Premier League một mình một lãnh địa
Tháng 11 năm ngoái, Real Madrid đã ký một hợp đồng tài trợ béo bở với Ngân hàng Quốc gia Abu Dhabi.
Trước đó 3 năm, Quỹ đầu tư thể thao Qatar trở thành cổ đông chính của PSG và giờ trở thành cổ đông duy nhất của CLB Paris, giúp họ trở thành đội bóng giầu nhất tại Pháp và nằm trong tốp đầu thế giới.
Barca từng kiên quyết từ chối tên nhà tài trợ trên áo đấu nổi tiếng của mình, nhưng cuối cùng cũng không thể đi ngược lại xu hướng toàn cầu hoá của bóng đá thế kỷ 21 với bản hợp đồng tài trợ từ Hãng hàng không Qatar.
Tuy nhiên, Real Madrid, PSG, Barca hay Bayern với hợp đồng tài trợ từ Deutsche Telekom trị giá 30 triệu euro/năm vừa mới gia hạn cũng không thể giúp cán cân tài chính giữa bóng đá châu Âu và Premier League giảm bớt chênh lệch.
Trong khi số liệu về thu nhập từ tài trợ của mùa 2015/16 chưa được công bố, tạm nhìn lại mùa 2014/15 để thấy các CLB Premier League ở đâu so với phần còn lại. Từ dữ liệu thu thập qua 1.179 thoả thuận của các CLB từ Premier League, Bundesliga, La Liga, Serie A, Ligue 1 và Eredivisie (giải VĐQG Hà Lan), giải đấu cao nhất xứ sở Sương mù có thu nhập từ tài trợ cao nhất, 460 triệu euro. Bundesliga của Đức xếp thứ 2 với số tiền 313 triệu euro và La Liga xếp thứ 3 với 233 triệu euro.
Và trong 460 triệu euro tiền tài trợ của Premier League, riêng của Man Utd đã là 146 triệu euro, chưa bao gồm hợp đồng tài trợ với Nike (thay thế bằng Adidas từ mùa này với giá trị 96 triệu euro/mùa). Con số cho biết Man Utd kiếm từ tài trợ nhiều hơn đội thứ 2 là Barca tới gần 40 triệu euro (107 triệu euro) và nhiều hơn 95 lần so với Burnley, CLB đang chơi tại Championship.
Tác giả của bản báo cáo, Simon Rines, giải thích lý do vì sao Man Utd vẫn thu hút các nhà tài trợ hàng đầu thế giới: “Man Utd đã xác định tài trợ là nguồn doanh thu chính trong việc cạnh tranh với Real Madrid, Barca và Bayern vốn có tổng doanh thu cao hơn. Vì các CLB Anh sở hữu một lượng CĐV khắp toàn cầu lớn hơn, một phần là kết quả đến từ sự thành công của thương hiệu Premier League, đặc biệt tại châu Á, nơi có lượng CĐV lớn nhất”
“Ngoài thoả thuận với Chevrolet trị giá 61 triệu euro mỗi năm, Man Utd có một thoả thuận lớn thứ 2 với Aon, trước tài trợ áo đấu nhưng giờ là đối tác trên sân tập. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất chính là việc CLB thực hiện chiến lược bán bản quyền trong từng lãnh thổ hoặc khu vực riêng. Ví dụ như Thái Lan hay Việt Nam mua quyền tài trợ cho CLB với thương hiệu không được xuất hiện bên ngoài lãnh thổ quốc gia đó. Barca, Man City, Arsenal, Chelsea và Liverpool đang theo mô hình này nhưng chưa thành công được như Man Utd”.
Hiển Trần