1.500 tỉ có xây được “Nhà hát của những giấc mơ”?
Nói đến đây thì hẳn ai cũng nghĩ ngay đến sân Old Traffford - thánh đường của CLB Manchester United, còn được gọi là "Nhà hát của những giấc mơ". Cái tên Old Traffford thật ra chẳng đến nỗi lãng mạn như vậy đâu…
Vì khi được khởi công năm 1909, sân này nằm cạnh trạm xe điện mang tên Old Trafford Metrolink. Hiển nhiên khi gọi sân Old Trafford là "Nhà hát của những giấc mơ" thì đó không phải là một nhà hát thực thụ, nơi người ta chơi các bản nhạc giao hưởng thay vì đá bóng. Đó cũng không phải chỗ để khán giả đến… nằm ngủ.
Cái tên Old Trafford không lãng mạn như mọi người vẫn tưởng
Giấc mơ là một biểu tượng và thường thì mộng đẹp của người này lại là ác mộng của người kia. Cuộc đời vốn vậy. Giá trị của một nhà hát hay một sân bóng không phải là nó tên là gì, nằm ở đâu, xây tốn bao nhiêu tiền mà là mang lại những gì?
Người ta đang bàn rất nhiều đến quyết định của Hội đồng nhân dân TPHCM về việc quyết định xây một nhà hát giao hưởng trị giá 1.500 tỉ đồng trên đất Thủ Thiêm. Tranh cãi là tất nhiên khi Thủ Thiêm vẫn còn là những điểm nóng xung quanh câu chuyện đất đai mà Chính quyền đã phải xin lỗi người dân sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Tranh cãi là tất nhiên khi nhiều người cho rằng, một nơi như TPHCM không nhất thiết phải có một nhà hát - mà lại là nhà hát giao hưởng - khi mà bao nhiêu dự án khác đang cấp bách hơn, cần tiền hơn như dự án chống ngập bởi triều cường, dự án chống ùn tắc giao thông hay việc mở mang các bệnh viện để giảm tải…
Nếu vậy thì dừng luôn cả giải bóng đá V.League đi, lấy tiền đó, cỡ vài chục tỉ mỗi đội hỗ trợ người nghèo có phải thiết thực hơn không?
Có nên bỏ V.League để lấy tiền hỗ trợ người nghèo?
Cái tư duy ấy rõ ràng không đúng. Nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là có không ít các loại nhà hát tương tự ở những địa phương khác cả năm không quá 10 lần sáng đèn, thay vào đó người ta cho thuê tổ chức đám cưới, hội nghị. Và cũng cần nhìn nhận lại là quyết định của Hội đồng nhân dân có đúng là ý chí nguyện vọng của nhân dân? Nếu đúng vì sao lại có ý kiến phải đối nhiều như vậy?
Trong cuộc sống, không thể làm hài lòng tất cả mọi người. Bởi mỗi người có một ước muốn khác nhau. Chẳng hạn, cùng là những ông bầu khét tiếng ở V.League nhưng với bầu Đức - bầu Hiển đã lại có sự chênh lệnh rồi. Bầu Đức mơ số lần đoạt chức vô địch của bầu Hiển đã có, còn bầu Hiển lại ước có được cái nút bạc YouTube - tượng trưng cho sự theo dõi, yêu thích trên mạng xã hội.
"Giấc mơ" của bầu Đức (trái) và bầu Hiển có vẻ đang đối lập nhau
Lại nói về bầu Hiển - công dân tiêu biểu Thủ đô năm 2018 đang có một dự án lớn đối với sân Hàng Đẫy - mảnh đất kim cương giữa lòng Hà Nội - với số vốn lên tới 7.000 tỉ đồng (250 triệu Euro) để tạo nên một "thánh đường bóng đá". Tất nhiên tổ hợp ấy không chỉ cho bóng đá, nó còn là câu chuyện kinh doanh - thu hồi vốn với các trung tâm thương mại đi kèm.
Sẽ rất khó so sánh "thánh đường bóng đá" trong mơ ấy với sân Pleiku hiện thực của HAGL. Bởi đầu tư 1 đồng cũng là thừa nếu nó nằm ngoài nhu cầu, đầu tư 1.000 tỉ cũng là thiếu nếu đáp ứng được tình yêu của người hâm mộ.
Quyết tâm chi 1.500 tỉ xây nhà hát giao hưởng. Cũng tốt thôi. Nhưng nếu tiền ấy dùng để tăng cường kiến thức văn hóa, nhạc hàn lâm cho học sinh cho người dân trước thì sẽ tốt hơn.
Cũng như xây một "thánh đường bóng đá" với hàng ngàn tỉ không quan trọng bằng việc hàng ngày, hàng tuần tạo ra những lớp người hâm mộ mới, có tình yêu đích thực với đội bóng.
"Nhà hát của những giấc mơ" không phải được xây dựng bằng tiền, nó được xây dựng bằng những giấc mơ.