáo với những cây vợt như Serena Williams, Roger Federer, Maria Sharapova, Rafael Nadal, Victoria Azarenka, Eugenie Bouchard… Những cầu thủ bóng đá như Cristiano Ronaldo, Robert Lewandowski, Wayne Rooney, John Terry, Neymar, Zlatan Ibrahimovic… Những tay golf như Tiger Woods, Rory McIlroy… cùng nhiều VĐV bóng rổ, các đội tuyển quốc gia, các CLB…

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội