Cafe 24h: Án phạt và quyền lực thật
Nếu đưa ra một hình thức kỷ luật mà bản thân người bị phạt không “tâm phục, khẩu phục”, người bên ngoài còn cảm thấy “có động cơ” đằng sau của người ra án thì phản tác dụng. Những án phạt như thế không làm giảm tình trạng phạm lỗi, ngược lại chất chứa những đốm lửa nhỏ có thể bùng phát thành bạo lực bất kỳ lúc nào.
Có người nhắc lại câu chuyện cách đây đúng 6 năm, ở sân Cao Lãnh, Công Vinh đã có hành động vái lạy trong tài Bảo Linh. Đó là một vụ chấn động. Thông thường, chuyện lạy trọng tài không quá quan trọng nhưng đây là Công Vinh - cầu thủ số 1 lúc ấy. Thế là thành chuyện.
“Tài năng càng lớn thì trách nhiệm càng cao”. Đó là câu nói nổi tiếng trong phim Người Nhện. Công Vinh không phải là siêu nhân và khi đối mặt với án phạt hy hữu treo giò đến 6 trận thì Công Vinh đã phải thốt lên rằng “có thể sẽ giải nghệ” vì những kiểu án phạt phi lý như thế.
Tất nhiên, tuyên bố của Công Vinh chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa. Cũng may, Công Vinh là người có bản lĩnh và biết cách vượt qua án phạt được cho là không chứa đựng nhiều yếu tố giáo dục trong đó.
6 năm sau, đến câu chuyện Văn Quyết. Một cú đẩy - cứ cho là như thế đi - phải chịu án treo giò 5 trận và nộp phạt 15 triệu đồng. Đúng là nặng và nó được gắn với những từ như “nghiêm khắc”, “nghiêm minh”.
Ở đây, sự nghiêm khắc chỉ đúng khi nó có tính giáo dục, có tính cảnh báo như đã nói phần đầu. Nhưng không, một lần nữa người ta thấy VFF dường như chiều theo dư luận.
Tha cho Quế Ngọc Hải trước thời hạn đúng 8 ngày - để một cầu thủ bị treo giò nhiều tháng nghiễm nhiên có mặt trong Đội tuyển. Đó là cách xử lý mưu mẹo và theo kiểu “lách”. Hiển nhiên, nhiều người dù có quý Hải cũng cảm thấy có vấn đề trong quyết định này. Và cũng lại một quyết định khác: “Truất quyền lên Tuyển của Văn Quyết”. Thậm chí, không chắc VFF đã hỏi HLV Hữu Thắng về chuyện này hay chưa.
Khi nhậm chức, HLV Hữu Thắng nói: “Không ai có thể can thiệp vào chuyên môn của tôi ở Đội tuyển”. Thế nhưng, chính trong lễ nhậm chức ấy, nếu để ý có thể thấy Thắng được sắp ngồi nem nép bên cạnh, trong khi đó vị trí trung tâm - vai diễn chính - lẽ ra phải là của Hữu Thắng thì lại thuộc về quan chức VFF.
Giá như ở đó, vị lãnh đạo VFF đứng dậy nhường chỗ cho Hữu Thắng, để anh ngồi vào chính giữa thì người ta mới tin vào quyền lực thật sự của anh.
Bây giờ thì còn phải chờ.