Với người nhập cư, sân cỏ là ước mơ
Khi những người tị nạn Syria vẫn tiếp tục đổ về hàng nghìn người mỗi ngày ở Munich Hauptbahnhof, một số có lẽ đã cân nhắc kết thúc chuyến đi với 20 phút trên tàu hỏa tới Frottmaning và đăng kí tại Allianz Arena của Bayern Munich. Thậm chí, phía Bayern Munich có lẽ đã cử những tuyển trạch viên của họ phục sẵn các chuyến tàu đến từ Áo, Hungary và Italia. Nhìn chung, bóng đá châu Âu luôn đón chào những người nhập cư và đổi lại, người nhập cư cũng mang lại nhiều điều tốt đẹp cho bóng đá châu Âu.
Trước đây thì không như vậy nhưng hai thập kỷ gần đây kể từ khi luật Bosman ra đời năm 1995 và tự do kinh tế trong khối EU, các CLB đã có những thay đổi mạnh mẽ. CĐV ở Munich có dịp chào đón nhiều cầu thủ đến từ châu Phi, Đông và Nam Âu, và Nam Mỹ. Họ không đến trên những chuyến tàu chật kín người mà bằng máy bay riêng, trực thăng hay những siêu xe đắt tiền để kí hợp đồng hàng chục triệu euro. Điều này giải thích tại sao đội hình của Bayern Munich giờ có những cầu thủ Áo, Brazil, Chile, Mỹ, Ba Lan, Pháp và Hà Lan.
Trong khi đó, các đội tuyển quốc gia cũng rộng cửa với người nhập cư. Chẳng hạn như đội tuyển Đức gần đây có ba cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, một hậu vệ có cha là người Ghana, một hậu vệ gốc Albania nhập cư từ Macedonia, và một tiền đạo gốc Morocco-Ghana, cũng như một tiền đạo sinh ở Ba Lan và đến Đức khi mới lên hai tuổi.
Hay sau khi Die Mannschaft lên đội hình chuẩn bị cho trận gặp Ba Lan ở vòng loại EURO 2016 vào ngày 4/9, và Scotland ngày 8/9, Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) đã tung ra một video nhằm đáp lại những người bài ngoại. Thú vị ở chỗ là trong 5 cầu thủ xuất hiện, Bastian Schweinsteiger là người Đức, Ilkay Guendogan và Mesut Oezil gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Jerome Boateng một nửa là người Ghana và Toni Kroos sinh ở Đông Đức trước khi nước Đức thống nhất.
Bóng đá không phải là môn thể thao duy nhất mà người thiểu số thành công mà nó đã thay thế quyền Anh như là công cụ cho người nhập cư phá vỡ các rào cản. Năm 1998, khi Pháp tổ chức World Cup, Les Bleus gồm nhiều cầu thủ sinh ở Guadeloupe, Senegal, Ghana và New Caledonia cũng như cầu thủ có cha mẹ là Guyan, Algeria, Ba Lan-Mông Cổ-Armenia và Basque nhưng sinh tại Pháp. Lúc đó, Jean-Marie Le Pen, chính trị gia cực hữu gọi đội tuyển là “nhân tạo”. Thú vị là khi Les Bleus vô địch World Cup, cả nước Pháp đổ ra đường ăn mừng để thể hiện tình yêu với đội tuyển nhưng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, họ vẫn bỏ phiếu cho Le Pen vào vòng 2.
Thụy Sĩ cũng có một thái độ trái ngược như vậy trong vấn đề chính trị và thể thao. Năm 2009, họ bỏ phiếu cấm người Hồi giáo. Hai năm sau, họ chào đón đội hình “cầu vồng” đứng thứ 2 ở giải U21 World Cup đã thể hiện một phong cách bóng đá hoàn toàn mới. Hay tại World Cup 2014, 8 trong 11 cầu thủ đá chính là con của những người nhập cư hay tị nạn và phần lớn trong số họ là người Hồi giáo từ Nam Tư cũ.
Thế nên, nếu một trong những đứa trẻ Syria bước qua Munich và trở thành ngôi sao trong tương lai, chuyện này không có gì là bất ngờ vì sau cùng, bóng đá hay thể thao nói chung là con đường ngắn nhất để họ thành công và xóa đi những rào cản của người nhập cư hay tị nạn.