Schweinsteiger rủ “Cướp biển Caribe” kiện công ty Trung Quốc
Schweinsteiger bị biến thành Phát xít
Dragon In Dream (DID) là một công ty sản xuất đồ chơi lớn tại Trung Quốc. Công ty này vừa sản xuất loạt nhân vật đồ chơi cho trẻ em về những người lính trong thế chiến II. Trong đó đáng chú ý nhất là hình mẫu sĩ quan Đức quốc xã được DID xây dựng từ… Bastian Schweinsteiger. Thậm chí, tên của nhân vật sĩ quan Phát xít cũng được DID đặt là “Bastian”.
Người Trung Quốc, cụ thể là DID dùng hình ảnh và tên của ngôi sao Man Utd để tạo ra lính Đức quốc xã. Vậy họ có xin phép Schweinsteiger và được đồng ý bằng một cam kết thương mại nào đó? Đương nhiên là không!
DID là công ty sản xuất đồ chơi rất nhạy bén. Tại Trung Quốc, người dân rất cuồng các sản phẩm của tập đoàn Apple, nên khi ông Steve Jobs qua đời, DID sản xuất ngay ra nhân vật đồ chơi Steve Jobs, ngay lập tức nhân vật đồ chơi này trở thành sản phẩm bán chạy như tôm tươi.
Hãng Apple trên thực tế đã yêu cầu DID và các công ty khác của Trung Quốc ngừng sản xuất, bán các nhân vật đồ chơi Steve Jobs, vì họ sử dụng hình ảnh của huyền thoại Apple mà không nhận được sự đồng ý từ gia đình Steve Jobs. Tuy nhiên vì lợi nhuận, DID cùng nhiều công ty Trung Quốc khác vẫn phớt lờ, vì trước Steve Jobs, họ từng tạo ra rất nhiều nhân vật đồ chơi từ nguyên mẫu của những người nổi tiếng khác, cả còn sống lẫn đã chết, chẳng phải xin phép mà có thấy ai kiện cáo gì đâu?
Phải dạy cho “quân ăn cắp” một bài học
Làm ăn láo nháo, sử dụng hình ảnh bừa bãi suốt mà chưa bị kiện, thì nay sẽ bị kiện. Người kiện là Bastian Schweinsteiger. Theo tờ Bild, ngôi sao Man Utd cho rằng việc DID biến anh thành Đức quốc xã là một sự phỉ báng ghê tởm. Mặt khác, người Trung Quốc cũng đã sử dụng trái phép hình ảnh của anh trong hoạt động kinh doanh.
Phía DID phản ứng thế nào? Trước thông tin sắp bị Schweinsteiger lôi ra tòa, người phát ngôn của DID trả lời truyền thông Đức rằng: “Khuôn mặt của người lính Đức cũng hao hao như Schweinsteiger. Chúng tôi chọn một khuôn mặt đặc trưng của người Đức, chứ chẳng copy ai”. Vậy còn tên của người lính? Người của DID lại nói: “Bastian là tên phổ biến ở nước Đức, chứ chả riêng gì anh ta có cái tên đó”.
Cách ngụy biện của DID nói chung là rất… Hảo hán. Nhưng luật sư Gerrit Hartung - luật sư kiêm người đại diện cũ của đội trưởng ĐT Đức cho rằng, DID có thể ngụy biện như thế trên truyền thông chứ không thể diễn trò hề ấy trên tòa án. Chuyện đã quá rõ ràng, Schweinsteiger hoàn toàn có đủ cơ sở và bằng chứng để kiện DID, buộc họ phải thu hồi sản phẩm, xin lỗi và bồi thường thiệt hại về mặt hình ảnh. Một người thân của ngôi sao Man Utd cũng tiết lộ: “DID và nhiều công ty khác của Trung Quốc thường xuyên vi phạm nguyên tắc sử dụng hình ảnh người nổi tiếng để thu lợi. Trường hợp của Bastian càng không thể chấp nhận được, anh ấy sẽ kiện tới cùng. Họ là những kẻ ăn cắp (hình ảnh) và họ cần phải trả giá”.
Cùng loạt đồ chơi thế chiến II, với người lính Phát xít “Bastian”, DID còn tung ra hình mẫu đồ chơi “Chicago Gangster” mà nạn nhân bị ăn cắp hình ảnh là diễn viên Johnny Depp. Điều đáng nói là, Gangster hình mẫu cũng mang tên Johnny.
Theo báo chí Đức, đội ngũ luật sư của Schweinsteiger còn liên hệ với “thuyền trưởng Jack Sparrow”, để cùng “Cướp biển Caribe” khởi kiện công ty Trung Quốc.