Xử phạt trọng tài sai phạm trên thế giới: Cứ áp theo khung hình phạt

thứ năm 12-5-2016 16:44:39 +07:00 0 bình luận
Trong quá khứ hay hiện tại, thế giới bóng đá đã từng chứng kiến không ít những vụ việc các trọng tài bị đình chỉ làm nhiệm vụ và có cả bị cấm liên quan đến bóng đá suốt đời.

Lỗi chuyên môn, nặng nhất là đình chỉ

Mark Clattenburg là một trong những trọng tài được đánh giá là có chuyên môn xuất sắc không chỉ tại nước Anh, mà còn trên bình diện châu Âu. Mới đây, ông Clattenburg cũng được vinh dự lựa chọn là người cầm còi trận chung kết Champions League giữa Atletico và Real. Nhưng trong quá khứ, vị trọng tài 41 tuổi này cũng không ít lần mắc những sai lầm.

Trọng tài Mark Clattenburg

Trong trận đấu giữa Man City và Tottenham diễn ra hồi tháng 2 năm nay, ông Clattenburg đã cho Tottenham được hưởng quả penalty sau tình huống cho rằng bóng đã chạm tay Raheem Sterling trong vòng 16m50 và khiến Man City phải nhận thất bại chung cuộc với tỷ số 2-1. Sau khi "mổ băng" trận đấu, LĐBĐ Anh (FA) đã quyết định để ông Clattenburg được "nghỉ ngơi" trong trận đấu tại FA Cup diễn ra sau đó 3 ngày. Trước đó nữa, ông Clattenburg cũng không ít lần bị chỉ trích và thậm chí còn bị gán cho biệt danh "trọng tài thiên vị Man Utd".

Trước đó một mùa giải, trọng tài Mike Jones cũng bị điều chuyển công tác làm trọng tài bàn sau khi có tình huống nhận định và rút thẻ sai với Sergio Aguero cũng khi anh bị đốn ngã trong chiến thắng 3-0 của Man City trước Southampton trên sân St' Mary vào tháng 11/2014. Đó là pha bóng mà sau khi được chiếu chậm, cựu trọng tài Graham Poll còn phải thốt lên pha thổi phạt của Mike Jones là pha xử lý tồi tệ nhất mùa giải đó.

Không chỉ có tại Anh, La Liga của Tây Ban Nha cũng từng chứng kiến những vụ việc tương tự. Cũng mùa 2013/14, trong trận đấu giữa Real và Bilbao, trọng tài chính Miguel Angel Ayza Gamez đã rút thẻ đỏ trực tiếp với Cristiano Ronaldo trong khi chỉ dành cho Ander Iturraspe của Bilbao một chiếc thẻ vàng. Quyết định đó khiến ông bị Ủy ban kỹ thuật trọng tài của giải Tây ban Nha đình chỉ làm nhiệm vụ trong vòng 1 tháng cũng như không được tham gia bất cứ trận đấu nào có sự góp mặt của Real từ đó tới cuối mùa.

Còn trước đó 1 mùa, một trọng tài khác cũng "dính phốt" đó là Mateu Lahoz trong chiến thắng 3-2 của Barcelona trước Sevilla. Bị dẫn trước 2-1, nhưng nhờ pha "diễn kịch" của Cesc Fabregas với Gary Medel khiến tiền vệ của Sevilla nhận thẻ đỏ, còn HLV Michel bị mời lên khán đài mà Barcelona có được 3 điểm.

Dính đến tiêu cực là "đi đời"

Trọng tài người Ukraine, Oleg Oriekhov điền khiển trận đấu giữa FC Basel và CSKA Sofia tại vòng bảng Europa League mùa 2009/10 diễn ra vào tháng 11/2009. Trận đấu kết thúc với phần thắng 3-1 nghiêng về đội chủ nhà FC Basel. Sau đó, cơ quan an ninh đã vào cuộc và điều tra ra việc ông Oriekhov đã bí mật liên hệ với một tổ chức tội phạm chuyên về đánh bạc và cá độ bóng đá bất hợp pháp. Theo đó, ông Oriekhov sẽ được nhận số tiền khoảng 50.000 euro để dàn xếp kết quả của trận đấu trên.

Ủy ban kỷ luật của LĐBĐ châu Âu (UEFA) quyết định ông Oriekhov đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử, phá vỡ những quy định thuộc về quy chế kỷ luật của UEFA đồng thời không báo cáo lên UEFA ngay lập tức khi nhận được lời đề nghị dàn xếp tỷ số của một cá nhân hoặc tổ chức. Với những tội này, ông Oriekhov bị cấm tham gia vào các hoạt động liên quan đến bóng đá suốt đời.

Không chấp nhận án phạt và đã kháng cáo lên Toàn án thể thao quốc tế (CAS), đơn khiếu nại của ông Oriekhov đã bị bác khi CAS đưa ra bằng chứng giữa ông và các thành viên  thuộc tổ chức cá cược kia đã rất thường xuyên trao đổi tin nhắn, thư điện tử nhằm mục đích dàn xếp tỷ số và cá độ bất hợp pháp. Án phạt được UEFA đưa ra được nhận định là hợp tình hợp lý vì những quyết định của ông Oriekhov làm thay đổi trực tiếp kết quả của trận đấu. Vụ án của Oleg Oriekhov thậm chí đã được lưu vào hồ sơ án của Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).

Trước đó 4 năm, bóng đá Đức đã xuất hiện "ung nhọt" mang tên Robert Hoyzer. Người đàn ông sinh năm 1979 này lấy bằng trọng tài năm 2011, và chỉ trong vòng vài năm ngắn ngủi đã có những bước tiến chóng mặt và đến năm 2004 đã được chỉ định bắt chính tại Bundesliga 2.

Ngay năm đó, trong trận đấu giữa Hamburg SV và Paderborn, Robert Hoyzer đã gây ra một trong những "cú phốt" lớn nhất trong lịch sử bóng đá Đức với "tiếng còi méo" giúp Paderborn thắng ngược 4-2 dù đã bị dẫn trước 2-0. Trong trận đấu đó, ngoài việc cho Paderborn được hưởng 2 quả penalty "trên trời rơi xuống", Robert Hoyzer còn thẳng tay đuổi tiền đạo Emile Mpenza của Hamburg mà không có lý do.

 

Qua những phiên điều tra, Hoyzer thú nhận đã cầm số tiền 87.000 USD của các tay cá độ người Croatia để dàn xếp kết quả của trận đấu. Ngoài ra, Hoyzer còn khai nhận đã dàn xếp tỷ số của 3 trận trước đó cũng như có ý định ở 3 trận đấu khác.

Đến như châu Âu, nền bóng đá phát triển và chuyên nghiệp nhất thế giới vẫn chưa thể giải quyết được vấn nạn tiêu cực thì ở những nền bóng đá kém phát triển hơn, việc các trọng tài "dính chàm" không phải là hiếm.

Cũng trong năm 2005, bóng đá Brazil cũng đã bị phủ bóng đen bán độ. "Tiếng còi Mafia" là cụm từ được giới truyền thông đặt cho vụ dàn xếp tỷ số chấn động bóng đá Brazil của 2 trọng tài Edilson Pereira de Carvalho và Paulo Jose Danelon, được phát hiện bởi Ủy ban Công tố đấu tranh tội phạm có tổ chức của bang Sao Paulo hợp tác cùng Cục cảnh sát liên bang Brazil và được tạp chí Veja công bố vào tháng 10/2005.

Một nhóm những tay cá độ bất hợp pháp đã liên hệ và móc ngoặc với 2 trọng tài Edilson và Paulo để thay đổi kết quả của các trận đấu thuộc các giải đấu tại Brazil. Sau khi nhận được số tiền lót tay, Edilson và Paulo đã "bẻ còi" và "bẻ cờ" kết quả của 11 trận đấu tại giải VĐQG, 4 trận đấu tại giải hạng Nhất và 2 trận tại Paulista Championship. Bị cáo buộc phạm những tội danh tham ô, thông đồng và lừa đảo, cả 2 bị đình chỉ vĩnh viễn không được tham gia bất cứ hoạt động nào liên quan tới bóng đá.

Kết quả của các trận đấu trên sau đó đều bị hủy bỏ và điều này giúp cho Corinthians dành được chức vô địch với 3 điểm nhiều hơn Internacional, trong khi nếu kết quả cũ được giữ nguyên thì Internacional mới là đội đăng quang. Cái tên "Edilson" trở nên tai tiếng đến mức sau này được các CĐV tại Brazil dùng để nhắm vào những trọng tài có những quyết định không có lợi dành cho đội bóng của mình.

Cách đây gần 2 năm, tức tháng 06/2014, Ủy ban kỷ luật của LĐBĐ châu Á (AFC) cũng phải đối phó với vụ việc có liên quan đến 3 trọng tài người Lebanon, trong đó tâm điểm là trọng tài chính Ali Sabbagh với hành vi thỏa thuận ngầm với giới cá độ để thực hiện hành vi dàn xếp tỷ số trận đấu trong khuôn khổ AFC Cup giữa Tampines Rovers (Singapore) và East Bengal (Ấn Độ) diễn ra tháng 04/2013. Rất may, do nhận được thông tin nên tổ trọng tài này đã bị thay thế ngay trước khi trận đấu chuẩn bị diễn ra.

Có thể thấy, một khi đã dính đến tiêu cực, dù là cầu thủ, trọng tài hay giữ bất kỳ chức vụ nào cũng đều sẽ phải nhận những án phạt vô cùng nặng.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội