Thể thao nghiệt ngã mà các VĐV vẫn dấn thân đến cùng vì Ronaldo chỉ là “kẻ thù thứ hai”
(Thethao24.tv) – Con đường trở thành một VĐV chuyên nghiệp không hề êm ái như những trang tiểu thuyết. Nó nhọc nhằn, rủi ro thậm chí hơn cả hành trình lên đỉnh Evervest trong mùa bão tuyết. Nhưng điều đó không ngăn nổi hàng ngàn hàng vạn VĐV theo đuổi đến cùng bóng dáng của Cristiano Ronaldo, Michael Phelps hay Venus Williams.
Ba hoàn cảnh
Kyle Tomko tháo dây tai nghe của chiếc iPhone khỏi cổ, ca từ trong bài “Lose Yourself” của Eminem rơi lõm bõm xuống nền phòng tập. Kyle không có nhiều thời gian cho giải trí. Anh cần phải hoạt động để giữ cho cơ thể luôn mức 275 pound (125 kg). Cầu thủ mang áo số 10 của đội bóng bầu dục thuộc Đại học Ashland và 3 đồng đội khác vừa bị dư luận chỉ trích thậm tệ sau trận chung kết thất bại tại Michigan. Eminem xin mời đi chỗ khác, giờ là lúc phải đổ mồ hôi cho mục tiêu lớn nhất đời mình.
Ở một toạ độ khác trên vùng đất của “Giấc mơ Mỹ”, Joe Brandt ngước mắt nhìn dòng dữ quen thuộc trên tường: “Đam mê, Tự hào, Danh dự và Gia đình”. Đấy không chỉ là thói quen mỗi khi Joe bước qua cánh cửa nặng trịch của lò đạo tạo VĐV môn đấu vật. Việc lẩm nhẩm “câu thần chú” đó có tác dụng giúp Joe xoá đi nỗi sợ hãi đối với thất bại và những cơn đau ê ẩm khi lên sàn.
Madeline Legerski đang trên bục xuất phát thuộc đường đua số 4 của trung tâm Rec. Cô đang tự hỏi liệu động tác của mình có thực sự ổn. Tốc độ của Madeline ở nội dung tự do thời gian qua không có nhiều cải thiện dù cô vẫn luôn là người về nhất trong số các đồng đội. Danh dự của một nhà vô địch tại nhiều cuộc thi không cho phép Madeline tụt lại phía sau kẻ khác.
Ba VĐV không có cùng xuất xứ hay hoàn cảnh. Mỗi người có một động lực, lý do riêng để đến với môn thể thao của mình. Điểm chung duy nhất là bọn họ đều chăm chỉ luyện tập. Mỗi ngày. Không than vãn. Nhưng tại sao Kyle, Joe và Madeline lại không chọn đi theo một con đường không có nguy cơ chấn thương, ít bị la ó như vào trường Luật hoặc thợ máy? Tại sao họ cứ cắm đầu theo đuổi sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp?
Một sự nghiệp
Madeline bắt đầu tập bơi khi cô 12 tuổi. Trước đó cô đã thử chơi bóng chuyền và thể dục dụng cụ. Song tất cả đều không tạo ra sự khác biệt. Cuối cùng thì đường đua xanh đã gọi tên cô cùng những triển vọng tốt đẹp.
Joe là một tay vật từ khi lên 6. Từ thời học cấp 2, Joe đã tập luyện tổng cộng 6 giờ mỗi ngày. Con số ấy tăng lên sau mỗi lần thổi nến sinh nhật. Suốt 15 năm ròng rã, Joe chỉ có vài buổi hẹn hò còn số lần trật khớp hay tróc da thì không đếm xuể.
Kyle làm quen với bóng bầu dục năm 7 tuổi. Với anh, bóng bầu dục ban đầu chỉ là một trò tiêu khiển, một thứ dễ dàng để chơi với lũ bạn. Dần dà, mọi thứ không còn giống như trước nữa. “Hồi bé tôi luôn cảm thấy vui vẻ với trò này. Sau khi vào đại học, bóng bầu dục đã trở nên nghiêm túc và căng thẳng hơn. Sau một trận thua, tôi thường không có hứng thú làm bất kỳ thứ gì nữa”, Kyle tâm sự.
Dẫu liên tục bị tâm lý chán nản, mệt mỏi tấn công, Kyle, Joe hay Madeline vẫn tỉnh giấc đúng giờ và không bỏ bê tập luyện. “Tôi không muốn bị xem là kẻ thua cuộc”. “Điều này đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc đời tôi. Các bạn hít thở, tôi tập luyện”. “Tôi không thể lý giải vì sao, tôi chỉ không thể từ bỏ”… Họ lần lượt thổ lộ.
Đối thủ cuối cùng
Joe từng 3 lần đăng quang ngôi Quán quân nước Mỹ. Anh hiểu rõ hơn ai hết về yếu tố cơ bản để tạo nên một kẻ chiến thắng. Với Joe, đấu vật đòi hỏi cả tính sáng tạo và sự chuẩn bị kỹ càng chứ không chỉ có sức mạnh. “Nếu không biết trước đối thủ sẽ tấn công vào vị trí nào, lưng bạn chắc chắn sẽ dán chặt xuống sàn đấu”, Joe nhấn mạnh.
Với Kyle, bóng bầu dục là cách cụ thể nhất để thể hiện tình yêu dành cho đấng sinh thành. Cha đẻ của Kyle rất yêu môn thể thao mà người Mỹ gọi là “Football”, nhưng ông không có cơ hội để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Kyle làm điều đó thay cha.
Về phần Madeline, cô muốn nhận được sự chú ý. Ngoài ra thì cô cũng không giấu giếm suy nghĩ rằng những danh hiệu cũng đồng nghĩa với chút ít tiền thưởng để tận hưởng cuộc sống. Madeline không quen Cristiano Ronaldo, song cô sẵn sàng làm tất cả để được sở hữu bộ sưu tập xe hơi đồ sộ của siêu sao bóng đá người Bồ Đào Nha.
Dư luận nói chung vẫn quen lên án các VĐV về thói tham tiền. Ơ hay, nếu vì ham danh lợi mà quyết tâm trở thành một VĐV đỉnh cao thì lòng tham ấy đáng vỗ tay lắm chứ. Sự giàu sang tự tìm đến với những ngôi sao thể thao, chứ họ nào có ăn cắp, trấn lột của ai.
Người đời cũng hay ghen tỵ với thành công của Ronaldo, Michael Phelps, Venus Williams mà quên mất rằng những siêu sao kể trên đều phải trải qua một hành trình gian nan không kể xiết để có được ngày hôm nay. Trên cái hành trình “ngàn người sót lại một” ấy, ngày nào họ cũng có cơ hội để bỏ cuộc. Vì kiệt sức. Vì khổ ải. Vì mất mát. Vì hiểm nguy. Vì sức ép. Vì cả những thất bại tưởng chừng không thể gượng dậy.
Nhưng cứ sau một đêm, họ lại sẵn sàng tung chăn bước khỏi giường để chí ít cũng đánh bại con quỷ lười biếng và tuyệt vọng luôn gào thét bên trong cơ thể.
Bất kể có huy chương hoặc tay trắng, mọi VĐV thể thao chuyên nghiệp đều là nhà vô địch với chính mình.
Không “Lose Yourself” (đánh mất hoặc thua bản thân), thế là quá đủ.
Quốc Bảo