Từ dân tị nạn thành ngôi sao thể thao
Alekhine - người Nga đem vinh quang cho Pháp
Một trong những người tị nạn lừng lẫy nhất ắt hẳn phải kể tới Alexander Alexandrovich Alekhine, kỳ thủ cờ vua huyền thoại người Nga. Xuất thân từ gia đình quý tộc, ông sớm làm quen với cờ vua và nhanh chóng coi đây là niềm đam mê lớn nhất.
Khát vọng thành công của Alekhine lớn đến mức khi đất nước bị Thế chiến thứ nhất tàn phá, ông vẫn tiếp tục đại diện cho Nga thi đấu ở các giải lớn cho đến đầu năm 1920. Sau đó, ông mới chuyển sang Pháp sinh sống và trở thành công dân nước này để có điều kiện thi đấu thuận lợi hơn.
Trong màu cờ sắc áo của Pháp, Alekhine phát triển càng rực rỡ khi trở thành nhà vô địch thế giới thứ 4 trong lịch sử cờ vua do thắng huyền thoại Capablanca năm 1927. Ông giữ danh hiệu này tới năm 1935 mới bị mất, nhưng 2 năm sau đã đoạt lại và thống trị làng cờ thế giới đến tận năm 1946. Đấy là thời điểm Alekhine chuẩn bị bước vào một trận đấu cờ tại Anh thì đột ngột qua đời trong khách sạn do ban tổ chức sắp xếp.
Đến nay, chưa ai xác định được nguyên nhân cái chết của Alekhine, song có điều chắc chắn: Ông là một trong những kỳ thủ vĩ đại nhất lịch sử cờ vua.
Stanic - một mình có 3 quê hương
Trong thế giới bóng đá, cầu thủ xuất ngoại thi đấu, thậm chí lấy quốc tịch kép hiện quá bình thường như “cân đường, hộp sữa”. Tuy nhiên, trường hợp của Mario Stanic mới đúng là tị nạn. Cuộc đời của ngôi sao tấn công người Nam Tư này khá long đong, khi quê hương tách ra làm 6 nước, rồi nơi chôn nhau, cắt rốn của ông là Bosnia lâm vào nội chiến buộc chàng trai 20 tuổi phải bỏ Zeljeznicar chạy sang Croatia chơi cho Croatia Zagreb, đồng thời nhập tịch nước này để khoác áo ĐTQG.
Vì lo sợ chiến tranh lan rộng, Stanic buộc phải tìm cách qua các nước châu Âu khác chơi cho Sporting Gijon ở TBN, Benfica ở BĐN, Club Brugge ở Bỉ, Parma ở Italia và Chelsea ở Anh. Và dù phải giải nghệ sớm lúc mới 32 tuổi do chấn thương, ông không thiếu các danh hiệu VĐQG, Cúp QG, Cúp châu Âu, thậm chí còn góp phần đưa Croatia tới hạng 3 thế giới.
Bản thành tích như vậy là quá tuyệt vời đối với một cầu thủ có số phận như vậy. Đặc biệt, màn trình diễn của Stanic ở World Cup 1998 ấn tượng tới mức HLV Gianluca Vialli phải tìm mọi cách đưa ông đến với chủ sân Stamford Bridge.
Luol Deng không quên tuổi thơ dữ dội
Trong làng bóng rổ nhà nghề Mỹ, Luol Deng được xem như một trong những tài năng xuất chúng. Nhanh chóng nổi tiếng khi còn rất trẻ, Luol Deng có đầy đủ mọi thứ mà nhiều người khao khát, từ danh vọng, thành công, giàu có… Nhưng nếu những người trẻ cùng lứa thường dễ sa sút do sớm được thỏa mãn, Luol Deng vẫn sống rất bình dị do tuổi thơ quá cơ cực.
Chào đời năm 1985, Luol Deng từng phải cùng 8 anh em ruột đào thoát khỏi đất nước Sudan đang nội chiến ở đầu thập niên 90 mà không có bố mẹ theo cùng. Cuộc sống nghèo khổ và thường đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc giúp cậu bé Luol Deng đủ nghị lực vượt khó để trở thành nhà thể thao nổi tiếng.
Là con áp út trong gia đình có 5 chị em gái và 4 anh em trai, Luol Deng tâm sự: “Cuộc đời từng trải qua đã giúp tôi có được sức chịu đựng rất lớn ngay từ lúc nhỏ. Vì thế mà mỗi khi vượt qua một thách thức, tôi thường tự nhủ: ‘Đây chỉ là một chương khác của cuộc đời. Chúng ta đã từng vượt qua những gian khó càng tồi tệ hơn nhiều”.
Berahino ngàn dặm bôn ba tìm mẹ
Năm nay mới 22 tuổi, song Saido Berahino đã đá cho các đội trẻ Anh suốt 7 năm qua và có tên trong danh sách đăng ký dự Premier League của West Brom 6 mùa liền. Đấy là thành quả của ý chí do một cậu bé 10 tuổi từng phải đối mặt với hiểm nguy và cô độc từ quá sớm.
Nguyên nhân bắt đầu từ năm 2003, khi Berahino buộc phải đào thoát khỏi Burundi bị chia làm hai nửa do các cuộc xung đột giữa các sắc dân thiểu số Hutus và Tutsis. Mâu thuẫn kéo dài 12 năm ấy đã giết xấp xỉ 300.000 người, gồm cả bố của tiền đạo này.
Không chỉ vậy, trong cơn hoảng loạn, mẹ của Berahino đã bỏ rơi con trai để tìm đường tới Anh. Vậy là chú nhóc Berahino phải bôn ba gần 10.000 cây số tìm mẹ nhờ sự trợ giúp của gia đình người bạn. Cậu đã xuyên qua Tanzania và Kenya bằng đôi chân trần hoặc bất cứ phương tiện di chuyển nào cho phép đi ké. Rốt cuộc, cậu tới được Anh dù chẳng biết nói từ nào và cần kiểm tra ADN để mẹ con nhận nhau.
Cho tới nay, khi đang được xem như một trong những niềm hy vọng lớn của bóng đá Anh, Berahino vẫn chưa quên ngày hội ngộ đó: “Tôi không thật sự hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra do còn quá nhỏ, nhưng chắc chắn là người ta làm tôi sợ. Tôi còn nhớ lần đầu gặp mẹ là ở đồn cảnh sát. Chúng tôi chỉ được phép gặp nhau có 1 giờ, trước lúc xét nghiệm ADN. Lúc đó, tâm trạng của tôi rất khổ sở, vì vừa gặp lại mẹ sau thời gian dài mà sau đó, hai mẹ con chẳng thể đi cùng nhau”.