Trung Quốc cũng phải sợ "bong bóng bóng đá" của chính mình
Truyền thông Trung Quốc đang kêu gọi các đội bóng nước này siết chặt công tác chuyển nhượng nhằm ngăn chặn tình trạng “bong bóng bóng đá” tồn tại mấy năm qua.
Oscar và Carlos Tevez mới vượt qua cả Lionel Messi lẫn Cristiano Ronaldo để trở thành những những cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới ngay khi nhận lời gia nhập giải VĐQG Trung Quốc. Chỉ riêng chi tiết này cũng đã cho thấy các đội bóng đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới bạo chi như thế nào.
Tính ra, các đại gia Trung Quốc đã ném vào thị trường chuyển nhượng cầu thủ đến 8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1 tỷ USD) trong năm 2016. Con số này vượt xa doanh thu bán vé và vật phẩm của các đội bóng ở Chinese Super League.
Quan trọng hơn cả, sự đầu tư này chẳng khác gì một quả “bong bóng” có thể vỡ tung bất cứ khi nào nếu các ông chủ lắm tiền nhiều của đạt được mục đích đầu tư, hoặc việc kinh doanh của họ gặp khó khăn. Cảnh báo này mới được đưa ra bởi tờ People’s Daily..
Trong đó, People’s Daily nhấn mạnh, các đội bóng đến từ Chinese Super League cần xây dựng một kế hoạch chi tiêu hợp lý mới đạt được sự phát triển lâu dài, thay vì “đốt tiền” để mua sự thành công nhanh chóng chẳng khác gì một giá trị ảo, dễ dàng có được thì cũng dễ dàng mất đi.
Trên thực tế, Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Trung Quốc cũng mới đưa ra quy định yêu cầu các đội bóng ở Chinese Super League cắt giảm ngoại binh trong đội hình xuống còn 5 cầu thủ, bao gồm 4 cầu thủ nước ngoài và 1 cầu thủ đến từ quốc gia thuộc LĐBĐ châu Á. Số lượng cầu thủ nước ngoài ra sân cũng bị giới hạn ở con số 3 người. Quy định này sẽ có hiệu lực từ thời điểm giải VĐQG Trung Quốc khởi tranh mùa giải mới vào tháng 03/2017.
Trước đó, cơ quan điều hành cao nhất của bóng đá Trung Quốc còn có quy định cấm các đội bóng mua thủ môn ngoại nhằm tạo điều kiện ra sân cho các cầu thủ nội. Do tính chất đặc biệt của vị trí “người gác đền” nên các thủ môn dự bị (phần lớn là cầu thủ Trung Quốc) sẽ không có cơ hội ra sân nếu thủ môn chính đến từ nước ngoài không dính chấn thương.
Kể từ khi luật này được áp dụng vào năm 2001, bóng đá Trung Quốc có thêm không ít thủ môn xuất sắc, ví như Zeng Cheng, thủ thành giúp Guangzhou Evergrande vô địch AFC Champions League 2015 và cũng là trụ cột không thể thay thế tại đội tuyển Trung Quốc.
“Những cầu thủ giỏi đến từ nước ngoài đã mang lại chất lượng cho Chinese Super League và giúp các trận đấu của giải hấp dẫn hơn. Nhưng họ cũng tạo ra gánh nặng tài chính cực lớn cho các CLB, đồng thời giảm cơ hội ra sân của các cầu thủ Trung Quốc”, người phát ngôn của LĐBĐ Trung Quốc chia sẻ.