Xung đột giữa bóng đá học đường với Học viện bóng đá Mỹ: Thuyết tiến hóa phải thế!

thứ năm 22-10-2015 22:45:22 +07:00 0 bình luận
Hàng loạt cuộc tranh luận đang diễn ra không ngớt trong lòng bóng đá Mỹ, chủ yếu do giờ đây, các tài năng trẻ bị buộc phải chọn 1 trong 2 hướng đi: thi đấu cho các trường hay gia nhập học viện.

Ý tưởng của Klinsmann

Ngày 10/2/2012, chưa đầy 1 năm sau khi Juergen Klinsmann nắm tuyển Mỹ, Học viện bóng đá Mỹ (USSDA) giới thiệu chương trình thi đấu mới kéo dài trong 10 tháng dành cho mọi đội bóng và cầu thủ thuộc hệ thống đào tạo chuyên biệt này. Nhưng do USSDA không cho phép các cầu thủ được thi đấu cho các đơn vị ngoài hệ thống, giới trẻ mê đá bóng ở Mỹ nay sớm phải chọn 1 trong 2: bóng đá học đường hay học viện bóng đá. Đương nhiên, theo học USSDA sẽ có tương lai xán lạn: Hứa hẹn vươn tới đẳng cấp cao hơn để chơi ở những giải như MLS (giải nhà nghề Mỹ), thậm chí còn có cơ hội ra nước ngoài thi đấu. 

Đấy chính là mục tiêu của Klinsmann, khi muốn bóng đá Mỹ bắt chước mô hình đào tạo trẻ của châu Âu. “Nếu người Mỹ muốn cầu thủ của mình có ngày đủ sức chống lại những đối thủ mạnh nhất thế giới, điều bắt buộc là phải thiết lập được hệ thống để cầu thủ được tập luyện và thi đấu càng nhiều càng tốt trong môi trường chuyên nghiệp thích hợp”, Klinsmann từng xác nhận ý tưởng phát triển bóng đá Mỹ như vậy, đồng thời ủng hộ chương trình của USSDA: “Mùa bóng kéo dài 10 tháng theo đề xuất của USSDA là công thức phù hợp với yêu cầu do đáp ứng đủ cả thời gian tập luyện lẫn số trận đấu. Đây là mô hình mà các cường quốc bóng đá đang áp dụng, nên đáng để chúng ta noi theo”.

Cách nghĩ của nghiệp dư

Vấn đề là ảnh hưởng của ý tưởng ấy quá lớn do tác động tới khoảng 4.000 tài năng trẻ. Bên cạnh đó, giới chuyên môn ở Mỹ vốn đã quen với cảnh bóng đá học đường từng là nguồn cung cấp cầu thủ cho các CLB và ĐTQG, nên không ít người cảm thấy bất mãn với cách làm của USSDA, không đơn giản chỉ vì các học viên đoạt mất những tài năng sáng chói nhất của các trường. “Tôi tin rằng hoàn toàn có thể để các cầu thủ vừa đá cho trường, vừa thi đấu cho học viện”, Martin Jacobson – HLV trưởng của Martin Luther King Jr, đội bóng học đường thành công nhất New York – tuyên bố, “Mùa bóng của các trường chỉ trong vòng 8 tuần, nên đừng ép các em phải lựa chọn và đánh mất nhiều quyền lợi mà xã hội cung cấp”. 

Từng làm HLV trưởng của trường The Collegiate tại Manhattan, Colin Huztler cũng tán thành: “Tôi không tưởng tượng nổi tại sao USSDA cứ tìm cách đẩy các tài năng xa rời chúng bạn và không thể theo đuổi thể thao đỉnh cao qua thể thao học đường. Tôi cho rằng mùa hè nên dành cho các đội bóng đá học đường. Toàn bộ thời gian còn lại trong năm thuộc về lịch đấu của USSDA”. Một góc nhìn khác chống lại chủ trương của USSDA cho rằng bóng đá học đường có lợi cho tài năng trẻ hơn học viện do chương trình dạy không chỉ có tập luyện bóng đá, chưa kể còn có học bổng và nhiều thứ linh tinh khác. Quan trọng nhất là cầu thủ chọn bóng đá học đường được đảm bảo đầu ra an toàn cho tương lai, vì tỷ lệ tài năng trẻ phát triển thành chuyên nghiệp rất thấp, cho dù chỉ đạt đến “trình” để đá ở MLS. 

Đi tìm giải pháp dung hòa

Nhưng cho dù bảo thủ tới mức nào chăng nữa, giới chuyên môn ở Mỹ vẫn phải thừa nhận mùa bóng kéo dài 10 tháng của USSDA là cần thiết nếu muốn bóng đá phát triển. Một cầu thủ từng chơi cho cả học viện lẫn bóng đá học đường giải thích: “Ý tưởng thi đấu quanh năm tạo môi trường bóng đá rõ ràng là siêu việt so với chỉ thi đấu trong hè, nên các cầu thủ có thể phát triển hết tiềm năng”. Nhưng nhằm đảm bảo tương lai cho các em, không ít nhà chuyên môn vẫn đang tìm tòi giải pháp trung dung cho bóng đá học đường và học viện để các tài năng trẻ vừa hưởng lợi từ các phương pháp đào tạo kỹ thuật của học viện, vừa có tâm lý thoải mái trong các đội của trường. 

Sở dĩ các cuộc tranh luận vẫn tiếp diễn chủ yếu là do nhiều người tin rằng bê nguyên xi mô hình đào tạo trẻ của châu Âu vào môi trường đa văn hóa rất đặc biệt của Mỹ là một lối tư duy nguy hiểm. Những người tham gia càng hào hứng do mới tuần trước, tuyển thủ Mỹ 20 tuổi Jordan Morris vừa chọn bóng đá học đường để phát triển, thay vì vào Học viện. Nhưng trong mắt Klinsmann, quyết định của Morris chỉ là biểu hiện của một kẻ yếu ớt, không dám đương đầu với áp lực mà tìm cách trốn tránh. Những tài năng như vậy chỉ có đất sống trong bóng đá Mỹ cách nay vài thập niên, nhưng không còn phù hợp với thời đại này, khi sức cạnh tranh ngày càng lớn mạnh. Một cuộc khảo sát mới đây tiết lộ ở Mỹ, số thanh thiếu niên yêu bóng đá nay ngang với bóng chày. Còn trong độ tuổi từ 12-24, bóng đá hiện là môn thể thao số 2, chỉ sau… bóng đá kiểu Mỹ. 

Bóng đá Mỹ không cònlạc hậu

Trong bối cảnh phát triển hiện nay của bóng đá Mỹ, bóng đá học đường rõ ràng đang “chết”, tất nhiên ở đây chỉ là xét đến tầm ảnh hưởng tới ĐTQG và các CLB. Bởi lẽ, làm thế nào để đào tạo được ngôi sao đủ chất lượng cạnh tranh với các cường quốc, nếu các tài năng trẻ chỉ thi đấu khi rảnh rỗi, như một cầu thủ cho biết: “Hồi là sinh viên năm 2, tôi chỉ cần gửi email thông báo lịch học của mình là đủ. Các HLV ở trường thấy tôi rảnh vào tháng 11, nên thu xếp để tôi dự Surf Cup”. Muốn trở thành VĐV nhà nghề, không trả giá là không thể. Đấy là chưa kể nếu xét kỹ, học viện bóng đá Mỹ có chương trình đào tạo chưa hẳn quá ghê gớm với 4 ngày tập mỗi tuần và 1 năm thi đấu 30 trận. 

Thực trạng này giải thích tại sao hiện nay MLS đã ký hợp đồng mua cầu thủ từ 26 Học viện và có hàng chục “sản phẩm” của USSDA đang chơi bóng ở nước ngoài, song GĐĐH DC United Dave Kasper vẫn than thở: “Mỹ vẫn chưa phát triển tới tầm có thể đào tạo những cầu thủ đẳng cấp thế giới, những người đủ sức đến Anh hoặc TBN vẫn trở thành ‘sao’. Bóng đá Mỹ vẫn lạc hậu so với thế giới”. Muốn thay đổi điều này trong đất nước được xem là nơi mà mọi người đều có quyền mơ và đều có cơ hội biến ước mơ thành hiện thực, bóng đá học đường xem ra phải nhường trọng trách cho học viện bóng đá, hoặc điều chỉnh chiến lược cho phù hợp để đáp ứng đòi hỏi của những tài năng như một học viên tại học viện ở Philadelphia từng tâm sự: “Giấc mơ của tôi là có ngày được chơi bóng chuyên nghiệp ở châu Âu. Tôi chẳng đòi hỏi phải là đội bóng cỡ nào, nhưng lý tưởng nhất là Barcelona hoặc Real Madrid”. Để hiện thực hóa giấc mơ này, USSDA còn cần phấn đấu rất nhiều, bóng đá học đường càng khỏi cần nghĩ.

Tại Gold Cup 2014, Klinsmann chỉ triệu tập có 7 tuyển thủ Mỹ không thuộc USSDA hoặc xuất thân từ các lò đào tạo nước ngoài. Ở trận giao hữu với Peru và Brazil hồi tháng trước, con số này cũng chỉ có 8. Ở trận gặp Mexico tháng này, số tuyển thủ không thuộc USSDA là 4 và tăng thêm 1 khi Andrew Wooten được bổ sung cho trận đấu với Costa Rica tuần trước.

Học viện phát triển bóng đá Mỹ (USSDA) thành lập năm 2007 có mô hình gần giống hệ thống ở châu Âu và Nam Mỹ. Mục đích nhằm cung cấp cầu thủ trẻ được đào tạo chuyên nghiệp ở mọi lứa tuổi cho ĐTQG và các CLB. Điểm đáng chú ý là USSDA buộc mọi cầu thủ thuộc các học viện phải ký thỏa thuận không dự các giải khác, không chơi cho các đội khác hoặc tham gia bóng đá học đường do họ không chỉ được dạy cách chơi bóng, mà còn tiếp tục học bình thường như ở trung học hoặc trường tư.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội