Sheikh Salman bin Ebrahim al-Khalifa: Tôi chẳng thể phủ nhận điều tôi không làm!
Cơ sở cho cáo buộc Sheikh Salman bin Ebrahim al-Khalifa lấy từ hồ sơ lưu trữ hồi tháng 4/2011 tại Thông tấn xã Bahrain cho biết ở thời điểm ấy, hơn 150 VĐV, HLV và trọng tài từng bị tù sau cuộc điều tra chống bạo động theo chỉ đạo từ Sheikh Nasser Bin Hamad al-Khalifa, con của vua Bahrain và lúc ấy là chủ tịch Ủy ban Olympic kiêm chủ tịch Hội đồng Tối cao của Thanh niên và Thể thao nước này. Vì thời đó là TTK của Hội đồng đó, Sheikh Salman phải nhận trách nhiệm chỉ huy cuộc điều tra. Có người cho rằng hành động ấy vi phạm quy định về Đạo đức của FIFA.
Hồi năm 2014, một lá thư tố cáo có nội dung như vậy từng được chuyển đến Michael Garcia - trưởng ban điều tra của Ủy ban Đạo đức FIFA thời đó với yêu cầu ông này phải điều tra Sheikh Salman về tội “ngược đãi các VĐV đã tham gia vào cuộc biểu tình chống chính phủ". Tuy nhiên, Garcia từng viết thư hồi đáp phía tố giác Sheikh Salman rằng vụ này nằm ngoài thẩm quyền của ông ta. Đến đây có lẽ cũng cần nhắc thêm là trong vụ đó còn có ít nhất 6 tuyển thủ bóng đá Bahrain cùng 6 CLB của người Shiite bị phạt 20.000 USD/đội và cấm dự giải VĐQG.
Thế nhưng, trong cuộc trò chuyện trên BBC, Sheikh Salman đã bác bỏ mọi cáo buộc ông vi phạm nhân quyền. Sheikh Salman tâm sự: “Tôi chẳng thể phủ nhận điều tôi không làm! Những cáo buộc kiểu ấy không chỉ ảnh hưởng tới hình tượng của tôi, mà còn khiến tôi cảm thấy thật sự tổn thương. Và cáo buộc đó không chỉ làm hại tôi, mà còn tác động tới người dân và đất nước Bahrain. Đó là những lời nói dối bẩn thỉu được nhai đi nhai lại từ trước và tới tận bây giờ”.
Nhân dịp này, Sheikh Salman cũng tuyên bố nếu trở thành chủ tịch FIFA, ông sẽ không nhận lương. Đồng thời, Sheikh Salman tiết lộ ý tưởng của mình: “Nếu tôi được mọi người ủng hộ, FIFA sẽ chuyển biến rất nhanh. Bởi lẽ, chúng ta có rất nhiều tấm gương quản lý bóng đá khắp thế giới đáng học hỏi như Premier League, Bundesliga, thậm chí cả UEFA đang quản lý bóng đá và kiềm tiền đều rất chuyên nghiệp. Đấy là những mô hình tôi muốn áp dụng vào FIFA”.
Sheikh Salman bin Ebrahim al-Khalifa trở thành chủ tịch AFC vào tháng 5/2013, sau thời gian CĐV Man Utd 49 tuổi này làm chủ tịch LĐBĐ Bahrain. Bắt đầu lãnh đạo bóng đá nước nhà từ đầu thập niên 90, người anh em họ của vua Bahrain đưa ĐTQG tiến vào tới vòng tranh vé vớt của cả World Cup 2006 lẫn 2010 và vào bán kết Asian Cup 2004, thành tích không tồi đối với đất nước chỉ có hơn 500.000 dân.